Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 05 năm 2024,
Hoàn thiện cơ chế tài chính trong lĩnh vực khám, chữa bệnh
Nguyễn Lê - 21/02/2022 10:08
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu đánh giá kỹ thêm, nhất là các quy định liên quan đến hoàn thiện cơ chế tài chính trong lĩnh vực khám, chữa bệnh của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại Phiên họp thứ tám, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phương án mới về giá

Sau khi thu gọn từ 15 xuống còn 10 chính sách phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống và cập nhật báo cáo đánh giá tác động, tuần qua, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Một số điểm đáng chú ý của lần sửa đổi này là quy định nghiêm ngặt hơn quyền tôn trọng bí mật riêng tư của người bệnh, quy định thời hạn chứng chỉ hành nghề, người hành nghề phải sử dụng tiếng Việt, quy định về khám chữa bệnh từ xa...

Riêng với chính sách về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, theo quy định hiện hành, Bộ Y tế quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các địa phương quy định giá cụ thể đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc quyền quản lý. Quy định này được cho là sẽ không thực hiện được việc gắn giá dịch vụ khám bệnh với đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh do không xác định được hệ số điều chỉnh giá.

Phương án mới được đề xuất là xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về giá. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh đối với cơ sở khám chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc và khung giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước quyết định mức giá cụ thể đối với dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu của cơ sở. Cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, các cơ quan của Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết Nhà nước phải thống nhất quản lý về giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả với giá dịch vụ xét nghiệm bằng máy do tư nhân đặt trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc áp dụng một mức giá khám bệnh, chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc như đề xuất có thể không phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khác nhau. Hơn nữa, việc thay đổi từ chỗ quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do Nhà nước định khung giá và mức giá cụ thể (điểm c, khoản 3, Điều 19 của Luật Giá) sang quy định Nhà nước định mức giá cụ thể (điểm a, khoản 3, Điều 19 của Luật Giá) dẫn đến phải sửa đổi Luật Giá để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, liên quan chính sách này, Ủy ban Xã hội của Quốc hội (cơ quan thẩm tra Dự án) đề nghị nghiên cứu, tổng kết đánh giá kỹ nội dung "cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh" để có cơ sở xem xét tiếp tục kế thừa trong lần sửa đổi này.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, các cơ quan của Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung đánh giá kỹ thêm để bảo đảm sự thống nhất với các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là các quy định liên quan đến hoàn thiện cơ chế tài chính trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, như về tự chủ tài chính, xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế...

Sẽ tính đúng, tính đủ

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, liên quan đến tài chính, ngân sách, trang thiết bị cho công tác khám, chữa bệnh, Dự thảo quy định còn rất chung chung. Vì vậy, cần nghiên cứu để bổ sung quy định việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho công tác khám, chữa bệnh phải tuân thủ pháp luật về ngân sách, pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật về chi ngân sách nhà nước, để đảm bảo mọi khoản chi từ ngân sách phải tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích; cần đấu thầu thì phải đấu thầu, cần đấu giá thì phải đấu giá.

Về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, Điều 87 của Dự thảo quy định bao gồm các yếu tố: chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí chất lượng, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định.

"Thế nào là chi phí chất lượng? Tôi không hình dung ra khái niệm chi phí chất lượng là chi phí gì", Chủ tịch Quốc hội nói khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án luật tại Phiên họp thứ tám vừa qua.

Giá dịch vụ khám, chữa bệnh, theo Chủ tịch Quốc hội, cũng cần được nghiên cứu kỹ hơn, trong đó có quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân. Đã nói về giá thì phải cấu thành đủ chi phí và có phần lợi nhuận định mức. Đối với cơ sở tư nhân, có chênh lệch thu - chi thì người ta mới làm. Nếu Dự thảo quy định cơ cấu giá không nói phần này thì có hợp lý về mặt cấu thành về giá không?", Chủ tịch Quốc hội băn khoăn.

Thừa nhận đang rất khó trong việc đưa ra quy định tạo được sức cạnh tranh và phát triển y tế tư nhân, nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, đại diện Ban Soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, nguyên tắc chung là theo cơ chế thị trường và đảm bảo chất lượng đối với các cơ sở y tế tư nhân.

“Kể cả hiện nay không quy định, không quản lý giá khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, nhưng y tế tư nhân vẫn không phát triển được, số lượng giường bệnh của y tế tư nhân mới chiếm khoảng 5%, trong khi mục tiêu là 10%. Đây là điểm mà chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ trong việc xây dựng Dự thảo”, ông Long nêu tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về cơ cấu giá, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong cả luật cũ và Dự thảo, mới được tính có 4 yếu tố: chi phí trực tiếp cho người bệnh; chi phí tiền lương; chi phí khấu hao; chi phí quản lý. Hiện nay, lộ trình của Chính phủ mới tính được 2/4 yếu tố cấu thành giá.

"Chúng tôi rất cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã nêu rất rõ là trong năm nay phải cố gắng làm sao tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế mới giúp cho việc phát triển hệ thống y tế. Chúng tôi xin tiếp thu và Chính phủ sẽ quy định giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ. Kể cả cơ sở y tế tự chủ cũng phải tính chi phí khấu hao, vì cũng là một trong 4 yếu tố cấu thành giá", Bộ trưởng hồi âm ý kiến Chủ tịch Quốc hội.

Về hướng tiếp thu, ông Long cho biết, Bộ Y tế quy định giá khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên tắc quy định khung và căn cứ khung giá đó, HĐND các địa phương quyết định.

Với quản lý trang thiết bị y tế, thông tin là Chính phủ ban hành Nghị định 98/2021- NĐ/CP, song Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ: "Chúng tôi thấy rằng, kể cả nghị định vẫn chưa đáp ứng được. Vì vậy, hiện nay, Bộ Y tế tích cực xây dựng luật về trang thiết bị y tế, trong đó sẽ làm rõ hơn tất cả những vấn đề liên quan từ cấp phép, quản lý, mua sắm, đấu thầu, làm rõ hơn từng bước trong quản lý".

Sau khi tiếp tục hoàn thiện, Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022).

Tỷ lệ bị nghèo hóa do chi phí y tế là 1,7%

Theo báo cáo tổng kết 11 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh, ngân sách nhà nước cho y tế và bảo hiểm y tế ngày càng tăng, nhưng tổng chi chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người vẫn rất thấp, chưa đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Mệnh giá bảo hiểm y tế thấp, trong khi 70% chi cho khám bệnh, chữa bệnh là chi cho thuốc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, mà giá thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế lại phải theo mặt bằng quốc tế. Tỷ lệ chi tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khoẻ còn ở mức cao, dễ dẫn đến tình trạng nghèo hóa ở những hộ gia đình có mức thu nhập thấp khi có người ốm đau (tỷ lệ bị nghèo hóa do chi phí y tế hiện nay là 1,7%).
Xem xét sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị xem xét về đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư