Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hoà Bình: Đột phá phát triển hạ tầng giao thông
Bình Giang (baohoabinh) - 05/07/2021 14:15
 
Một trong những nhiệm vụ mang tính đột phá chiến lược được tỉnh Hoà Bình đề ra là tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông mang tính đột phá.
Đầu tư mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình là Dự án liên kết vùng có tầm quan trọng đặc biệt, hiện đang được khẩn trương thực hiện các thủ tục pháp lý để sớm triển khai.
Đầu tư mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình là dự án liên kết vùng có tầm quan trọng đặc biệt, hiện đang được khẩn trương thực hiện các thủ tục pháp lý để sớm triển khai.

Tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông mang tính đột phá trong phát triển KT-XH, như các quốc lộ (QL), tỉnh lộ quan trọng có tính đối ngoại, đường đô thị, đường đến các khu, cụm công nghiệp, qua các vùng động lực kinh tế của tỉnh, đường kết nối với khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số dự án công trình giao thông trọng điểm; tranh thủ các nguồn ngân sách và hỗ trợ từ T.Ư, phát huy nội lực đầu tư các công trình trọng điểm… Đó là một trong những nhiệm vụ mang tính đột phá chiến lược được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.

Đầu tư mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình được xác định là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông giữa khu vực Tây Bắc, tỉnh Hòa Bình với Thủ đô Hà Nội và các địa phương khác trong khu vực. Dự án đã được Chính phủ, Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo. Đây là dự án liên kết vùng có tầm quan trọng đặc biệt. Dự tính chiều dài tuyến gần 23 km, trong đó đi qua địa phận Hòa Bình gần 16 km.

Phương án khả thi được xây dựng quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh (có dự trữ quỹ đất để mở rộng đường bộ thành 6 làn xe cao tốc hoàn chỉnh và hệ thống đường bên quy mô 4 làn xe, đồng thời xây dựng đường sắt liên vùng trong tương lai). Đồng chí Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT đánh giá: Dự án được đầu tư sẽ kết hợp với tuyến Đại lộ Thăng Long tạo thành trục động lực nối liền TP Hòa Bình với Hà Nội, nâng cao năng lực vận chuyển, đảm bảo năng lực lưu thông của các phương tiện vận chuyển từ các tỉnh Tây Bắc đi Hà Nội và ngược lại; giảm tải phương tiện cho tuyến QL6. Tạo điều kiện phát triển KT-XH khu vực Tây Bắc nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng.

Bên cạnh đó, từ việc nâng cao năng lực vận tải, chất lượng phục vụ của tuyến đường sẽ khai thác tốt quỹ đất trên 11.100 ha (đã được hoạch định trong quy hoạch chung xây dựng khu vực hai bên tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình), quỹ đất dọc tuyến trên địa phận Hà Nội, trong đó có quy hoạch khu công nghệ cao Hòa Lạc, thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp Yên Quang, Mông Hóa, cụm công nghiệp Tiên Tiến nói riêng và địa bàn tỉnh Hòa Bình nói chung... Với tầm quan trọng đặc biệt, dự án đang được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ráo riết chỉ đạo thực hiện các thủ tục pháp lý, tính toán phương án tài chính, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để sớm khởi công.
Cùng với dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình (giai đoạn 2), hiện nay, dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) (ĐT.448B) cũng được tích cực triển khai. Phạm vi nghiên cứu của dự án, đoạn 1 - huyện Kim Bôi nối với trục cao tốc quy hoạch; đoạn 2 - định hướng kết nối cao tốc với Đà Bắc. Quy mô dự án có tổng chiều dài khoảng 39 km.
Triển khai dự án này nhằm đảm bảo chính sách phát triển vùng động lực của tỉnh và tăng cường phối hợp giữa các địa phương, nhất là Thủ đô Hà Nội. Một trong các giải pháp đột phá là quy hoạch gắn liền với xây dựng hạ tầng kết nối liên vùng, đẩy nhanh xây dựng các dự án có ảnh hưởng sâu rộng, có tính lan tỏa thúc đẩy đầu tư, thu hút lao động, tăng thu nhập cho người dân và ngân sách, đặc biệt là đối với 2 huyện nghèo nhất tỉnh như Kim Bôi, Đà Bắc nhưng nhiều tiềm năng phát triển du lịch.
Xác định phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm "đi trước một bước” là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo điều kiện bứt phá trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kết cấu hạ tầng GTVT, phục vụ phát triển KT-XH. Hiện, ngành GTVT tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số dự án công trình giao thông quan trọng, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng giao thông theo quy hoạch, như: Cầu Hòa Bình 2, các tuyến đường tỉnh 435, 438, 433, đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc... Đồng thời, tỉnh đã đề xuất Chính phủ, Bộ GTVT triển khai thực hiện nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, như: Đường nối TP Hòa Bình - Kim Bôi; đường tỉnh 450; đường tỉnh 436...
Bên cạnh đó, Sở GTVT tích cực tham mưu, đề xuất Bộ GTVT huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế dưới nhiều hình thức để đầu tư các tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đường Hồ Chí Minh - vành đai 5 Hà Nội (đoạn qua địa phận tỉnh); xây dựng các tuyến tránh qua khu vực đông dân cư ở các thị trấn...
Đồng thời, chủ trương sử dụng hiệu quả các nguồn ngân sách hỗ trợ từ T.Ư, bộ, ngành, phát huy nội lực địa phương để đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, như: Cầu Hòa Bình 6, đường nối đường Trần Hưng Đạo đi phường Dân Chủ kết nối với QL6; các tuyến đường kết nối khu du lịch hồ Hòa Bình đến khu du lịch Đồng Tâm, khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) nhằm kết nối các tour, tuyến du lịch giữa Hòa Bình với Hà Nội và các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình... Với việc quy hoạch và chủ trương đầu tư các tuyến đường mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho sự phát triển mạnh mẽ KT-XH của tỉnh.
Hòa Bình muốn Trung ương đầu tư 35 km Vành đai 5 vùng Thủ đô qua địa bàn
Tuyến đường Vành đai 5 vùng Thủ đô qua địa bàn tỉnh Hòa Bình dài 35,4 km, quy mô 6 làn xe, có tổng mức đầu tư lên tới 7.800 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư