Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Hết đóng băng, tín dụng không còn tăng giật cục
Thùy Liên - 24/06/2015 09:17
 
Tăng trưởng tín dụng là một điểm sáng của ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, khi tín dụng ấm lên, nhiều ngân hàng lại phải đối mặt với áp lực cân đối nguồn vốn.

Tín dụng ấm lên

Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tính đến cuối tháng 6/2015 ước tăng 9% so tháng 12/2014. Còn tại TP.HCM, theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 6/2015 tăng 5,4% so với cuối năm 2014.

Tín dụng ngân hàng đang tăng trưởng khả quan hơn. Ảnh: Đức Thanh
Tín dụng ngân hàng đang tăng trưởng khả quan hơn. Ảnh: Đức Thanh

 

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 5/2015, tín dụng toàn hệ thống đã tăng hơn 5%, trong khi cùng kỳ năm ngoái (tháng 5/2014) chỉ tăng 1,5%.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với mức tăng trưởng tín dụng khả quan tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM - nơi chiếm phần lớn dư nợ của toàn hệ thống, khả năng tín dụng toàn ngành tính đến cuối tháng 6 sẽ tăng 6 - 6,5%. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13 - 15% mà NHNN đặt ra trong năm nay đã đạt được một nửa. Đáng lưu ý là, theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, việc tín dụng tăng khá mạnh trong những tháng đầu năm cho thấy, tình trạng tăng trưởng “giật cục” đã giảm bớt.

Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng, tín dụng tăng trưởng khả quan trong những tháng đầu năm cho thấy, các giải pháp của NHNN vừa qua đã đi đúng hướng.

Cụ thể, nhờ các gói tín dụng thiết thực, các chính sách tháo gỡ khó khăn trong quá trình vay vốn, NHNN đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh...

Tại nhiều ngân hàng, tín dụng tăng trưởng khá mạnh so với năm ngoái, song lãnh đạo các ngân hàng khẳng định, không có chuyện tín dụng tăng vì ngân hàng hạ chuẩn cho vay. Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, Ngân hàng chủ trương đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng trên nguyên tắc không hạ chuẩn vay và chú ý để tăng trưởng đều trong kỳ, thay vì tập trung vào cuối kỳ.

Rục rịch tăng lãi suất để cơ cấu lại nguồn vốn

Tín dụng khởi sắc là tín hiệu vui của nền kinh tế. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tín dụng tăng nhanh hơn huy động vốn, gây áp lực mất cân đối vốn đối với nhiều ngân hàng.

Cụ thể, tại Hà Nội, tín dụng tăng 9%, trong khi huy động vốn tính đến cuối tháng 6 chỉ tăng 8,2%. Tương tự, tại TP.HCM, đến cuối tháng 6/2015, huy động tăng 3%, trong khi tín dụng tăng 5,4%.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng TMCP thừa nhận, gần đây, ngân hàng này đã phải tăng cường vay mượn trên thị trường liên ngân hàng và tăng lãi suất huy động vốn để có thêm nguồn vốn.

Trên thực tế, vừa qua, hàng loạt ngân hàng như ACB, Eximbank, BIDV, Vietin-Bank, Agribank… đã tăng lãi suất huy động thêm 0,3 - 0,5%, tùy từng kỳ hạn.

Báo cáo công bố gần đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, thanh khoản của hệ thống ngân hàng không còn ở trạng thái quá dư thừa so với cùng kỳ năm 2014. Điều này được thể hiện qua diễn biến lãi suất liên ngân hàng đã có một đợt tăng nóng, thậm chí lên mức cao nhất kể từ đầu năm ngoái đến nay (giữa tháng 4 vừa qua). Mặc dù trong các tuần cuối tháng 5, đầu tháng 6, lãi suất liên ngân hàng đã giảm trở lại, nhưng mặt bằng trung bình trong 5 năm tháng đầu năm 2015 vẫn cao hơn so với năm 2014.

Theo các ngân hàng thương mại, việc điều chỉnh lãi suất huy động vừa qua không phải do thiếu vốn, mà do ngân hàng cơ cấu lại dòng vốn, hướng dòng vốn huy động chảy vào kỳ hạn dài. Nhu cầu tín dụng dài hạn của doanh nghiệp đã tăng lên rất nhanh sau khi NHNN nới hạn mức cho vay với dòng vốn trung, dài hạn. Tại TP.HCM, cho vay trung và dài hạn đã chiếm tới 55% tổng dư nợ, trong khi cuối năm 2014, tỷ lệ này chỉ là 48,6%.

 Tuy chưa đáng lo, song nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, NHNN cần kiểm soát để tín dụng chảy vào các lĩnh vực ưu tiên, tránh chảy quá nhiều vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, như bất động sản. Hiện tín dụng bất động sản đã tăng tới 70% so với thời điểm đầu năm 2012. Nếu hệ thống ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay đối với lĩnh vực này, thì tín dụng cho sản xuất sẽ bị co hẹp và bong bong bất động sản có thể tái diễn. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất sẽ khó giảm thêm.

Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 8 - 9%, trung và dài hạn là 10 - 11%. Các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý đều muốn đưa lãi suất đầu ra này giảm thêm 1 - 1,5% để hỗ trợ doanh nghiệp.

Được biết, định hướng điều hành tín dụng của NHNN trong 6 tháng cuối năm là tiếp tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra, hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận vốn…

Ngân hàng áp lãi cao cắt cổ với thẻ tín dụng
Sau một thời gian chạy đua phát hành thẻ, hàng loạt ngân hàng bắt đầu âm thầm tăng phí, tăng lãi suất đối với chi tiêu qua thẻ tín dụng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư