Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hoá Chất Đức Giang: Dự án tại Nghi Sơn chờ gỡ vướng, Sojitz ngỏ ý liên doanh
Thanh Thủy - 30/03/2021 15:38
 
Dự án Nghi Sơn đang gặp trục trặc nhưng có thể tiến hành trở lại trong 3-6 tháng tới. Với vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, việc huy động vốn từ nhà đầu tư chiến lược đang được tính đến.
.
Hội trường tổ chức phiên họp ĐHĐCĐ thường niên chật kín các cổ đông tham dự 

Hơn nghìn tỷ đồng đầu tư năm 2021: Trọng điểm ở dự án chung cư

Phòng hội trường tại trụ sở công ty - nơi tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của CTCP Tập đoàn Hoà Chất Đức Giang (mã DGC) ngày 29/3 chật kín không còn chỗ trống. Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT công ty đồng thời là chủ toạ đại hội cũng cho biết khá bất ngờ khi số lượng cổ đông trực tiếp dự họp nhiều hơn các năm trước và bỏ ngỏ về khả năng lựa chọn địa điểm họp rộng rãi hơn cho năm sau. 

Việc chuyển sàn từ HNX sang HoSE trong năm 2020 góp phần giúp thanh khoản cổ phiếu tăng đáng kể. Số lượng cổ đông khi chốt danh sách dự đại hội đã lên hơn 5.000 nhà đầu tư. Về địa điểm họp, chắc chắn rằng đây kỳ họp cuối tổ chức tại hội trường này. Cùng các công trình khác trên diện tích khu đất 5,43 ha, trụ sở công ty  sẽ sớm bị phá đi khi Đức Giang bắt đầu triển khai Tổ hợp công trình công cộng, trường học và nhà. Các thiết bị điều hoà trong hội trường đã bị tháo dỡ, còn bên ngoài, dự án tuyến đường 40m cạnh trụ sở đang được thi công. 

Theo kế hoạch đầu tư năm 2021 đã trình cổ đông và được thông qua, Đức Giang sẽ chi ra 640 tỷ đồng cho dự án bất động sản này, gồm 500 tỷ đồng để thanh toán quyền sử dụng đất dự án, 200 tỷ đồng xây dựng nhà liền kề và 20 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng. 

Dự án có tổng mức đầu tư 1.410 tỷ đồng với quy mô dân số khoảng 2.263 người. Ngoài căn nhà ở thấp tầng (5 tầng), dự án còn có công trình nhà ở cao tầng được phép xây dựng 25 tầng.

Trước đó, công ty mới giải ngân 1,7 tỷ đồng cho dự án nhưng một bước quan trọng đã thực hiện trong năm 2020 là nhận phê duyệt quy hoạch 1/500. 

Trả lời câu hỏi của cổ đông về dự án này, Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền cho biết dự án  có khoảng 60 căn liền kề. Do ưu tiên bán trước cho cán bộ trong công ty mà nhu cầu của nội bộ đã đủ nên không bán ra bên ngoài. Mức giá công ty từng dự tính trong kế hoạch trước đây là 60-70 triệu đồng/m2 nhưng giá thị trường ở xung quanh đang lên 100 triệu đồng/m2. Giá chính thức sẽ được công bố khi đủ điều kiện bán thương mại

Về lộ trình thực hiện dự án, ông Đào Hữu Duy Anh, Tổng giám đốc Hoá chất Đức Giang cũng cho biết thêm sau khi có giấy phép đầu tư công ty sẽ xin giấy phép xây dựng triển khai ngay xây dựng nhà liền kề với thời gian thi công 4-6 tháng. Song song, công ty sẽ tìm đối tác làm phần trường học và  chuẩn bị để xây dựng toà chung cư sao cho khi khu đất chung cư chuẩn bị bàn giao hạ tầng và trường học sẽ được hoàn tất. 

Khoản đầu tư dự án bất động sản chiếm 55,4% giá trị đầu tư của Đức Giang năm 2021. Công ty còn hai dự án khác đã đầu tư từ các năm trước sẽ đưa vào hoạt động năm nay gồm Khai trường 25 (động thổ giữa tháng 3/2020) và Nhà máy acid phosphoric điện tử công suất 30.000 tấn/năm (hoạt động vào tháng 8/2021) với số vốn bỏ thêm trong năm 2021 lần lượt là 65 tỷ đồng và 70 tỷ đồng. Hoá chất Đức Giang cũng đầu tư thêm 80 tỷ đồng mở rộng kho Đình Vũ. 

Tham vọng lớn tại Nghi Sơn chờ gỡ vướng

Một dự án khác nằm trong chiến lược đầu tư dài hạn của công ty là dự án Xút – Clo (giai đoạn 1 của dự án Nghi Sơn). Để chuẩn bị cho giai đoạn đầu với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng, Hoá chất Đức Giang đã lập công ty TNHH MTV Hoá chất Đức Giang – Nghi Sơn (DNC) với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Công ty đang làm đánh giá tác động môi trường và dự kiến khởi công vào quý II, giải ngân cho thiết bị 300 tỷ đồng. Vốn cho dự án sẽ lấy từ nguồn vốn tự có của công ty và vay HSBC. 

Tuy nhiên, cập nhật từ lãnh đạo công ty cho biết dự án này dù được UBND tỉnh Thanh Hoá ủng hộ nhưng đang bị tắc do gặp trục trặc từ cộng đồng tại địa phương. Phía tỉnh dự kiến sẽ chi 260 tỷ đồng để di dời các hộ dân trong bán kính 1 km quanh dự án trong thời gian 3-6 tháng. Công ty cũng cử nhân sự cấp cao bám sát dự án, thuyết phục người dân về lợi ích của dự án. 

Dự án tại Nghi Sơn là một tham vọng lớn của Hoá chất Đức Giang với tổng giá trị vốn đầu tư cả hai giai đoạn lên đến 12.000 tỷ đồng. Các sản phẩm xút rắn (giai đoạn 1) và nhựa PVC dẻo (giai đoạn 2) khi các nhà máy tại đây vận hành cũng là những sản phẩm sản xuất lần đầu tiên tại Việt Nam.

Huy động vốn như thế nào là nội dung mà cổ đông đặc biệt quan tâm trong đại hội bởi sẽ gắn liền với quyết định cổ phần hoá DNC. Doanh nghiệp dự án này khi thực hiện đến giai đoạn 2 sẽ có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, Hoá chất Đức Giang cần nắm 51% (khoảng 1.600 tỷ đồng) để giữ được vai trò chi phối. Phần vốn còn lại hoặc có thể bán cho cổ đông công ty mẹ hoặc hướng đến nhà đầu tư chiến lược. Phương án thứ hai đang cho thấy nhiều ưu điểm bởi có thể bắt tay với đối tác đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm mới này, theo CEO của công ty.

Ông Đào Hữu Huyền cũng hé lộ rằng đã có nhiều công ty muốn tham gia liên doanh Nghi Sơn, trong đó có Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản). Đây là một nhà đầu tư từ Nhật Bản đã rót vốn vào  Việt Nam từ nhiều năm qua trên nhiều lĩnh vực như dự án sản xuất gạo đặc sản hay  các dự án điện, đầu tư 10% vào The PAN Group...

Tuy nhiên, câu chuyện huy động vốn này ít nhất phải đến năm 2022 mới có thể thực hiện. Chủ tịch công ty cũng nhấn mạnh Sojit muốn tham gia thì không thể trả giá 1:1 (giá phát hành bằng mệnh giá cổ phiếu –PV) vì khâu chuẩn bị cho dự án khó khăn. Giá chào bán có thể phải là 1:2 hoặc 1:3 cho nhà đầu tư chiến lược.

Kinh doanh thắng lớn nhờ là sản phẩm “thiết yếu”

Bên cạnh sự sôi động của các hoạt động đầu tư, Hoá chất Đức Giang cũng ghi nhận một năm 2020 kinh doanh khởi sắc bất chấp yếu tố tiêu cực từ đại dịch COVID-19, giá cả đầu vào, chuỗi cung ứng sản phẩm, hay xu hướng tăng của giá vận chuyển và vỏ container. Doanh thu thuần hợp nhất tăng 22% lên 6.236 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cả năm gần 948 tỷ đồng, tăng 66%. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp tăng từ 19,8% lên 23,7%. 

Báo cáo của công ty nhắc đến một lợi thế để giải trình cho mức tăng trưởng này là tính chất thiết yếu của các sản phẩm công ty sản xuất. 

“Phốt pho quan trọng trong ngành điện tử và càng trở nên cần thiết hơn với sự phát triển của công nghệ 5G. Sản phẩm của công ty cũng thiết yếu đối với ngành nông nghiệp với các sản phẩm phân bón, thuốc trừ sâu”, Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền nhấn mạnh.

Kế hoạch năm 2021 đặt mục tiêu doanh thu là hơn 7.550 tỷ đồng, trong đó phốt pho vàng vẫn đóng góp nhiều nhất (3.240 tỷ đồng). Theo thông tin do tổng giám đốc chia sẻ, giá photpho đang tăng chủ yếu do giá nguyên liệu và sự gia tăng về nhu cầu. Giá cập nhật mới nhất là 2.700 USD khi xuất xưởng. “Giá đang rất cao, có chiều hướng tăng trong quý II và III và chưa tìm thấy đỉnh”, ông Duy Anh nêu ra nhận định khá lạc quan về giá mặt hàng này.

Từ năm 2019, do Trung Quốc thắt chặt kiểm soát các nhà máy sản xuất phốt pho vàng không đạt tiêu chuẩn môi trường đã đẩy sản lượng giảm mạnh. Dù mặt hàng trên có nhiều thuận lợi về giá nhưng đây cũng là một trong những mặt hàng từng bị Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế xuất khẩu hồi đầu năm 2020. Hiện thuế suất áp dụng với mặt hàng này vẫn là 5%.

Các sản phẩm hoá chất đóng góp lớn vào doanh thu của công ty còn có axit photphoríc thực phẩm và trích ly. Sản phẩm acid phosphoric điện tử với độ tinh khiết cao dùng cho chipset, màn hình tinh thể lỏng, dây điện… bắt đầu được sản xuất từ tháng 8 tới khi nhà máy mới đi vào hoạt động. 

Nhóm phân bón gồm MAP, DAP và phân lân theo kế hoạch sẽ góp 1.962 tỷ đồng. Theo lãnh đạo công ty, sản phẩm phân DAP hiện có sức tiêu thụ tốt. Trả lời câu hỏi của cổ đông về kế hoạch mở rộng và tăng công suất sản xuất DAP, Chủ tịch công ty cho biết điều này phụ thuộc vào yếu tố đầu vào. Nếu tăng công suất sản xuất DAP, sản lượng sản xuất phân MAP sẽ giảm. 

“Công ty vẫn duy trì công suất phân DAP hiện nay, trừ khi việc xuất khẩu phân MAP bị hạn chế”, ông Huyền cho hay. 

Đối với kế hoạch sản xuất 100.000 tấn DAP trong năm 2021, thấp hơn năm ngoái và thấp hơn công suất sau nâng cấp (140.000 tấn), lãnh đạo công ty thừa nhận có phần thận trọng, bởi phụ thuộc vào khả năng hoạt động trơn tru của nhà máy.

Về nguyên liệu đầu vào, đúng như ý kiến của một cổ đông, nguồn nguyên liệu lưu huỳnh đang gặp khó khăn do nhu cầu phân bón tăng mạnh. Tuy nhiên, giá phân bón cũng tăng tương ứng. 

Chi phí vận chuyển cũng đã tăng tới 44,5% lên 275,6 tỷ đồng trong năm 2020, phần lớn do sự thiếu hụt của vỏ container. Tổng giám đốc của DGC cho biết yếu tố này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu nhưng đến tháng 12 công ty đã gỡ được nút thắt. Nhu cầu vỏ container đã được đáp ứng đủ dù mức giá tăng cao 3-5 lần. Đông thời, các khách hàng sẵn sàng chi trả phần tiền tăng của cước tàu. 

Theo phương án kinh doanh đã trình và được cổ đông thông qua, kế hoạch tổng doanh thu tăng 21% so với thực hiện năm 2020. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 1.100 tỷ đồng, tăng 16%. 

Thông báo tại cuộc họp lần này, Chủ tịch công ty cho biết lợi nhuận sau thuế quý I/2021 ước tính đạt 270 tỷ đồng, cao hơn mức kế hoạch 250 tỷ đồng đã đề ra tại cuộc họp HĐQT cuối tháng 1. Với kết quả ước tính trên, công ty ghi nhận mức tăng trưởng 35% và hiện hoàn thành được 24,54% kế hoạch cả năm. 

Vẫn còn những "quả đấm thép" khác cần tích luỹ tiền

Theo phương án phân phối lợi nhuận năm nay, Hoá chất Đức Giang chia cổ tức bằng tiền 15% (đã được tạm ứng cuối 2020) và cổ tức bằng cổ phiếu 15% (tương đương với phát hành 22,3 triệu cổ phiếu). Kế hoạch cổ tức ban đầu của năm 2020 là 30% bằng tiền.

Với lượng tiền mặt khá lớn (số dư tiền và các khoản tiền gửi ngân hàng cuối năm 2020 xấp xỉ 1.840 tỷ đồng) và các hoạt động đầu tư tương lai gần như dự án bất động sản và dự án tại Nghi Sơn giai đoạn 1 đã thu xếp được nguồn tiền, một số cổ đông kiến nghị tăng thêm phần cổ tức tiền mặt. 

Tuy nhiên, theo giải thích từ lãnh đạo doanh nghiệp, tiền vẫn cần dồn cho những quả đấm thép khác, trong đó bỏ ngỏ khả năng M&A doanh nghiệp.

Với tỷ lệ tán thành chiếm đa số, phương án chi trả cổ tức đã được thông qua. Mức cổ tức dự kiến cho năm 2021 tiếp tục là 30%.

Cũng tại đại hội, các cổ đông đã thông qua các tờ trình về việc bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh khai thác khoáng hoá chất và khoáng phân bón, cũng là để phục vụ cho dự án Khai trường 25 đi vào hoạt động. Đại hội cũng đã phê duyệt sửa đổi, bổ sung một số điều trong Điều lệ công ty để phù hợp với thay đổi của Luật doanh nghiệp. 

Hóa chất Đức Giang sẽ tập trung 3 dự án trong quý IV
Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC, sàn HoSE) đã có một số kế hoạch đầu tư cho những tháng cuối cùng năm 2020.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư