Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Hãy bay lên thật cao, con Rồng Việt Nam!
GS-TS. Trần Ngọc Thơ - 25/01/2020 09:31
 
Mọi thứ phải được chuẩn bị thật chi tiết, bài bản cho khát vọng hoá Rồng. Việt Nam hãy không ngừng mơ ước, không ngừng lớn mạnh, không ngừng đổi mới, không ngừng hành động…
Không có con đường nào khác, Việt Nam chỉ có một lựa chọn duy nhất với lịch sử là bằng mọi cách phải tăng trưởng và tăng trưởng cao liên tục.
Không có con đường nào khác, Việt Nam chỉ có một lựa chọn duy nhất với lịch sử là bằng mọi cách phải tăng trưởng và tăng trưởng cao liên tục.

Nếu không chuẩn bị tiến tới, hãy chuẩn bị tiến tới “không”

Định đề nổi tiếng Herbert Stein phát biểu: “Chênh lệch giữa tăng trưởng 1% và 2% là 100%” (đặt trong bối cảnh của kinh tế Mỹ). Tại sao 1 - 2% bằng 100%? Với 1% tăng trưởng, mất 70 năm để thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi; với 2% tăng trưởng, mất 35 năm tăng gấp đôi. Nghĩa là, với 1% tăng trưởng, phải mất đến 2 thế hệ để thu nhập tăng gấp đôi; trong khi với 2% tăng trưởng, chỉ mất có một thế hệ. Sự khác biệt quá lớn cho thấy những hệ luỵ nghiêm trọng nếu có những sai lầm trong các nhận thức về tăng trưởng và các chính sách kinh tế vĩ mô.

Đối với Việt Nam, để trở thành quốc gia phát triển có thu nhập bình quân đầu người cao vào năm 2045 như tầm nhìn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, phải mất bao nhiêu thế hệ? So sánh mang tính ước lệ với định đề Herbert Stein để thấy, nếu không bứt tốc ngay từ bây giờ, với tốc độ tăng trưởng 5-6%/năm, ít nhất phải mất đến 2 thế hệ, Việt Nam mới có thể đẩy tăng trưởng lên gấp đôi 10-12%. Đối với một quốc gia có xuất phát điểm thấp như Việt Nam, con số có thể lên đến nhiều hơn, chứ không phải chỉ 2 thế hệ.

Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, nếu không bứt tốc, thì chẳng mấy chốc dân số chưa giàu đã già, chỉ có các cụ ông, cụ bà, làm sao gánh nổi cơ đồ? Lúc đó, con cháu sẽ suy nghĩ gì về trách nhiệm của ông cha? Tầm nhìn của Thủ tướng đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao thậm chí còn khiêm tốn, không có gì là phi hiện thực, viển vông. Đó là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng.

Không có con đường nào khác, Việt Nam chỉ có một lựa chọn duy nhất với lịch sử là bằng mọi cách phải tăng trưởng và tăng trưởng cao liên tục. Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, không thể chấp nhận tư tưởng bàn lùi vào lúc này. Nhưng đó cũng không thể là căn bệnh thành tích mang tính nhiệm kỳ. Đó cũng không thể là cảm hứng nhất thời, đến vào những thời khắc vui nhất khi Việt Nam là tia nắng hiếm hoi toả sáng trên bầu trời đầy mây đen của kinh tế toàn cầu, lại được cộng hưởng bởi những điều thần kỳ mà đội tuyển bóng đá Việt Nam đạt được ở đấu trường châu lục.

Đó phải là một sự tăng trưởng ngoạn mục và liên tục. Đó là khát vọng mãnh liệt, bất tận của toàn dân tộc. Mọi thứ phải được chuẩn bị thật chi tiết, bài bản cho khát vọng hoá Rồng. Ngược lại, nếu không chuẩn bị tiến tới, cũng hãy chuẩn bị tiến tới “không”.

Không đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế, môi trường, văn hoá, văn minh

Dường như đã từ lâu rồi, không nói ra, nhưng hầu như ai cũng ngầm hiểu rằng, tăng trưởng kinh tế cao, nhưng có cái giá phải trả chứ! Lạm phát phải cao thêm, phải hy sinh chút đỉnh môi trường, phải mất chút ít đất đai cho người nước ngoài thuê mướn, nợ công phải tăng lên, chi tiêu chính phủ phải mở rộng.

Những thành quả phát triển kinh tế - xã hội và văn hoá của Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế đầy màu xám của kinh tế toàn cầu, khiến những ai khó tính nhất cũng đầy thán phục. Tuy nhiên, nếu bình tâm lại, không ít điều cần phải được nhận diện thấu đáo.

Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động ở 2 thành phố lớn. Một nguy cơ khủng khiếp khác đang dần hiện hữu là biến đổi khí hậu và thảm họa môi trường mà Việt Nam là quốc gia bị tác động nặng nề nhất. Tăng trưởng kinh tế sẽ bị triệt tiêu hoàn toàn nếu môi trường sống bị huỷ hoại nghiêm trọng. May thay, Thủ tướng mới đây đã khẳng định điều mà toàn thể người dân chờ đợi từ rất lâu: “Không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế”.

Một mặt, Thủ tướng yêu cầu phải liên tục tăng trưởng cao, mặt khác cũng đòi hỏi không hy sinh môi trường và các yếu tố văn hoá xã hội. Định hướng của Thủ tướng có thể xem là điều đáng mừng và đáng chờ đợi nhất trong năm 2020. Tầm nhìn và sự kiên định trong chiến lược phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường, văn hoá, văn minh là điều kiện tiên quyết bậc nhất để chuyển sang bước ngoặt mới là tăng trưởng liên tục để đưa dân tộc Việt đến bến bờ thịnh vượng.

Tăng trưởng kinh tế cao không thể đánh đổi bằng lạm phát tăng tốc

Nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua liên tục chứng kiến hàng loạt chỉ tiêu kinh tế - xã hội bị phá vỡ. Tăng trưởng kinh tế cao gấp 2-3 lần lạm phát giờ không còn là hiện tượng lạ. Lượng tăng cung tiền liên tục ở mức thấp khoảng 13%/năm, bất chấp tăng trưởng kinh tế cứ ngày càng tốt dần lên. Vậy lượng tiền có mối quan hệ mạnh với tăng trưởng hay đã yếu đi nhiều như nhiều thập niên trước? Liệu có cần bơm tiền thêm phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế cho các năm sau?

Có thể có những nhân tố khách quan bên ngoài, như giá cả hàng hoá thế giới, nhất là giá xăng dầu đang ở mức thấp, khiến cho lạm phát cũng ở mức thấp. Và tất nhiên, đó cũng là thành công trong chính sách tài khoá, tiền tệ và sự kết hợp giữa 2 chính sách này đang ở mức tốt nhất. Nhưng nếu thế, sẽ không thể có tăng trưởng cao liên tục. Nguyên nhân cốt lõi phải đến từ những thành quả của cải cách thể chế và môi trường đầu tư đang ngày càng tốt dần lên. Đây phải là điểm bắt đầu tốt nhất đầu tiên, chứ không phải là tiền, để bàn thảo đến chiến lược hoá Rồng.

Các công cụ tiền tệ và tài khoá chỉ có hiệu lực ngắn hạn trên hành trình biến Việt Nam thành cường quốc thịnh vượng. Sở dĩ đặt vấn đề như thế, bởi vì có một vài suy nghĩ, nhân cơ hội này cho rằng, Việt Nam cần phải có những đại công trình lớn, những dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ mới có thể đáp ứng được các chiến lược tăng trưởng đầy tham vọng. Luận điểm này không sai. Và rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể tự tạo ra các công cụ quyền năng, trong số đó có vai trò tạo tiền để “hỗ trợ” cho tăng trưởng. Điều này cũng phù hợp với vai trò của một ngân hàng trung ương. Nhưng 2 mệnh đề này không thể liên kết với nhau.

Gần đây, đã có những lập luận cho rằng, nguồn tài chính cho các dự án quốc kế dân sinh phải đến từ sự mở rộng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Và Ngân hàng Nhà nước, với vai trò tạo tiền, phải luôn sẵn sàng bơm thanh khoản để hỗ trợ các ngân hàng thương mại. Đúng là Ngân hàng Nhà nước tạo tiền, nhưng làm điều đó để hệ thống tài chính vận hành trơn tru, chứ không có chức năng bơm vốn cho các dự án BOT để đẩy mạnh tăng trưởng.

Tầm nhìn của Thủ tướng đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao thậm chí còn khiêm tốn, không có gì là phi hiện thực, viển vông. Đó là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng.

Thực tế cho thấy, chưa có quốc gia nào trên thế giới làm được điều này chỉ bằng công cụ tiền tệ. Các ngân hàng trung ương được thành lập không phải để tạo ra các công trình đồ sộ và cơ sở vật chất khổng lồ, mà phải là làm giảm nhẹ các bất ổn trong chu kỳ kinh tế và chống lạm phát.

Khi nền kinh tế đạt mức sản lượng tiềm năng, với một mức lãi suất chính sách phù hợp với mức cân bằng chung của nền kinh tế, sẽ không có sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát. Nghĩa là tăng trưởng kinh tế cao nhưng không tạo lạm phát tăng tốc.

Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 6,5% có phải là mức tiềm năng? Chắc chắn là không. Các con số tăng trưởng này đến trong lúc các nút thắt thể chế đang trong quá trình được tháo gỡ, chứ chưa phải ở lúc thăng hoa nhất. Vẫn còn tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh” ở một bộ phận không nhỏ các khâu trong toàn hệ thống. Nếu có những cải cách thể chế đột phá, thậm chí phi truyền thống, tăng trưởng kinh tế luôn duy trì 10%/năm là hoàn toàn khả thi.

Vậy thì, với mức tăng trưởng đang ở dưới tiềm năng, chính sách tiền tệ vẫn còn room để uyển chuyển nới lỏng lãi suất chính sách và mở rộng tín dụng thực chất (không chảy vào các kênh mang tính đầu cơ, dẫn đến bong bóng tài sản) để hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 10%. Tại mức sản lượng tiềm năng này (và có thể còn hơn nữa), với lượng cung ứng tiền hàng năm và lạm phát chỉ 2-3%, con tàu kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc tiến về phía trước mà không để lại bất kỳ hậu quả nào trong đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát. Đó mới là sự thịnh vượng đúng nghĩa.

Thách thức cực đại phía trước

Tăng trưởng cao bền vững hiện gặp phải thách thức cực đại khi năng suất lao động toàn nền kinh tế đang ở mức quá thấp. Nếu không cải thiện được điểm nghẽn này, rất khó có thể nói đến phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

Năng suất lao động nền kinh tế trong một thập niên qua có dấu hiệu khởi sắc khi Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động khá cao trong khối ASEAN, với tốc độ tăng bình quân 4,88%/năm. Mặc dù vậy, tốc độ này vẫn còn thấp khá xa so với mặt bằng chung các quốc gia trong khu vực.

Đáng ngại nhất, nếu tính theo số tuyệt đối (ngang giá sức mua PPP), năng suất lao động Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 55,9% Philippines, 44,8%

Indonesia, 37% Thái Lan, 19% Malaysia và 7,3% Singapore. Một khoảng cách khá xa để bắt kịp. Để rút ngắn khoảng cách lớn này, cần có các đột phá táo bạo trong thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của toàn nền kinh tế.

Lời kết

“Nếu thứ gì không thể đi tiếp, nó sẽ dừng lại”. Đây là một định đề nổi tiếng khác của Herbert Stein trong kinh tế học. Một đất nước yếu kém về kinh tế sẽ khó lòng nói đến độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong một thế giới địa chính trị đầy toan tính và khó lường. Một Việt Nam hãy không ngừng mơ ước, không ngừng lớn mạnh, không ngừng đổi mới, không ngừng hành động; không chỉ tiến bước dũng mãnh, con Rồng Việt Nam hãy bay lên thật cao.

Khát vọng Việt Nam thịnh vượng
Khát vọng về một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ vào năm 2035 đã chính thức được phác thảo trong Báo cáo Việt Nam 2035,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư