Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
IFC khuyến nghị 8 cải cách đột phá để "câu" dòng vốn FDI thế hệ mới
Anh Trung - 09/07/2018 19:06
 
IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), đang hỗ trợ Việt Nam đón đầu và tận dụng các cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới nhằm duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao, nâng cao năng lực cạnh tranh và và thúc đẩy sự thịnh vượng.

Báo cáo Các Khuyến nghị về Chiến lược và Định hướng thu hút FDI Thế hệ Mới 2020-2030 của Việt Nam, được IFC và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) giới thiệu ngày hôm nay (9/7) tại Hà Nội cung cấp các phát hiện và khuyến nghị tham khảo cho Chính phủ xây dựng định hướng thu hút FDI thế hệ mới – một nội dung căn bản của các tài liệu chiến lược như Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội (2021-2030). 

Mặc dù các chính sách mở cửa đầu tư và thương mại đã mang lại sự gia tăng các dòng vốn FDI, tạo thêm nhiều việc làm và đa dạng hóa xuất khẩu - đặc biệt trong thập kỷ vừa qua dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng gấp khoảng 10 lần, vượt qua hầu hết các đối thủ cạnh tranh trong khu vực - báo cáo mới này được thực hiện với nhận thức ngày càng rõ nét rằng Việt Nam cần thực hiện các cải cách mang tính đột phá nhằm cạnh tranh thu hút các dòng vốn FDI có chất lượng hơn. 

“Thách thức chúng ta phải đối mặt là rất đặc thù, khi mà dòng vốn FDI đạt mức cao kỷ lục song hiệu ứng lan tỏa và các giá trị gia tăng mà dòng vốn này mang lại còn khá hạn chế. Chúng tôi tin rằng các khuyến nghị được nêu ra hôm nay sẽ đặt nền tảng cho một cách tiếp cận mới ở cấp quốc gia về FDI và góp phần vào việc đạt được các mục tiêu phát triển của đất nước”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết. 

Được thực hiện với sự hỗ trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), báo cáo này tập trung giải quyết các phát hiện gần đây cho thấy rằng FDI đổ vào Việt Nam chủ yếu bắt nguồn từ các yếu tố như chi phí lao động thấp và cơ chế ưu đãi lớn. Thực tế, các nhà đầu tư đã xác định rằng việc thiếu lao động có kỹ năng là một rào cản đối với tăng trưởng; trong khi việc thiếu các chuỗi cung ứng tích hợp tại địa phương, khan hiếm các nhà cung ứng trong nước có chất lượng và các chính sách hiệu quả nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương càng làm giảm năng lực cạnh tranh của các công ty. 

“Giải quyết được các vấn đề trên sẽ giúp chính phủ có khả năng đón đầu và tận dụng được nhiều cơ hội hơn nữa cho Việt Nam,” ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và CHDCND Lào cho biết. “Phân tích chính của báo cáo tập trung vào việc rà soát kỹ lưỡng các lĩnh vực ưu tiên tiềm năng. Mục đích là nhằm xác định các ngành đi kèm các điều kiện cần thiết sẽ mang lại cơ hội cạnh tranh tốt nhất cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư (cả FDI và đầu tư trong nước), từ đó tạo ra nhiều việc làm tốt hơn và tăng tỷ lệ cung ứng từ các doanh nghiệp địa phương”.

Với một khảo sát định tính cùng các buổi tham vấn với các bên có liên quan về chiến lược FDI, báo cáo này đã khuyến nghị tám đề xuất cải cách mang tính đột phá. Một trong những ưu tiên hàng đầu là triển khai các chính sách cụ thể nhằm tăng cường liên kết chuỗi giá trị và hiệu ứng lan toả nhờ FDI, với trọng tâm là liên kết chuỗi giá trị và các chương trình phát triển nhà cung ứng có mục tiêu.

Để giải quyết các thách thức và nắm bắt các cơ hội của Cách mạng Công nghiệp 4.0, Việt Nam phải nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ số. Thay vì “nỗ lực bắt kịp”, quá trình tái khởi động này phải đem lại môi trường đầu tư ưu việt cùng các trải nghiệm vận hành với các giải pháp số cạnh tranh được với đối thủ khác trong khu vực.

Các khuyến nghị khác bao gồm xây dựng và triển khai một kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề  nhằm giúp Việt Nam đẩy nhanh được quá trình chuyển dịch từ lao động tay nghề thấp sang lao động tay nghề cao; hiện đại hóa công tác xúc tiến đầu tư, chuyển dịch từ xúc tiến thụ động sang xúc tiến chủ động ở một số ngành ưu tiên; rà soát toàn bộ khung chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành; mở cửa một số ngành dịch vụ quan trọng để thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng đối với đầu tư nước ngoài; và ban hành chiến lược, chính sách xúc tiến đầu tư ở nước ngoài. 

Đặc biệt, trên tất cả là cần thành lập một cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới với đầy đủ thẩm quyền, chức năng, cơ cấu và ngân sách nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả các khuyến nghị nêu trên.

KOCHAM: Doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng yêu cầu làm nhà sản xuất phụ trợ cho khối FDI
Nói về chuyện liên kết nội - ngoại, đặc biệt trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư