Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 11 năm 2024,
Hậu Giang cần xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp
Hữu Phúc - 29/09/2017 08:13
 
Sáng 28/9, tại TP. Vị Thanh (Hậu Giang) đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2017 với chủ đề “Hậu Giang, tiềm năng đầu tư và phát triển”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã nêu bật các tiềm năng, lợi thế của tỉnh Hậu Giang, trong đó sự dồi dào về nguồn nguyên liệu nông, thủy sản phục vụ cho công nghiệp chế biến lương thực- thực phẩm là thế mạnh nổi trội của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, miệt vườn, du lịch văn hóa; một số địa chỉ cần đầu tư khai thác, như: Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, chợ nổi Ngã Bảy…

Tuy nhiên, theo ông Hùng, lợi thế so sánh của tỉnh Hậu Giang chính là vị trí địa lý, nhờ giáp ranh với TP.Cần Thơ nên các nhà đầu tư có thể thụ  hưởng các tiện ích về kết cấu hạ tầng kinh tế- kỹ thuật từ thành phố này.

.
.

Đồng tình với chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Lưu Văn Nguyện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Bình Minh cho rằng, tuy không phải là trung tâm động lực kinh tế, là trung tâm thương mại, tài chính của vùng Tây Nam bộ như TP. Cần Thơ, nhưng với khoảng cách rất gần Cần Thơ, nên tỉnh Hậu Giang được thừa hưởng gần như toàn bộ hạ tầng kinh tế- xã hội tại đây, như: Sân bay Quốc tế Cần Thơ; hệ thống cảng biển: Cảng quốc tế Cái Cui, cảng Hoàng Diệu, cảng Trà Nóc; hệ thống các trường đại học, cao đẳng với đầy đủ các chuyên ngành đào tạo; các trung tâm thương mại; các tổ chức tài chính – ngân hàng – bảo hiểm...

Trong khi đó, chi phí đầu tư cho hạ tầng đất đai, nhà xưởng tại tỉnh Hậu Giang lại thấp; các dự án đầu tư tại Hậu Giang được hưởng mức ưu đãi đầu tư cao nhất do hầu hết các địa phương trong tỉnh đều nằm trong danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

.
.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho rằng, nếu các cụm doanh nghiệp phát triển đều xoay quanh các đô thị trung tâm như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hài Phòng… thì Hậu Giang là một điểm đến khá thuận tiện. Khi trung tâm logistic và hệ thống cảng biển hoàn thiện tại Cần Thơ cùng với hệ thống dịch vụ thương mại và tài chính thì các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại Hậu Giang có một thuận lợi lớn trong tiếp cận các dịch vụ hữu ích này.

Đây cũng là những yêu cầu từ nhiều doanh nghiệp quốc tế khi tìm hiểu đầu tư đặt ra với VCCI trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, theo ông Lam, mặc dù Hậu Giang chưa nằm trong tốp tốt của PCI công bố hàng năm nhưng một số chỉ tiêu tích cực cho thấy Hậu Giang đang có những nỗ lực đáng kể.

Hậu Giang từng đứng đầu cả nước về chỉ số gia nhập thị trường năm 2015, trong năm 2016, Hậu Giang tiếp tục khẳng định là tỉnh tạo điều kiện tốt cho DN tiếp cận đất đai tốt trong đầu tư, kinh doanh khi được đánh giá xếp hạng 6/63 tỉnh, thành cả nước... Các chỉ số khác như: DN ít phải trả chi phí không chính thức (tốp 7 cả nước), khi có bị nhà nước thu hồi đất thì khả năng bồi thường được thỏa đáng (tốp 10 cả nước), tòa án địa phương giải quyết tranh chấp nhanh chóng, đứng thứ 2 cả nước…. là những điểm nổi bật của tỉnh Hậu Giang được doanh nghiệp đánh giá trong năm qua. Đây là một trong những điểm quan trọng đối với doanh nghiệp khi quan tâm đầu tư vào Hậu Giang.  

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh Hậu Giang cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính quyền đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp. Tiếp tục gỡ bỏ các rào cản cản trở sự phát triển của tỉnh; các cấp chính quyền tỉnh phải thật sự cầu thị, lắng nghe, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư. Cần tạo động lực thực sự cho cán bộ làm việc, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cho kết quả công việc. Chính quyền không chỉ đạo doanh nghiệp sản xuất gì mà cần đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp về môi trường pháp lý, về thủ tục, về thông tin, về dịch vụ công, về tiếp cận thị trường để doanh nghiệp tự đưa ra quyết định trong sản xuất kinh doanh... Tỉnh cần chỉ đạo nâng cao chất lượng xử lý chất lượng thông tin phản hồi của các doanh nghiệp, đừng để trình trạng trì trệ xảy ra.

Tại Hội nghị này, UBND tỉnh Hậu Giang đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án với tổng vốn đăng ký là 1.800 tỷ đồng và ký biên bản ghi nhớ đầu tư 2 dự án với tổng số vốn dự kiến 82.200 tỷ đồng.

Hậu Giang tiếp nhận 2 dự án đăng ký đầu tư vào năng lượng, vốn trên 4 tỷ USD
Trong lúc nhiều tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đang khát nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì Hậu Giang, một tỉnh có điều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư