Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 09 năm 2024,
Hoa Sen lỗ hai quý liên tiếp với giá trị 1.567,18 tỷ đồng
Duy Bắc - 06/02/2023 07:26
 
Sau khi lỗ 886,98 tỷ đồng trong quý trước đó, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) tiếp tục lỗ thêm quý kết thúcngày 31/12/2022, nâng tổng lỗ hai quý liên tiếp lên 1.567,18 tỷ đồng.

Lỗ quý thứ hai liên tiếp

Trong quý I niên độ tài chính 2022-2023 (1/10/2022-31/12/2022), Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 7.917,4 tỷ đồng, giảm 53,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ quý thứ hai liên tiếp, giá trị lỗ là 680,2 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 638,3 tỷ đồng, tức giảm 1.318,5 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp tiếp tục giảm mạnh từ 12,5% về còn 2%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 92,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 1.963,33 tỷ đồng về 159,97 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 79,1%, tương ứng giảm 120,99 tỷ đồng về 32,05 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 32,8%, tương ứng giảm 55,39 tỷ đồng về 113,6 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 43,6%, tương ứng giảm 592,94 tỷ đồng về 768 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Hoa Sen lý giải ghi nhận lỗ trong quý I niên độ tài chính 2022-2023 do lợi nhuận gộp giảm do tác động từ việc giảm biên lợi nhuận gộp.

Trước đó, trong quý IV niên độ tài chính 2021-2022, Hoa Sen cũng ghi nhận lỗ 886,98 tỷ đồng. Như vậy, trong hai quý liên tiếp, Hoa Sen đã ghi nhận lỗ 1.567,18 tỷ đồng.

Được biết, quý lỗ gần nhất là IV/2018 (từ 1/7 đến 30/9/2018) với giá trị lỗ 101,8 tỷ đồng. Như vậy, trong hai quý liên tiếp gần đây, giá trị lỗ của Hoa Sen đang gấp nhiều lần so với quý IV/2018.

Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Hoa Sen giảm 6,2% so với đầu năm về 15.963,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 5.980,5 tỷ đồng, chiếm 37,5% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 5.716,2 tỷ đồng, chiếm 35,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.655 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Ngoài ra, tính tới 31/12/2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Hoa Sen giảm 35,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.493,3 tỷ đồng về 2.693,7 tỷ đồng và chiếm 16,9% tổng nguồn vốn.

Kinh doanh dưới giá vốn trong quý IV niên độ tài chính 2021-2022

Trước đó, Hoa Sen công bố Báo cáo quý IV niên độ 2021-2022 (1/7-30/9/2022) với doanh thu đạt 7.939,12 tỷ đồng, giảm 49,7% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 886,98 tỷ đồng, tức giảm 1.827,35 tỷ đồng.

Trong kỳ, Công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp ghi nhận âm 230,67 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 2.473,97 tỷ đồng, tức giảm 2.704,64 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu tài chính giảm 26,9% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 35,88 tỷ đồng về 97,4 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 30,9%, tương ứng giảm 49,86 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 44,8%, tương ứng giảm 621,02 tỷ đồng về 765,93 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Lũy kế năm tài chính niên độ 2021-2022, Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 49.710,64 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 251,05 tỷ đồng, giảm 94,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong niên độ tài chính 2021-2022, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 46.399 tỷ đồng và 3 kịch bản lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1.500 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính, Công ty mới hoàn thành được 10% kế hoạch lợi nhuận năm (kế hoạch lãi 2.500 tỷ đồng) và hoàn thành 16,7% kế hoạch năm (kế hoạch lãi 1.500 tỷ đồng).

Như vậy, với việc ghi nhận lỗ trong quý IV, Công ty đã không thể hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận năm cho dù kịch bản lợi nhuận thấp nhất.

Hoa Sen dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên niên độ tài chính 2022-2023 trong tháng 3/2023

Ngày 22/12/2022, HĐQT Hoa Sen đã ra thông báo về việc gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên (niên độ tài chính 2022-2023) chậm nhất đến 31/3/2023.

Công ty cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và tình hình thị trường nói riêng đang diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, nhằm xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh của niên độ tài chính 2022-2023 và định hướng, chiến lược cho các niên độ tài chính sau đó một cách phù hợp và sát với tình hình thực tế khách quan.

HĐQT Hoa Sen cần đánh giá, dự liệu cẩn trọng đối với các kịch bản có thể xảy ra trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Đồng thời, cũng trong ngày 22/12/2022, Hoa Sen cũng thông báo ngày 31/1 sẽ chốt danh sách tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên, đại hội dự kiến tổ chức ngày 10/3/2023 tại TP. HCM.

Được biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, Hội đồng quản trị quyết định gia hạn họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong trường hợp cần thiết, nhưng không quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Với niên độ tài chính kết thúc ngày 30/9, thời hạn tổ chức đại hội của Hoa Sen là tháng 1 (4 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính) và có thể kéo dài tới ngày 31/3/2023.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/2, cổ phiếu HSG tăng 200 đồng lên 14.700 đồng/cổ phiếu.

Thị trường bất ổn, Hoa Sen xin gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ niên độ 2022-2023
Để đánh giá, dự liệu cẩn trọng đối với các kịch bản có thể xảy ra trong năm 2023 và các năm tiếp theo, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) gia hạn thời...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư