Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hoa Sen: Bất an từ công ty “người nhà”
Chí Tín - 14/02/2019 14:19
 
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG, sàn HoSE) đang tỏ ra quyết liệt tái cơ cấu, song nhà đầu tư vẫn còn ngờ vực, bởi thời gian qua, tập đoàn này có quá nhiều giao dịch phức tạp với doanh nghiệp “người nhà”.
.
Cuối tháng 1/2019, Hoa Sen quyết định giải thể đồng loạt tới 21 chi nhánh, trong đó có 13 chi nhánh ở nằm tại địa bàn tỉnh Bình Định, 8 chi nhánh còn lại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Mạnh tay tái cơ cấu

Những ngày đầu năm 2019, Tập đoàn Hoa Sen đã có những động thái tái cơ cấu khá mạnh tay. Điều này phần nào cho thấy quyết tâm của đại gia ngành thép này sau 1 năm kinh doanh vừa qua không thực sự thuận buồm, xuôi gió.

Theo đánh giá của Hoa Sen, ngành thép năm 2019 được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều bất lợi và viễn cảnh khó lường, nên thị trường có thể diễn ra sự sàng lọc lớn. Đối với niên độ 2018 - 2019, Tập đoàn Hoa Sen đã xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh trên cơ sở thận trọng. Tập đoàn đề ra mục tiêu tăng sản lượng tiêu thụ lên con số 2 triệu tấn/năm để củng cố vị thế dẫn đầu trên thị trường, chỉ tiêu doanh thu thuần 31.500 tỷ đồng và lãi sau thuế là 500 tỷ đồng trong niên độ 2018 - 2019.

Trong năm tài chính 2017 - 2018, giá trị hàng hóa của Tập đoàn Hoa Sen bán cho Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đạt hơn 6.753 tỷ đồng, trong khi Tập đoàn Hoa Sen mua hàng của Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đạt gần 2.132 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều giao dịch khác cũng có quy mô hàng chục tỷ đồng, phí vận chuyển 48,9 tỷ đồng, chiết khấu thương mại 44,9 tỷ đồng, bán tài sản 41 tỷ đồng…

Một trong những động thái tái cơ cấu đáng chú ý nhất gần đây của Hoa Sen là việc sắp xếp lại hệ thống chi nhánh. Cụ thể, cuối tháng 1/2019, Hoa Sen quyết định giải thể đồng loạt tới 21 chi nhánh, trong đó có 13 chi nhánh ở nằm tại địa bàn tỉnh Bình Định, 8 chi nhánh còn lại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Tại quyết định giải thể các chi nhánh trên, ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho biết, lý do chấm dứt hoạt động các chi nhánh là để tái cấu trúc hệ thống phân phối theo mô hình chi nhánh tỉnh. Việc này phục vụ công tác chuyển đổi các chi nhánh thành địa điểm kinh doanh thuộc chi nhánh tỉnh để tăng cường hiệu quả hoạt động.

Bất an từ giao dịch với công ty “người nhà”

Các động thái tái cơ cấu khá mạnh tay của Hoa Sen gần đây phần nào giúp cổ đông và nhà đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp sẽ có được sức bật mới để lấy lại “phong độ” trong giai đoạn sắp tới. Tuy nhiên, trong các hoạt động kinh doanh của Hoa Sen, giới đầu tư vẫn còn nhiều băn khoăn về những quan hệ kinh tế khá phức tạp với công ty thuộc sở hữu của Chủ tịch Hội đồng Quản trị, cụ thể là Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen.

Theo đó, Tập đoàn Hoa Sen và Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen có các quan hệ giao dịch với nhau trên hầu hết các hoạt động kinh tế cơ bản, như mua bán hàng hóa, vận chuyển, mua bán và thuê tài sản… Quy mô các giao dịch cũng rất lớn, với giá trị mua bán hàng hóa mỗi năm nhiều ngàn tỷ đồng.

Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen không chỉ tham gia hoạt động của Tập đoàn Hoa Sen thông qua nhiều giao dịch kinh tế, mà còn mua bán cổ phiếu của chính Tập đoàn Hoa Sen. Giao dịch gần đây nhất diễn ra hồi cuối năm 2018, khi Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen bán 4 triệu  cổ phiếu HSG và người mua số cổ phiếu này chính là cá nhân ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoa Sen. Sau giao dịch này, số cổ phiếu HSG do Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen nắm giữ giảm từ 25,36% xuống còn 24,32%, trong khi số cổ phiếu HSG do cá nhân ông Vũ nắm giữ tăng từ 10,7% lên 11,74%.

Về lý thuyết, một công ty “người nhà” hoàn toàn có thể tham gia mọi hoạt động của Công ty, với điều kiện tuân thủ đúng các quy định pháp luật. Tuy nhiên, thực tế, nhà đầu tư khi quan sát một doanh nghiệp trên sàn đều khá bất an với những công ty có nhiều giao dịch phức tạp với những công ty thân quen. Bởi lẽ, các nhà đầu tư nhỏ lẻ không thể có đủ công cụ để kiểm soát được hết các quan hệ lợi ích giữa các chủ thể này với nhau.

Nguyên nhân khiến Hoa Sen “trượt dốc”
Do nhiều nguyên nhân khách quan và nội tại, nhiều chỉ tiêu kinh doanh của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG) trong niên độ tài chính 2017-2018...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư