Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hoa Sen đánh đổi lợi nhuận lấy mạng lưới phân phối
Chí Tín - 17/01/2018 11:17
 
Với số lượng chi nhánh dự kiến tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn tới, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG, sàn HOSE) đang lộ rõ tham vọng nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.

Mạng lưới tăng tốc chóng mặt

Thời gian qua, Hoa Sen đã tăng độ phủ sóng thông qua việc mở rộng mạng lưới chi nhánh với tốc độ rất nhanh. Tuy nhiên, mục tiêu của doanh nghiệp này trong thời gian tới sẽ còn đẩy nhanh hơn nữa diện phủ sóng để vươn dài kênh phân phối.

Năm 2017 ghi nhận khoảng thời gian Hoa Sen phát triển số lượng chi nhánh tăng mạnh nhất từ trước đến nay, với tổng số chi nhánh mở thêm trong năm đạt 121 chi nhánh, nâng tổng số chi nhánh lên con số 371. Tuy nhiên, tốc độ phát triển mạng lưới của công ty thép này sẽ còn được đẩy nhanh hơn trong các năm tới, bởi theo mục tiêu đến năm 2020 của Hoa Sen, toàn hệ thống phân phối của Tập đoàn sẽ có 1.000 - 1.200 chi nhánh/cửa hàng phân phối.

.
Năm 2017 Hoa Sen có tổng số chi nhánh mở thêm là 121 chi nhánh, nâng tổng số chi nhánh lên 371. Mục tiêu năm 2020 của Hoa Sen là sẽ có 1.000-1.200 chi nhánh.

Thực tế, ngay những ngày đầu năm 2018, Hoa Sen đã lập tức thành lập thêm 3 chi nhánh mới, với 2 chi nhánh tại Bình Định và 1 chi nhánh tại Đắc Nông.

Chi nhánh mới của Hoa Sen tại Đắc Nông đặt tại thị trấn Đức An, huyện Đắc Song. Với 2 chi nhánh tại Bình Định, một chi nhánh đặt tại xã Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ) và một chi nhánh đặt tại xã Bình Thành (huyện Tây Sơn). Điều đáng chú ý là, Hoa Sen đều sử dụng các nhà quản lý rất trẻ để đảm đương việc kinh doanh tại các chi nhánh mới thành lập, với tuổi đời chỉ sinh năm từ 1992 đến 1994. Điều này cũng phần nào lý giải cho chiến lược của Công ty muốn tận dụng lợi thế sức trẻ trong chiến lược “tiến quân thần tốc”.

Phải đánh đổi bằng lợi nhuận?

Việc mở rộng thần tốc hệ thống phân phối chứng tỏ sức mạnh của Hoa Sen đang được củng cố hàng ngày, trở thành mối đe dọa với bất cứ đối thủ cạnh tranh nào. Tuy nhiên, mọi sách lược dù hiệu nghiệm đến mấy cũng đều có thể có những phản ứng phụ, trong trường hợp này, phản ứng phụ có thể là sự hy sinh về lợi nhuận ngắn hạn.

Nhìn vào kế hoạch kinh doanh năm tài chính 2018 mà Hoa Sen dự kiến sẽ trình Đại hội đồng cổ đông sắp tới, tốc độ tăng trưởng doanh thu vẫn giữ nhịp độ tăng khá mạnh, nhưng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận lại tỏ ra khá khiêm tốn.

Cụ thể, sản lượng tiêu thụ dự kiến năm 2018 đạt 247.800 tấn, tăng 15% so với năm 2017; doanh thu thuần đạt 3.851 tỷ đồng, cũng tăng trưởng 15%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự kiến sẽ chỉ tăng 1% so với năm trước, với số tuyệt đối là 1.350 tỷ đồng.

Việc đưa ra mức tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn của Hoa Sen cũng không quá khó hiểu, bởi trong năm tài chính 2017, công ty này không đạt chỉ tiêu lợi nhuận, với kết quả thực hiện chỉ bằng 81% kế hoạch năm. Theo ông Dương Đức Huy, Giám đốc tài chính của Tập đoàn Hoa Sen, trong thời gian qua, Công ty phải chịu gánh nặng chi phí vận chuyển nguyên liệu phục vụ Nhà máy Thép Đông Hồi (Nghệ An).

Ngoài lý do trên, theo một số nhà quan sát, việc không đạt kế hoạch lợi nhuận của Hoa Sen trong năm tài chính 2017 còn xuất phát từ một số lý do khác, trong đó có sự biến động của giá thép nguyên liệu phục vụ sản xuất. Cụ thể, giá tăng vào quý I/2017, giảm mạnh vào quý II/2017 và tăng đột biến vào quý III/2017. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng, việc đẩy mạnh mở rộng mạng lưới nhanh cũng phần nào làm tăng chi phí cho việc vận hành các chi nhánh mới, trong khi các cơ sở này phải mất một khoảng thời gian nhất định mới có được nguồn tiêu thụ ổn định.

Với những diễn biến hiện tại, Hoa Sen, dù đang gia tăng khá nhanh sức mạnh về mặt quy mô, nhưng sức khỏe tài chính đang có tín hiệu suy yếu hơn so với trước đây. Theo đó, hệ số lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần đã giảm từ 8,4% năm tài chính 2016 xuống còn 5,1% năm tài chính 2017; hệ số lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu giảm từ 42,7% năm 2016 xuống còn 25,8% năm 2017; hệ số doanh thu thuần/tổng tài sản giảm từ 1,5 lần năm 2016, còn 1,2 lần năm 2017. Với một số chỉ số khác, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản tăng từ 66% lên 76% năm 2017; hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng từ 198% lên 315%...

Tập đoàn Hoa Sen: Lợi nhuận quý I/2017 đạt 440 tỷ đồng
Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho biết, tập đoàn đang có kế hoạch mở rộng thêm mạng lưới ở thị trường nội địa,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư