Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
HBRE đầu tư dự án điện gió để chuyển nhượng?
Ngọc Tân - Anh Tuấn - 23/05/2021 08:30
 
Được tỉnh Gia Lai tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án điện gió, nhưng sau khi hoàn thành thủ tục đầu tư, HBRE chuyển nhượng gần như toàn bộ dự án cho đối tác nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp phải “nhường” đất

Dự án Trang trại Phong điện HBRE Chư Prông (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) do Công ty cổ phần Phong điện HBRE Gia Lai (thuộc Tập đoàn HBRE) làm chủ đầu tư. Dự án được động thổ tháng 11/2019, giai đoạn I có công suất 50 MW, vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 12 tháng và sẽ được nâng công suất lên 100 MW trong giai đoạn II. Đây là dự án điện gió đầu tiên được xây dựng tại Gia Lai và là dự án điện gió thứ 2 của Tập đoàn HBRE tại Tây Nguyên.

Việc phát triển điện gió nên quy hoạch theo từng vùng cụ thể, không nên dàn trải như ‘mạng nhện’ giăng khắp địa phương.  Hơn nữa, nếu Dự án điện gió đến lấy đất của các doanh nghiệp khác, khi xác định giá đền bù, cần phải tính đến yếu tố lợi nhuận của doanh nghiệp bị thu hồi đất.

Ông Võ Toàn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông 

Theo phản ánh của ông Võ Toàn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông, Dự án Phong điện HBRE Chư Prông mới thi công giai đoạn I đã lấy đi 16 ha đất trồng cao su của đơn vị. Dự kiến, giai đoạn II, dự án này tiếp tục lấy hơn 15 ha đất trồng cao su nữa.

“Phần lớn rừng cao su này mới được trồng lại từ năm 2019, nhưng buộc phải chặt phá để nhường lại cho dự án điện gió với mức giá bồi thường từ 306 triệu đồng/ha”, ông Thắng nói.

Giám đốc Công ty Cao su Chư Prông cho hay, khi tìm vị trí để xây dựng dự án điện gió, chủ đầu tư thường nhắm đến diện tích trồng cao su để có thể đền bù với giá ưu đãi hơn. Trong khi đó, các công ty cao su đang hoạt động ổn định, thì bị buộc phải trả lại đất.

Không riêng Công ty Cao su Chư Prông bức xúc, trước đó, khi Dự án Phong điện HBRE Chư Prông được bổ sung quy hoạch và được tỉnh Gia Lai phê duyệt cũng đã vấp phải phản ứng gay gắt từ Tập đoàn Quang Đức Gia Lai.

Cụ thể, vị trí Dự án Phong điện HBRE Chư Prông được Bộ Công thương bổ sung quy hoạch và được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt chủ trương đầu tư chồng lấn vào 333 ha đất dự án trồng cao su của Tập đoàn Quang Đức Gia Lai, nhưng cơ quan chức năng đã không lấy ý kiến của tập đoàn này trước khi đưa vào quy hoạch, phê duyệt dự án.

Trước đó, chính Tập đoàn Quang Đức Gia Lai đã từng đề xuất đầu tư một dự án điện gió tại diện tích dự án trồng cao su của mình và đất dự án trồng cao su đã được doanh nghiệp này thỏa thuận với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, nhưng không được tỉnh Gia Lai chấp thuận.

Dọn đường cho nhà đầu tư ngoại?

HBRE là nhà đầu tư của nhiều dự án điện gió trên cả nước. Tháng 3/2019, tập đoàn này tăng vốn từ 100 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Đáng lưu ý là, HBRE và đơn vị trực thuộc đã đăng ký đầu tư hàng loạt dự án có quy mô lớn gấp nhiều lần vốn điều lệ của mình. Riêng tại Gia Lai, Công ty cổ phần Phong điện HBRE Gia Lai có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, nhưng đã đăng ký đầu tư dự án lên đến 1.000 tỷ đồng.

Ngoài Gia Lai, đơn vị này cũng đã được Hà Tĩnh đồng ý chủ trương đầu tư Dự án Trang trại Phong điện HBRE Hà Tĩnh (tại Kỳ Anh), công suất 120 MW, vốn đầu tư gần 4.700 tỷ đồng. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, HBRE được UBND tỉnh đồng ý cho phép khảo sát, đề xuất vị trí đo gió, lập hồ sơ dự án trong khu vực biển thuộc huyện Xuyên Mộc. Cuối năm 2019, Dự án HBRE Vũng Tàu (500 MW, vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD) được đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Mặc dù ồ ạt đăng ký đầu tư nhiều dự án điện gió quy mô, nhưng thực tế, sau khi hoàn thành thủ tục đầu tư, HBRE thường chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án  cho doanh nghiệp nước ngoài.

Tại Gia Lai, Công ty cổ phần Phong điện HBRE Gia Lai được thành lập ngày 19/10/2017 với trụ sở đăng ký tại quận 1 (TP.HCM), do ông Hồ Tá Tín làm Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc, sau đó chuyển trụ sở về thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông, Gia Lai) vào tháng 2/2020.

Tháng 2/2019, Công ty cổ phần Phong điện HBRE Gia Lai thay đổi lãnh đạo: ông Jormsup Lochaya (quốc tịch Thái Lan) thay ông Hồ Tá Tín làm Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc. Cùng lúc này, Tập đoàn HBRE cũng đã hoàn tất việc chuyển nhượng 99% cổ phần cho Tập đoàn Super Energy Corporation (Thái Lan) thông qua 2 công ty con là Super Energy Group và Super Wind Energy Group.

Tại lễ ký kết Hợp đồng Mua bán điện với Công ty Mua bán điện EPTC ngày 27/12/2019, ông Jormsup Lochaya, Chủ tịch Tập đoàn Super Energy Corporation (Thái Lan) - người đại diện mới của Công ty cổ phần Phong điện HBRE Gia Lai cho biết, Dự án Trang trại Phong điện HBRE Chư Prông là kết quả hợp tác giữa Super Energy Corporation và Tập đoàn HBRE. Tuy vậy, mối quan hệ hợp tác này thực chất thế nào thì chỉ người trong cuộc mới rõ.

Trước đó, tại Dự án Nhà máy Điện gió HBRE Phú Yên, 2 công ty Super Wind Energy Group và Super Energy Group của Tập đoàn Super Energy Corporation vào tháng 1/2019 cũng đã nắm tổng cộng 57% vốn doanh nghiệp đầu tư dự án. Đến tháng 10/2019, tỷ lệ này giảm về 49%. Đáng chú ý, việc chuyển nhượng cổ phần cho doanh nghiệp Thái Lan tại 2 dự án điện gió ở Gia Lai và Phú Yên được thực hiện khi cả 2 dự án này đều chưa triển khai đầu tư hạng mục này.

Trước động thái liên tục chuyển nhượng dự án của HBRE, nhiều nhà đầu tư tại Gia Lai cho rằng, việc một doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ vài chục tỷ đồng, nhưng lại đăng ký đầu tư dự án lên đến ngàn tỷ đồng là “có vấn đề”, bởi sau đó, doanh nghiệp đều bán lại dự án cho các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, địa phương nên thẩm định khả năng tài chính của doanh nghiệp trước khi cấp chủ trương đầu tư; đồng thời, cần xem xét, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp địa phương trong những trường hợp dự án điện gió lấn vào đất của các doanh nghiệp.

Hitachi SE mua 35% cổ phần tại Nhà máy Điện gió Trung Nam Thuận Bắc
Thương vụ này mở ra bước tiến mới trong thu hút đầu tư nước ngoài trong việc thực hiện các dự án năng lượng tái tạo của Trungnam Group.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư