Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần
Hòa Phát xuất khẩu thép sang Mexico; Công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn lãi đậm; Hưng Thịnh Land sắp IPO
Khánh An tổng hợp - 23/07/2022 09:51
 
Hòa Phát lần đầu xuất khẩu thép xây dựng sang Mexico; Vietjet và Boeing ký kết giao hàng 200 tàu bay; Grab chưa gửi giải trình về phụ thu phí nắng nóng; CTCP Hưng Thịnh Land lên kế hoạch IPO.

Hòa Phát lần đầu xuất khẩu thép xây dựng sang Mexico

,
Hòa Phát vừa xuất khẩu 8.000 tấn thép thanh vằn sang Mexico

Lô 8.000 tấn thép thanh vằn sang Mexico là đơn hàng đầu tiên xuất sang quốc gia khu vực Bắc Mỹ, tạo đà mở rộng thị trường cho thép xây dựng Hòa Phát.

Theo đại diện Công ty Thép Hòa Phát Hưng Yên, lô hàng thép thanh vằn có mác thép ASTM, sản xuất theo tiêu chuẩn ASTM - Mỹ. Đây là loại thép cốt bê tông, thường dùng để xây dựng các công trình. Thời gian giao hàng dự kiến trong tháng 8/2022, xuất từ Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương.

Với dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, khép kín, Hòa Phát cung cấp đa dạng mác thép, các sản phẩm thép của Hòa Phát đạt chất lượng cao, có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới.

6 tháng đầu năm, Hòa Phát đã xuất khẩu 750.000 tấn thép xây dựng các loại, tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm 2021, trong đó, trên 553.000 tấn thép thanh, còn lại là thép cuộn. Cho đến nay, thép xây dựng Hòa Phát đã được xuất khẩu đến 25 quốc gia như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kong, Malaysia..... Việc khai thác các thị trường mới giúp Hòa Phát đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, đồng thời góp phần thu ngoại tệ và cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam.

Về tỷ trọng tiêu thụ, Tập đoàn xác định thị trường trong nước luôn là ưu tiên số 1, tiêu thụ 70%-80% sản lượng sản xuất hàng năm. Nửa đầu năm 2022, Hòa Phát đạt sản lượng 2,3 triệu tấn, tăng 29% so với cùng kỳ.

Hòa Phát hiện giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng. Với công suất thép thô 8,5 triệu tấn/năm, trong đó có 5,5 triệu tấn phôi thép, thép xây dựng và 3 triệu tấn HRC/năm, Hòa Phát là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á, tương đương Top 50 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.

Grab chưa gửi giải trình về phụ thu phí nắng nóng

,
 Grab đã xin lùi thời hạn nộp báo cáo giải trình về phụ phí nắng nóng sau khi không thực hiện thời hạn 18/7 theo yêu cầu của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng

Grab vẫn chưa có giải trình về phụ phí nắng nóng tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương).

Trước đó, ngày 11/7, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.đã có văn bản đề nghị Grab cung cấp thông tin, tài liệu bao gồm danh mục và làm rõ các loại hình, mức phí, phụ phí được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị, gửi thông tin về Cục trước ngày 18/7. Tuy nhiên, Grab đã xin lùi thời hạn nộp báo cáo giải trình.

Vừa qua, Công ty TNHH Grab công bố, từ ngày 6/7/2022 sẽ thu thêm phụ phí nắng nóng với một số dịch vụ như GrabBike, GrabFood, GrabMart. Cụ thể, hãng xe công nghệ Grab thu thêm 3.000 đồng đối với dịch vụ GrabExpress (giao hàng) và 5.000 đồng đối với dịch vụ GrabBike (di chuyển), GrabFood (giao đồ ăn), GrabMart (đi chợ hộ).

Phụ phí được cộng đồng trực tiếp vào màn hình hiển thị giá trị trên biên nhận khi tài sế nhận chuyến xe. Ngoài ra, Grab cũng đã triển khai áp dụng thu thêm một số loại hình phí và phụ phí như: “phụ phí khi mưa lớn”, “phụ phí kẹt xe”, “phí chờ đợi”.

Hãng cho biết, chính sách mới này được đưa ra nhằm hỗ trợ các tài xế thực hiện đơn hàng. Phụ phí sẽ áp dụng cho từng đơn hàng trong chuyến xe, đồng thời được cộng trực tiếp vào giá cước tại những thời điểm thời tiết nắng nóng gay gắt.

Kể từ thời điểm áp dụng chính sách mới, Grab liên tục bị chỉ trích từ cả phía tài xế lẫn người tiêu dùng, đồng thời nhiều ý kiến cho rằng "phí nắng nóng" thu trong thời điểm này là quá vô lý, lợi dụng yếu tố thời tiết để hãng xe công nghệ kiếm lời và tận thu từ khách hàng....

Giải thích về thu phí nắng nóng trong cuộc gặp Phó thủ tướng Lê Minh Khái vào ngày 19/7, Tổng giám đốc kiêm đồng sáng lập Tập đoàn Grab toàn cầu Anthony Tan cho biết, mong muốn của Grab là cho dù điều kiện, hoàn cảnh có khó khăn thì các tài xế - đối tác vẫn "ra đường". Chính vì vậy 100% nguồn thu này, Grab dành cho tài xế - đối tác, để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Ông Anthony Tan khẳng định, Grab là công ty niêm yết tại Mỹ, nên hoạt động tài chính rất minh bạch. Tại Việt Nam, hiện Grab vẫn đang trong giai đoạn phát triển, chính vì vậy dù hoạt động đầu tư chưa thu được lợi nhuận nhưng với chiến lược dài hơi, Grab vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, doanh nghiệp muốn làm ăn lâu dài phải có nền tảng bền vững, do đó cần phải xây dựng mối quan hệ bền vững với người dân và các đối tác. 

Để có được niềm tin của khách hàng, đối tác, doanh nghiệp cần lưu ý đến những vấn đề dư luận phản ánh, trong đó có vấn đề "Grab thu phí nắng nóng" thì cần phải thông tin kịp thời, minh bạch.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Grab tiếp tục đồng hành với các đối tác Việt Nam vượt qua khó khăn, cùng nhau phát triển lâu dài, bền vững.

CTCP Hưng Thịnh Land lên kế hoạch IPO

,

Hưng Thịnh Land vừa nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Đây là bước tiến quan trọng cho kế hoạch IPO của Hưng Thịnh Land, đến gần hơn với mục tiêu niêm yết cổ phiếu lên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) vào năm 2023. Thương vụ IPO được mong chờ nhất trong ngành bất động sản này được kỳ vọng sẽ giúp Hưng Thịnh Land phát triển nguồn lực mới trong dài hạn, tăng tính minh bạch trong hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh dự án.

Ngay trước thềm niêm yết, Hưng Thịnh Land đã gây tiếng vang trên thị trường khi cùng lúc được hai quỹ ngoại uy tín rót vốn là Dragon Capital và VinaCapital. Giá trị giao dịch lên tới 103 triệu USD, đánh dấu bước khởi đầu của doanh nghiệp tham gia vào thị trường vốn quốc tế, tạo nền tảng thuận lợi cho những định hướng chiến lược dài hạn. Từ giao dịch này, ước tính với vốn điều lệ gần 10.000 tỉ đồng, giá trị vốn hóa của Hưng Thịnh Land vào khoảng 2 tỉ USD, lọt top 3 nhà phát triển bất động sản lớn trên HOSE.

Với hơn 20 năm hoạt động, Hưng Thịnh Land có quỹ đất hơn 3.300 ha trải khắp cả nước, hiện sở hữu và phát triển 59 dự án bất động sản ở nhiều loại hình, đã cung cấp ra thị trường hơn 30.000 sản phẩm. Các dự án đã hoàn thiện và bàn giao như Khu căn hộ Lavita Charm (TP.Thủ Đức, TP.HCM), khu căn hộ Q7 Boulevard (quận 7, TP.HCM), Saigon Mia (huyện Bình Chánh, TP.HCM), Moonlight Residences (TP.Thủ Đức, TP.HCM)…

Nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc và thị trường khác nhau, Hưng Thịnh Land còn định hướng sẽ đầu tư, phát triển đa dạng loại hình, bao gồm căn hộ, căn hộ du lịch, biệt thự, nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse, officetel, cao ốc văn phòng, nhà xưởng, kho bãi, khu công nghiệp, khu chế xuất… Đặc biệt, Công ty còn triển khai sáng kiến phát triển thêm dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, được coi là một hoạt động vì cộng đồng của doanh nghiệp có 20 năm hoạt động và hiểu rõ bài toán an sinh xã hội trong ngành bất động sản tại Việt Nam.

Ở phân khúc nghỉ dưỡng và phát triển đại đô thị tại những tỉnh thành giàu tiềm năng, Hưng Thịnh Land đã vận hành khu biệt thự ven biển Cam Ranh Mystery Villas (Khánh Hòa) và đang phát triển đại dự án gần 700 ha - MerryLand Quy Nhon (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) với tham vọng đưa thành phố biển trở thành điểm đến hàng đầu châu Á.

Công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn lãi đậm

,
Sasco báo lãi quý II gần 84 tỷ đồng, gấp 41 lần quý đầu năm và vượt kế hoạch cả năm

Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco) do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch ghi nhận doanh thu quý II xấp xỉ 300 tỷ đồng, gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các mảng kinh doanh chủ lực như kinh doanh hàng miễn thuế, phòng chờ tại sân bay... đều có mức tăng trưởng ba chữ số trong giai đoạn này. Ngoài ra, công ty còn có doanh thu tài chính gần 38 tỷ đồng do nhận cổ tức từ công ty con, liên doanh và liên kết.

Chi phí bán hàng tăng mạnh nhưng lợi nhuận của Sasco không bị ảnh hưởng lớn. Công ty báo lãi trước thuế gần 84 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất tính theo quý trong vòng ba năm qua và lớn hơn lợi nhuận sáu quý liền trước cộng lại.

Ban lãnh đạo Sasco cho biết, kết quả kinh doanh hồi phục nhanh nhờ số lượng chuyến bay nội địa và quốc tế tăng. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước công ty bị ảnh hưởng bởi lệnh giãn cách xã hội nên chịu lỗ hơn 14 tỷ đồng.

Lũy kế sáu tháng, công ty thu 427 tỷ đồng, hoàn thành gần 32% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 86 tỷ đồng và vượt 5% so với kế hoạch. Biên lợi nhuận ròng giai đoạn này đạt 20%, tức cứ thu 100 đồng thì công ty lãi 20 đồng sau khi trừ mọi chi phí.

Sasco đặt mục tiêu năm nay thu 1.340 tỷ đồng, gấp đôi năm ngoái và bằng phân nửa so với những năm trước dịch. Lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng tăng đến 27 lần, đạt 82 tỷ đồng.

Tổng tài sản của công ty tính đến cuối tháng 6 đạt 1.750 tỷ đồng và nợ phải trả gần 250 tỷ đồng. Công ty có 166 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

Vietjet và Boeing ký kết giao hàng 200 tàu bay trong chiến lược toàn cầu của Vietjet

,
Vietjet và Boeing ký thoả thuận về tái cấu trúc, tiếp tục thực hiện Hợp đồng mua 200 tàu bay Boeing 737

Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu thế giới Boeing vừa đạt thoả thuận về tái cấu trúc, tiếp tục thực hiện Hợp đồng mua 200 tàu bay Boeing 737 hai bên công bố trước đó.

Thoả thuận được ký kết tại Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough 2022 (Farnborough International AirShow).

Cụ thể, hai bên sẽ áp dụng lịch giao hàng linh hoạt, phù hợp với kế hoạch kinh doanh của Vietjet trong bối cảnh ngành hàng không thế giới phục hồi sau đại dịch. 50 tàu bay đầu tiên của đơn hàng sẽ giao cho Thai Vietjet, hãng hàng không Thái Lan mang thương hiệu Việt Nam. Thai Vietjet hiện là một trong những hãng hàng không dẫn đầu thị trường nội địa Thái Lan và được người dân đất nước chùa vàng yêu mến. 

Thoả thuận cũng khẳng định cam kết hỗ trợ của Boeing về dịch vụ và đào tạo, dịch vụ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu đầu tư, v.v. cho Vietjet, nhằm hướng tới phát triển lâu dài, bền vững đảm bảo hiệu quả khai thác và độ tin cậy kỹ thuật cao nhất và tối ưu hoá chi phí cho hành khách.

Ông John Bruns, Phó Tổng giám đốc Boeing, nhấn mạnh: “Chúng tôi rất vinh dự khi tiếp tục hợp tác với Vietjet để tăng cường phát triển dịch vụ hàng không chi phí thấp tại một trong những khu vực có ngành hàng không tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Dòng tàu bay 737 Max với khả năng vận hành hiệu quả, linh hoạt và công suất bay ấn tượng sẽ hỗ trợ đắc lực cho kế hoạch phát triển mạng bay của Vietjet tại châu Á và trên thế giới”.

Vietjet và Boeing trước đó đã ký kết thoả thuận đặt hàng 200 tàu bay B737 Max. Đơn hàng 100 tàu bay đầu tiên được công bố năm 2016, là thoả thuận tàu bay hiện đại nhất thời điểm đó. Năm 2019, hai bên tiếp tục nâng tổng đơn hàng lên 200 tàu bay, đánh dấu mức đặt hàng kỷ lục cho dòng tàu bay 737 Max. 

Ông Đinh Việt Phương, Giám đốc Điều hành Vietjet, cho biết: “Thoả thuận hôm nay là một dấu mốc tích cực của quan hệ tin cậy, lâu dài của Vietjet và Boeing, cũng như quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Trong điều điều kiện hạ tầng còn hạn chế ở Việt Nam, các tàu bay đầu tiên của Boeing sẽ được tập trung cho đội bay của Thai Vietjet. Các tàu bay mang hình ảnh đặc trưng của hãng sẽ sớm cất cánh trên bầu trời Thái Lan, chúng tôi sẽ sử dụng nguồn tài chính quốc tế để đầu tư”. 

Thời gian qua, thỏa thuận giao 200 tàu bay đã bị gián đoạn do sự cố liên quan tới tàu bay 737 Max và tiếp theo là những tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu của Boeing. Vietjet cũng đã chịu những thiệt hại không nhỏ khi đơn đặt hàng 737 Max không được giao hàng đúng hạn. Tuy nhiên, Vietjet đã đi qua đại dịch một cách đầy bản lĩnh, duy trì năng lực khai thác, năng lực tài chính và tiếp tục phát triển sau đại dịch. 

Việc Vietjet và Boeing thống nhất tiếp tục thực hiện các thỏa thuận đã ký kết cũng là dấu mốc rất tích cực của quan hệ tin cậy, lâu dài giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đơn đặt hàng của Vietjet dự kiến mang tới 200.000 việc làm cho người dân Mỹ với tổng trị giá 35 tỷ đô la Mỹ bao gồm đơn đặt hàng tàu bay trị giá và dịch vụ kỹ thuật động cơ. Đơn hàng này cũng dự kiến sẽ thu hút đầu tư trong lĩnh vực hàng không tại Việt Nam, mang lại hàng trăm ngàn việc làm cho Việt Nam trong lĩnh vực hãng hàng không, sân bay, quản lý bay, dịch vụ kỹ thuật, học viện đào tạo, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất linh kiện… 

Grab chưa gửi giải trình về phụ thu phí nắng nóng
Grab vẫn chưa có giải trình về phụ phí nắng nóng tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư