Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Hậu giang rộng cửa chào đón nhà đầu tư
H.T - 05/11/2014 10:18
 
Ông Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, tiềm năng đa dạng cộng với lợi thế về hạ tầng là những ưu thế mà các nhà đầu tư có thể tìm thấy ở địa điểm đầu tư Hậu Giang.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
MDEC đóng góp thiết thực cho phát triển ĐBSCL
Sóc Trăng đã sẵn sàng cho Mdec 2014
Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL 2014 diễn ra tại Sóc Trăng

Để giới thiệu về Hậu Giang với các nhà đầu tư, ông muốn nói với họ điều gì?

Tỉnh Hậu Giang nằm ở trung tâm vùng Tây sông Hậu, tiếp giáp với TP.Cần Thơ, các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Vĩnh Long. Diện tích tự nhiên 1.601 km2, gổm 07 đơn vị hành chính, dân số gần 800 ngàn người.

   
     

Ngoài quốc lộ 1A, quốc lộ 61, các tuyến đường Nam Sông Hậu, Quảng Lộ- Phụng Hiệp chạy qua, Hậu Giang có mạng lưới sông rạch rất thuận lợi với trục giao thông thủy quan trọng là sông Hậu, kênh xáng Xà No, kênh Quản Lộ- Phụng Hiệp là đường thủy quốc gia từ TP. HCM xuyên đồng bằng đổ ra biển Tây, nối các tỉnh ĐBSCL đi Campuchia, biển Đông và các nước Đông Nam Á.

Hậu Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng về kinh tế nông nghiệp với diện tích canh tác lúa ổn định 200.000 ha, trong đó có 10.000 ha lúa đặc sản; sản lượng lúa ổn định khoảng 1 triệu tấn. Thủy sản là lĩnh vực có thế mạnh thứ hai sau cây lúa, với tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi thủy sản gần 54.000 ha. Các sản phẩm thủy sản chủ yếu là: cá tra, cá ba sa, tôm càng xanh, cá thác lác, cá sặc rằn, cá rô đầu vuông...

Hậu Giang có diện tích vườn cây ăn trái khá lớn, đã hình thành một số vùng trồng tập trung cây ăn quả nhiệt đới gần 21.000ha, sản lượng 150.000 tấn/năm với các loại trái cây như cam, quít, bưởi năm roi Phú Hữu, nhãn, sầu riêng, măng cụt, vú sữa, chôm chôm, xoài, dâu… Tỉnh đã quy hoạch, đầu tư diện tích vườn cây ăn quả đặc sản tập trung 10.000 ha tại vùng đất ven theo sông Hậu thuộc huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, kết hợp với khai thác du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.

Ngoài ra, tỉnh còn có diện tích mía gần 16.000 ha, sản lượng gần 1,5 triệu tấn mía; diện tích khóm 1.500 ha, sản lượng 15.000 tấn/năm.

Các nguồn nông sản quý giá trên đây đã cung cấp khối lượng nguyên liệu rất lớn và quan trọng cho công nghiệp chế biến tại tỉnh Hậu Giang, TP. Cần Thơ và TP.HCM.

Tiềm năng đa dạng như vậy nhưng lợi thế nào tạo nên sự khác biệt giữa Hậu Giang với các tỉnh trong vùng, thưa ông?

Do tiếp giáp với TP. Cần Thơ – trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học kỹ thuật vùng đồng bằng sông Cửu Long, nên cơ sở hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội rất thuận lợi cho các nhà đầu tư tại tỉnh Hậu Giang. Có thể kể tới Sân bay quốc tế Cần Thơ; Cảng quốc tế Cái Cui, Cảng Cần Thơ; nhiều trường đại học đa ngành, chuyên ngành và hệ thống trường cao đẳng dạy nghề ; các dịch vụ về khoa học kỹ thuật, tài chính, ngân hàng, kiểm toán, bảo hiểm, dịch vụ thương mại, vui chơi, giải trí...đều có sẵn và rất tiện ích trên địa bàn TP.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang.

Cùng với việc hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội như nêu trên, khi đầu tư tại Hậu Giang, các nhà đầu tư còn được hưởng rất nhiều ưu đãi theo qui định do tất cả các huyện, thị xã của Hậu Giang đều thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Riêng TP. Vị Thanh, tỉnh lỵ Hậu Giang thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn.

Thưa ông, địa phương đang muốn nhà đầu tư quan tâm đến các lĩnh vực nào?

Trong định hướng phát triển kinh tế, xã hội, Hậu Giang luôn chú trọng tạo mọi điều kiện để phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng, lợi thế theo hướng phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch.  Tỉnh đang tập trung ưu tiên khuyến khích đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung, hoàn thiện mạng lưới giao thông thủy bộ, cấp điện, cấp thoát nước, hạ tầng du lịch, phát triển đô thị... nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, kêu gọi đầu tư lĩnh vực chế biến thủy sản, gạo, sản xuất hàng tiêu dùng, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, các dự án chế biến sản phẩm sau đường (cồn, phân vi sinh, vi lượng, bánh kẹo, rượu…) chưa có dự án đầu tư nên rất cần kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này. Về du lịch, tỉnh đang có chủ trương phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hóa mang nét đặc thù riêng của Hậu Giang, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nâng cấp mở rộng hệ thống nhà hàng, khách sạn, đầu tư nâng cấp các tuyến đường dẫn đến điểm du lịch. Cụ thể, đầu tư mở rộng khu du lịch sinh thái Tân Bình, đầu tư xây dựng mới khu du lịch sinh thái Tầm Vu, đầu tư xây dựng mới khu du lịch sinh thái khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, làng nghề và chợ nổi Ngã Bảy…

Về nông nghiệp, thủy sản, ưu tiên, khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư, ứng dụng công nghệ sinh học trong lai tạo, nhập nội, nhân giống có hàm lượng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường trong canh tác…

Ông có thông điệp gì gửi tới nhà đầu tư khi họ có ý định tìm kiếm cơ hội làm ăn tại Hậu Giang?

Vùng đất Hậu Giang còn rất nhiều tiềm năng tự nhiên chưa được khai thác hết, là nơi mưa thuận gió hòa thích hợp phát triển nền kinh tế nông nghiệp nhiệt đới. Miền đất Hậu Giang còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc miền sông nước Nam Bộ, thuận lợi phát triển du lịch.

Với tiềm năng sẵn có và truyền thống mến khách, Hậu Giang luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư. Đến với Hậu Giang, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư