Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 29 tháng 04 năm 2024,
Hết cảnh tấp nập địa phương lên bộ, ngành xin dự án
Mạnh Bôn - 25/05/2014 08:39
 
Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Đầu tư công. Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, về cơ bản, Dự thảo đã đáp ứng được yêu cầu quản lý đầu tư công trong điều kiện mới và phù hợp với thông lệ quốc tế.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Luật Đầu tư công: Ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan
Dự thảo Luật Đầu tư công: Đã rõ các khái niệm
Luật Đầu tư công: Làm rõ thẩm quyền phê duyệt dự án
Để Luật Đầu tư công trở thành vũ khí chống tham nhũng
Không biết có bao nhiêu tiền, không được quyết dự án

Theo ông, nếu được Quốc hội thông qua, hoạt động đầu tư công sẽ ảnh hưởng thế nào đến công tác điều hành của các bộ, ngành, địa phương?

  TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế  
  TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế  

Đầu tư công là hoạt động rất phức tạp. Nếu Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến quá trình điều hành của bộ, ngành, địa phương từ khâu thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt, giao, triển khai thực hiện, theo dõi và đánh giá, kiểm tra, thanh tra, thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Luật Đầu tư công cũng  tác động rất mạnh đến công tác quản lý đầu tư công của cả Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và toàn thể xã hội, bởi lĩnh vực đầu tư công rất rộng từ đầu tư cho các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đầu tư phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trong nước và ở nước ngoài; đầu tư và hỗ trợ hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích đến đầu tư bằng vốn đầu tư công trong phần Nhà nước tham gia thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư.

Tác động cụ rõ nhất thể hiện ở khâu nào, thưa ông?

Chấm dứt việc đầu tư ngẫu hứng. Chấm dứt cơ chế xin - cho. Không còn tình trạng lãnh đạo địa phương khi lên bộ thường xuyên trình bày rằng: “Địa phương em đang khó khăn thế này, thế kia, nếu được các anh quan tâm đầu tư thì kinh tế - xã hội ở địa phương sẽ phát triển ra sao…”.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, trước sự thay đổi rất lớn như vậy nên kể từ Kỳ họp Quốc hội thứ sáu (thời điểm Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật Đầu tư công) đến nay, Ban soạn thảo và Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra) đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các địa phương trên cả nước.

Sau mỗi cuộc hội thảo, chúng tôi thấy điều nào tiếp thu thì sửa đổi, bổ sung ngay Dự thảo; ý kiến nào chưa tiếp thu ngay được thì nghiên cứu, ý kiến nào không tiếp thu cũng giải trình, giải thích ngay. Trong quá trình hoàn thiện Dự thảo để trình ra Quốc hội tại Kỳ họp này, chúng tôi không phải cân nhắc từng điều, từng khoản mà từng chữ trong Dự thảo.

Ồng có thể giải thích rõ hơn, vì sao khi Luật Đầu tư công thông qua sẽ chấm dứt được tình trạng xin - cho?

Vì hoạt động đầu tư rất minh bạch.

Minh bạch chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Minh bạch trong nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ xác định, lựa chọn danh mục dự án đầu tư công. Minh bạch nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công cho các dự án theo từng nguồn vốn.

Minh bạch kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm theo từng nguồn vốn. Minh bạch quy hoạch, kế hoạch, các chương trình đầu tư trên địa bàn, bao gồm vốn bố trí cho từng chương trình theo từng năm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình.

Minh bạch danh mục dự án đầu tư công được quyết định chủ trương đầu tư và được quyết định đầu tư trên địa bàn, bao gồm quy mô, tổng mức đầu tư, thời gian, địa điểm… Đặc biệt là minh bạch về mức vốn đầu tư công bố trí cho từng dự án.

Mọi thứ minh bạch, đặc biệt là minh bạch về nguồn vốn nên ai cũng biết Trung ương chẳng có vốn mà xin nên chẳng có ai đi xin nữa, vì xin cũng không được. Lãnh đạo ở Trung ương cũng biết rằng không có vốn mà cho nên cũng không hứa cho nữa.

Ông đánh giá cao nhất quy định nào của cả Dự thảo Luật Đầu tư công?

Đó chính là các quy định về đầu tư trung hạn và hàng năm. Dự thảo đã quy định cụ thể về nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho các chương trình, dự án. Điều kiện chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Vốn chuẩn bị đầu tư và vốn thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Với những quy định này cơ chế xin - cho chắc chắn sẽ không còn, chấm dứt được tình trạng đầu tư dàn trải, bởi trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được luật hóa rất rõ ràng. Người ta chỉ có thể “chạy” khi cơ chế thiếu minh bạch, không rõ ràng, còn khi đã rõ ràng thì chẳng còn ai chạy vì chạy cũng không được.

Điều này đã được chứng minh qua việc triển khai Chỉ thị 1792/CT-TTg, thưa ông?

Đúng vậy. Ngày 15/10/2011, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 1792/CT-TTg Về tăng cường quản lý đầu tư

 từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ và đưa ra quy định về kế hoạch đầu tư trung hạn năm (giai đoạn 2013-2015).

Sau hơn 2 năm triển khai Chỉ thị 1792/CT-TTg đã cho thấy hiện tượng xin cho gần như không còn. Không cần phải để ý ai cũng có thể nhận thấy, nếu như trước đây, cứ đến gần tết âm lịch, trụ sở các bộ ngành tấp nập khách ra vào, các con phố trước trụ sở của bộ ngành thường xuyên bị tắc đường bởi các biển xe địa phương. Nhưng hai năm vừa qua thì cảnh tấp nập, tắc đường không còn nữa. Trước đây dưới địa phương lên bộ làm gì nếu không phải là lên chạy dự án, xin dự án, xin bổ sung vốn, xin mở rộng dự án… Bây giờ không xin được nữa thì họ lên làm gì.

Ví dụ nhỏ như tôi nêu trên cho thấy cơ chế đầu tư trung hạn trong Chỉ thị 1792/CT-TTg đã phát huy hiệu quả. Toàn bộ những quy định này được chỉnh sửa, bổ sung và luật hóa vào Luật Đầu tư công thì chắc chắn hiệu quả còn cao hơn nhiều.

Không còn vốn để xin, không còn vốn để hứa Không còn vốn để xin, không còn vốn để hứa

(baodautu.vn) Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Luật Đầu tư công là bước đột phá về thể chế trong quản lý đầu tư công, góp phần quan trọng chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Đồng thời, Luật cũng chấm dứt tình trạng lãnh đạo trung ương về địa phương làm việc đều hứa sẽ đầu tư công trình nọ, dự án kia.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư