Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Hậu Giang hiện thực hóa khát vọng bứt phá vươn lên
Trúc Giang - 01/05/2023 09:18
 
Tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang đạt kết quả ấn tượng trong năm 2022 và quý I/2023 đã tạo niềm tin và là tiền đề quan trọng để hiện thực hóa khát vọng đưa Hậu Giang bứt phá thành tỉnh khá trong khu vực.
Hậu Giang quyết tâm hiện thực hóa khát vọng bứt phá vươn lên 	Ảnh: Lý Anh Lam
Hậu Giang quyết tâm hiện thực hóa khát vọng bứt phá vươn lên Ảnh: Lý Anh Lam

GRDP quý I/2023 cao nhất cả nước

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Hậu Giang là 12,67%. Đây là lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế quý của tỉnh đạt mức cao nhất cả nước.

Trong quý I/2023, các khu vực kinh tế của tỉnh đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ; hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển tích cực.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp quý I/2023 thực hiện đạt 8.184,55 tỷ đồng, tăng 14,08% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh ước tăng 13,05% so với cùng kỳ.

Về thương mại dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 13.838,69 tỷ đồng, tăng 10,19% so với cùng kỳ và đạt 26,87% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu thực hiện đạt 146,867 triệu USD, tăng 10,67% so với cùng kỳ, đạt 19,93% kế hoạch năm.

Tổng thu ngân sách nhà nước tiếp tục đạt kết quả khả quan, với 3.289,63 tỷ đồng, đạt 30,74% dự toán Trung ương và đạt 29,69% dự toán HĐND tỉnh giao.

Kinh tế Hậu Giang đạt kết quả ấn tượng trong quý I/2023 là sự tiếp nối đà tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2022, khi GRDP của tỉnh tăng 13,94% so với năm 2021, là năm tỉnh có mức tăng trưởng GRDP cao nhất kể từ khi thành lập tỉnh, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vươn lên thứ 4 của nước (tăng 35 bậc so với năm 2021). Đồng thời, năm 2022 cũng là năm thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng cao so dự toán, đạt trên 6.000 tỷ đồng, đạt 126,67% dự toán HĐND tỉnh giao và vượt 31% dự toán Trung ương giao, bằng 1,7 lần số thu ngân sách năm 2020.

Bên cạnh đó, đời sống nhân dân trong tỉnh đã có bước cải thiện đáng kể, GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 65,89 triệu đồng/người, tương đương 2.657 USD, tăng 21,43% so với cùng kỳ (tăng 11,6 triệu đồng/người/năm).

Đạt được kết quả trên là do UBND tỉnh Hậu Giang bám sát vào sự chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, triển khai thực hiện sáng tạo, với quyết tâm, khát vọng đưa Hậu Giang phát triển vượt trội so với các tỉnh, thành trong khu vực. Kịp thời đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội của tỉnh, trên cơ sở đó đề ra định hướng, mục tiêu, tầm nhìn, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp; ban hành các chương trình, nghị quyết, đề án, kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp tình hình thực tế của tỉnh để cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách đồng bộ, thống nhất, quyết tâm cao.


Với phương châm “Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng vươn lên”, chúng tôi cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất tại tỉnh Hậu Giang.Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 04 - NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang, tỉnh đã chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo quan điểm phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng; tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế theo hướng “Công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh, du lịch chất lượng”. Đây là 4 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế- xã hội, nhằm gia tăng nguồn thu ngân sách địa phương và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.

Đồng thời, tỉnh cũng tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược. Một là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực lãnh đạo chủ chốt các cấp... Hai là hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách; tập trung ưu tiên xây dựng các cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân…Ba là xây dựng chiến lược phát triển và quy hoạch tỉnh Hậu Giang; chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi cho nhà đầu tư.

Bứt phá thứ hạng PCI

Theo bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 vừa công bố, tỉnh Hậu Giang có điểm số 68,12 điểm, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong

cả nước và xếp thứ 3/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

So với PCI năm 2021, PCI năm 2022 Hậu Giang tăng 26 bậc, và tăng 4,32 điểm (năm 2021 hạng 38, điểm số 63,80 điểm). Đây là năm mà tỉnh Hậu Giang có thứ hạng PCI cao nhất trong vòng 10 năm qua. Đặc biệt, đây cũng là năm Hậu Giang có điểm số PCI cao nhất kể từ trước đến nay.

Nhìn vào bảng tổng hợp các chỉ số thành phần PCI 2022, Hậu Giang có tới 5 chỉ số tăng điểm so với PCI 2021. Cụ thể, chỉ số “Chi phí không chính thức” tăng 0,25 điểm (năm 2021 là 7,23 điểm) xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố; chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” tăng 1,45 điểm (năm 2021 là 5,55 điểm), xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; chỉ số “Tính năng động” tăng 0,21 điểm (năm 2021 là 7,05 điểm) xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố; chỉ số “Thiết chế pháp lý” tăng 0,35 điểm (năm 2021 là 7,20 điểm); chỉ số “Tính minh bạch” tăng 1,29 điểm (năm 2021 là 4,53 điểm).

Sự bứt phá mạnh mẽ về thứ hạng PCI của Hậu Giang là kết quả mang lại từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của tỉnh trong việc tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đây cũng là một trong ba nhiệm vụ đột phá chiến lược nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã được Tỉnh ủy Hậu Giang xác định.

Để tổ chức thực hiện các hoạt độngxúc tiến đầu tư, hỗ trợ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư; tư vấn, hướng dẫn, cung cấp và thông tin về thu hút đầu tư trên địa bàn nhanh chóng, kịp thời, chính xác, thống nhất cho các doanh nghiệp các nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 326/QĐ - UBND ngày 16/2/2022 thành lập Ban Chỉ đạo xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Hậu Giang do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban.

Công tác xúc tiến đầu tư, đối thoại, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư được tỉnh quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục. Qua đó, các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp được giải quyết kịp thời. Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã chủ động chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai các dự án trên địa bàn đối với doanh nghiệp, thông qua các hoạt động thăm hỏi tiếp xúc trực tiếp và họp mặt “Cà phê doanh nhân” định kỳ của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang.

Hậu Giang cũng đã đầu tư và đưa vào vận hành Dự án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và phát triển doanh nghiệp nhằm phục vụ tra cứu, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh. Đây là kênh thông tin nhằm giúp các cơ quan chức năng chuyển tải các thông tin về chủ trương, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ tương tác giữa người dân và chính quyền.

Nhằm tạo lập môi trường đầu tư- kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, tỉnh Hậu Giang tiếp tục rà soát, xây dựng, quy định trình tự, thủ tục và nhất là cơ chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế…; công khai hóa các quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho thuê đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; minh bạch chính sách về đất đai, quy hoạch, danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Hậu Giang tăng trưởng kinh tế đạt 12,67% quý I/2023
Hậu Giang đang tập trung mọi nguồn lực, tích cực tháo gỡ khó khăn bàn giao mặt bằng đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư