Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hiến kế thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới
Anh Trung - 11/07/2018 08:47
 
Mục tiêu thay thế dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thâm dụng lao động và ưu đãi bằng dòng vốn FDI thế hệ mới có tính lan tỏa và giá trị gia tăng cao đòi hỏi Việt Nam cần có những cải cách mang tính đột phá.

Nhu cầu cấp thiết

Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới - WB) vừa công bố báo cáo các khuyến nghị được cho là sẽ giúp Việt Nam có những cải cách đột phá để thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới, một nhu cầu cấp thiết trong thời điểm hiện tại.

Tại buổi công bố báo cáo, ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính theo tỷ lệ % GDP hay theo đầu người thì vốn FDI vào Việt Nam thậm chí đã vượt Trung Quốc, Ấn Độ và phần lớn các nước ASEAN.

Theo IFC, các nhà đầu tư vào Việt Nam đang hoạt động ở cấp độ 4.0. Trong ảnh: Sản xuất các thiết bị thép không gỉ của INOUE (Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch.
Theo IFC, các nhà đầu tư vào Việt Nam đang hoạt động ở cấp độ 4.0. Trong ảnh: Sản xuất các thiết bị thép không gỉ của INOUE (Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch.

“Dù FDI đã có những đóng góp nhất định như tạo ra phương thức thu hút đầu tư lớn, góp phần quan trọng vào xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ…, song đến nay, vẫn chưa có sự bứt phá trong xu thế thu hút, sử dụng FDI, tác động lan toả từ khu vực FDI đến khu vực doanh nghiệp trong nước còn hạn chế”, ông Nội đánh giá.

Đồng quan điểm, ông Wim Douw, Chuyên gia trưởng lĩnh vực tư nhân của IFC cho rằng, phần lớn FDI vào Việt Nam chỉ tập trung vào các ngành thuộc nhóm khai thác thị trường như bất động sản, chế tạo, chế biến, với giá trị gia tăng tương đối thấp.

Khảo sát của cơ quan này cho thấy, hầu như không doanh nghiệp nào coi tỷ lệ lao động có trình độ kỹ thuật cao hay chuỗi cung ứng địa phương có năng lực cạnh tranh là thế mạnh của Việt Nam. Trong khi đó, những công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc, Thái Lan hay Philippines đều cho biết, lao động của những quốc gia này có tay nghề cao hơn và chuỗi cung ứng tốt hơn hẳn Việt Nam.

Đánh giá thêm về tính cấp thiết trong việc cần có một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng, dù các chính sách mở cửa đầu tư và thương mại đã mang lại sự gia tăng các dòng vốn FDI, tạo thêm nhiều việc làm và đa dạng hóa xuất khẩu, báo cáo mới này được thực hiện với nhận thức ngày càng rõ nét rằng, Việt Nam cần thực hiện các cải cách mang tính đột phá nhằm cạnh tranh thu hút các dòng vốn FDI có chất lượng hơn.

“Thách thức mà chúng ta phải đối mặt là rất đặc thù, khi dòng vốn FDI đạt mức cao kỷ lục, song hiệu ứng lan tỏa và các giá trị gia tăng mà dòng vốn này mang lại còn khá hạn chế. Chúng tôi tin rằng, các khuyến nghị được nêu ra sẽ đặt nền tảng cho một cách tiếp cận mới ở cấp quốc gia về FDI và góp phần vào việc đạt được các mục tiêu phát triển của đất nước”, Thứ trưởng Thắng nói.

Những ưu tiên trước mắt

Trong 8 khuyến nghị được cho là cải cách đột phá được IFC đưa ra, thì việc cần ưu tiên trước mắt là nâng cao vị thế của cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài, mà cụ thể ở đây là Cục Đầu tư nước ngoài.

Theo tổ chức này, công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chưa được hiệu quả như mong muốn một phần vì chức năng, nhiệm vụ bị phân tán mạnh giữa nhiều bộ, ngành, cơ quan, gây hạn chế trong việc nắm bắt cơ hội và giải quyết những thách thức của phát triển theo định hướng chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó, chức năng quản lý cấp phép và xúc tiến đầu tư được xem là những chức năng có sự mâu thuẫn với nhau. Do vậy, nếu kết hợp trong cùng một cơ quan sẽ dẫn đến hoạt động thiếu hiệu quả và đây thường là mô hình hoạt động của những cơ quan xúc tiến đầu tư thiếu hiệu quả trên thế giới.

Để giải quyết thách thức và nắm bắt cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam phải nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ số.

IFC cho rằng, hiện chưa có tổ chức nào ở Việt Nam có đủ năng lực, trình độ nhân lực và thẩm quyền triệu tập để thực hiện vận động chính sách một cách hiệu quả và xúc tiến đầu tư phù hợp với chiến lược thu hút FDI thế hệ mới.

Trả lời báo chí về đề xuất này, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh, Cục Đầu tư nước ngoài không có chức năng và nhiệm vụ  phải xử lý toàn bộ việc thu hút và quản lý FDI. “Bộ máy phân cấp hết rồi, các địa phương hoàn toàn có quyền cấp phép”, ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, đề xuất của IFC theo hướng tăng thêm biên chế đi ngược với cải cách hành chính của Việt Nam. “Họ có ý định khuyên Việt Nam tách theo hướng có một bộ phận xúc tiến đầu tư và trong ban quản trị đó có sự tham gia của doanh nghiệp, ở Việt Nam điều này rất khó thành hiện thực”, ông Thắng đánh giá.

Bên cạnh việc xây dựng một cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới, IFC cũng khuyến nghị, để giải quyết các thách thức và nắm bắt các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam phải nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ số.

Theo tổ chức này, thay vì “nỗ lực bắt kịp”, quá trình tái khởi động này phải đem lại môi trường đầu tư ưu việt cùng các trải nghiệm vận hành với các giải pháp số cạnh tranh được với đối thủ khác trong khu vực.

“Các nhà đầu tư vào Việt Nam đang hoạt động ở cấp độ 4.0, nhưng thể chế và môi trường kinh doanh tại Việt Nam chủ yếu vẫn ở cấp 2.0. Lấp đầy sự chênh lệch này chính là mục tiêu chính của lộ trình thu hút FDI thế hệ mới”, IFC khuyến nghị.

IFC khuyến nghị 8 cải cách đột phá để "câu" dòng vốn FDI thế hệ mới
IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), đang hỗ trợ Việt Nam đón đầu và tận dụng các cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư