Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hoa Sen rút lui khỏi cuộc đua tăng sản xuất - bán hàng
Hồng Phúc - 25/04/2019 08:56
 
Sau khi chỉ đạt 30% kế hoạch lợi nhuận sau thuế trong năm 2018, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG) chủ động đặt mục tiêu tăng trưởng thấp cho năm 2019, trong bối cảnh thị trường ngày càng khắc nghiệt.
.
Lần đầu tiên Hoa Sen đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu thấp cho niên độ tài chính 2018 - 2019.

Ngược chiều doanh thu và lợi nhuận

Cả doanh thu thuần và sản lượng tiêu thụ thành phẩm của Tập đoàn Hoa Sen năm 2018 đều ghi nhận mức cao nhất trong 5 năm liền trước đó, đạt lần lượt 34.441 tỷ đồng và 1,7 triệu tấn. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nắm 34% thị phần thị trường tôn mạ và 18% thị phần ống thép nội địa này chỉ đạt 30% kế hoạch năm, với 409 tỷ đồng, dù đã xây dựng được hệ thống phân phối gần 500 chi nhánh/cửa hàng trong nước và xuất khẩu sản phẩm đến 75 quốc gia.

Theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, trong năm 2018, những nguy cơ tiềm ẩn của thị trường tôn, thép đã bộc lộ và bước đầu tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Nhu cầu tiêu thụ tôn, thép trên thị trường thế giới suy giảm bởi các cuộc xung đột thương mại giữa những nền kinh tế lớn và rào cản thuế quan được dựng lên do sự “trỗi dậy” của chính sách bảo hộ sản xuất.

Trong năm qua, ngành thép Việt Nam phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương  mại từ các thị trường lớn, làm tăng thêm trở ngại đối với hoạt động xuất khẩu.

Tại thị trường nội địa, tình trạng dư thừa nguồn cung, cộng với lượng thép nước ngoài giá rẻ nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam làm cho mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Ban lãnh đạo Hoa Sen cho rằng, giá nguyên liệu trong năm 2018 diễn biến bất lợi, làm tăng giá vốn và dù đã tăng giá bán, nhưng mức tăng này không thể theo kịp giá vốn, ảnh hưởng đến lợi nhuận của Hoa Sen.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, tôn mạ đã không còn mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp khi dễ dàng đầu tư mở rộng công suất, tiêu thụ sản phẩm như hồi năm 2016, trái lại, diễn biến thị trường đang bộc lộ nhiều rủi ro.

Ở trong nước, cạnh tranh về giá khiến lợi nhuận của các nhà sản xuất ngày càng “nhạy cảm” với giá nguyên liệu đầu vào. Việc đầu tư mở rộng mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong vài năm qua khiến tổng công suất tôn mạ vượt nhu cầu nội địa. Đến cuối năm 2018, tổng công suất tôn mạ của 6 doanh nghiệp có thị phần đầu ngành (chiếm 83% thị phần) đạt gần 5 triệu tấn, nhưng công suất hoạt động chỉ đạt trung bình 64%.

Về thị trường xuất khẩu, chi phí vận chuyển cũng gây sức ép lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp mảng xuất khẩu của Hoa Sen chỉ quanh mức 6 - 8% (trừ niên độ tài chính 2016 - 2017).

Áp lực cạnh tranh và thách thức về quản trị

Ban lãnh đạo Hoa Sen nhận định, thị trường tôn, thép trong năm 2019 sẽ đối mặt với sự sàng lọc lớn, những bất ổn sẽ tác động mạnh hơn đối với các doanh nghiệp trong ngành.

Theo đó, lần đầu tiên, Hoa Sen đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu thấp cho niên độ tài chính 2018 - 2019. Trong khi Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo tăng trưởng tiêu thụ toàn ngành thép đạt 10%, Hoa Sen chỉ đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ tăng 7%, đồng nghĩa với việc chấp nhận giảm thị phần.

“Việc Hoa Sen chủ động rút lui khỏi cuộc chạy đua tăng sản xuất - bán hàng có thể sẽ tiên phong cho xu hướng thận trọng của các nhà sản xuất tôn mạ trong bối cảnh thị trường đã trở nên khắc nghiệt hơn”, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt nhận định và khuyến nghị, các doanh nghiệp trong ngành nên gia tăng tiêu thụ nội địa bởi biên lợi nhuận sẽ cao hơn thị trường xuất khẩu.

Rồng Việt dự báo, sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen trong năm 2019 tăng khoảng 7% và sẽ là lần đầu tiên kể từ khi niêm yết, sản lượng tiêu thụ của Công ty chỉ tăng trưởng 1 chữ số. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen có thể ghi nhận 616 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2018 - 2019, tăng 50% so với niên độ trước.

“Nhà đầu tư cần lưu ý, con số này bao gồm 218 tỷ đồng lợi nhuận bất thường từ chuyển nhượng bất động sản trong quý I của niên độ 2018 - 2019. Điều này có nghĩa, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của Hoa Sen không tăng trưởng, do giá thép bất lợi trong những tháng đầu niên độ”, Rồng Việt nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, Hoa Sen sẽ nhận chuyển nhượng 160 chi nhánh bán lẻ từ Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen (công ty riêng của ông Lê Phước Vũ), dự kiến hoàn thành trong quý II niên độ 2018 - 2019, với giá trị chuyển nhượng bằng giá trị sổ sách tại thời điểm chuyển nhượng. Rồng Việt ước tính, tổng chi phí cho chuỗi bán lẻ này là 193 tỷ đồng.

“Trong quá khứ, giao dịch với bên liên quan được coi là một trong những lỗ hổng về quản trị doanh nghiệp của Hoa Sen, khiến chúng tôi quan ngại về sự minh bạch tài chính của doanh nghiệp. Trong niên độ tài chính gần nhất, hơn 1/5 doanh số của Hoa Sen được tiêu thụ bởi các chi nhánh của Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen”, Rồng Việt phân tích.

Doanh nghiệp tôn mạ nên chủ động giảm áp lực về vốn

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt nhận định, việc chủ động giảm đầu tư tăng công suất là chiến lược khôn ngoan mà các doanh nghiệp tôn mạ có thể theo đuổi. Bởi giảm đầu tư đồng nghĩa với giảm áp lực về vốn, trong khi hầu hết các doanh nghiệp tôn mạ trên thị trường hiện nay đều có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu rất cao. Cụ thể, tính đến hết năm 2017, tỷ lệ này ở Hoa Sen là 3,1 lần; Thép Nam Kim là 1,7 lần; Tôn Đông Á là 2,9 lần.

Hoa Sen sau pha “việt vị”
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG, sàn HoSE) đưa ra mục tiêu doanh thu và lợi nhuận niên độ tài chính 2018 - 2019 khá thận trọng. Đây có thể là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư