Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hè tới, cảnh báo tình trạng đuối nước ở trẻ em
D.Ngân - 06/04/2021 09:02
 
Hàng loạt vụ học sinh đuối nước thương tâm mới xảy ra lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước ở trẻ em.

Trong thời gian vừa qua, Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận liên tiếp các ca người bệnh bị đuối nước, nhập viện trong tình trạng hôn mê, rối loạn nhịp tim rất nặng. 

Đuối nước là nỗi ám ánh, là nỗi đau không thể diễn tả bằng lời của nhiều gia đình.

Bé trai Nguyễn Thái S. (13 tuổi) ở Tiên Du, Phù Ninh, (Phú Thọ) đi tắm sông bị đuối nước. Sau khi được người dân sơ cứu và Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh cấp cứu ban đầu, đặt ống nội khí quản thở máy, S. được gia đình chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Bệnh nhi vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trong tình trạng ý thức lơ mơ, ô-xy hóa máu giảm thấp do phổi bị tổn thương nặng trong quá trình đuối nước.

Trường hợp thứ hai là người bệnh Ngô Xuân H. (33 tuổi) ở thị trấn Lâm Thao, Lâm Thao, (Phú Thọ) được Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao chuyển xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng hôn mê, ô-xy hóa máu giảm rất thấp, toan chuyển hóa nặng, kèm theo tình trạng rối loạn nhịp tim rất nặng.

Bác sĩ Đinh Văn Trung, Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, cả hai trường hợp đều là những người bệnh trẻ, bị đuối nước và có tổn thương phổi rất nặng, nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Trên phim chụp cắt lớp vi tính có tổn thương lan tỏa cả hai bên, tiên lượng rất nặng.

Không chỉ ở Phú Thọ mà tại Đồng Tháp, theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 5 vụ tai nạn đuối nước khiến 6 trẻ tử vong (tăng 4 trường hợp tử vong so với cùng kỳ năm 2020).

Đáng nói hơn, 4/5 vụ tai nạn đuối nước chỉ xảy ra trong thời gian 9 ngày (từ ngày 11 - 20/3) cướp đi sinh mạng của 5 đứa trẻ.

Gần đây nhất là vụ đuối nước xảy ra vào ngày 20/3/2021, tại ấp Bình Định, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình khiến cháu bé 8 tuổi tử vong.

Trước đó, ngày 17/3/2021, vụ tai nạn đuối nước tại ấp Long Phú A, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông cũng khiến 2 trẻ tử vong cùng lúc. Nạn nhân là bé N.T.K. và L.T.N.H. (cùng sinh năm 2013).

Theo số liệu thống kê, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của 360.000 người mỗi năm trên toàn thế giới, trong đó, 90% số trường hợp xảy ra ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Một nửa số trường hợp đuối nước xảy ra ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. 

Tại Việt Nam, trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ trẻ em  tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. 

Tỷ lệ tử vong do đuối nước rất cao, ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị. Đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng, chiếm tới 77,6%  (ao, hồ, sông, suối, hồ, biển, ngã xuống hố ga, hồ xây dựng, 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác). Đuối nước xảy ra chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ hè. 

Được biết, đuối nước là tình trạng rất thường gặp, nhất là vào mùa hè, xảy ra trong khi tham gia các hoạt động dưới nước.

Đuối nước có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, kể cả những người bơi thành thạo cũng có thể bị đuối nước. Nếu không được cấp cứu kịp thời, xử lý đúng cách có thể để lại các tổn thương nặng nề lên tim, phổi, thần kinh, thậm chí gây ngừng tim, ngừng thở và tử vong.

Theo phân tích, trẻ có thể bị đuối nước ở bất cứ đâu, tại nhà, tại trường học, khi theo bố mẹ đi nghỉ mát, trên đường đi học về... Nhưng phổ biến nhất là trẻ rủ nhau tắm, khi một cháu bị đuối nước, các cháu còn lại tìm cách cứu nhau hoặc bám giữ nhau dẫn đến có vụ nhiều cháu tử vong một lúc.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâm là do thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ...

Mặt khác, tai nạn đuối nước còn do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi. Thực tế đã ghi nhận những trường hợp trẻ đã biết bơi nhưng khi gặp tai nạn vẫn không thể tự cứu mình…

Phải làm gì để không còn những cái chết thương tâm vì đuối nước? Muốn tránh được, giảm được tình trạng chết do đuối nước, theo các chuyên gia, trước hết phải dạy trẻ biết bơi. Cùng với việc học bơi, cần dạy kỹ năng an toàn cho trẻ.

Đó là dạy cho các em các kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi. Hoặc giúp các em có kỹ năng nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh.

Khi trẻ có năng sống và kỹ năng ứng phó để tự cứu mình trong những tình huống nguy cấp thì nỗi lo của cha mẹ cũng vơi bớt đi phần nào.

Hơn thế nữa, cần trang bị cho các em những kỹ năng giúp người bị tai nạn đuối nước: cứu người đuối nước bằng cách gián tiếp, thông báo mọi người xung quanh được biết, ném các vật nổi cho nạn nhân, sử dụng các dụng cụ cứu hộ như phao cứu sinh, gậy, dây... để hỗ trợ.

Để phòng chống đuối nước với trẻ em, chuyên gia khuyến nghị, các địa phương cần rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ để chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp nghỉ hè, mùa mưa bão và mùa nước nổi.

Cụ thể, cần làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm... để nhắc nhở và cảnh báo trẻ em.

Các trường phổ thông cần đưa nội dung về phòng, chống đuối nước, thương tích ở trẻ em vào nhắc nhở thường xuyên trong các buổi sinh hoạt ở lớp, sinh hoạt chào cờ.

Về phía chuyên gia y tế, theo khuyến cáo của bác sĩ Trung, khi gặp nạn nhân bị đuối nước phải nhanh chóng đưa người bệnh lên bờ. Cần bình tĩnh đánh giá tình trạng của người bệnh.

Nếu người bệnh bất tỉnh, có ngừng tim, ngừng thở, cần áp dụng ngay các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn, kiên trì đến khi người bệnh có nhịp tim trở lại thì nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Trên đường đi vẫn phải cấp cứu cho người bệnh để bảo đảm hô hấp và tuần hoàn. Trong trường hợp người người bệnh khi được đưa lên bờ vẫn tỉnh táo, tự thở được, cần lau khô, ủ ấm, đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư