Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hoạt động thống kê bảo đảm hoàn toàn độc lập
Hàn Tín - 08/11/2015 08:49
 
Phát biểu tại hội trường trong phiên thảo luận về Luật Thống kê sửa đổi tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh cam kết: “Nếu Tổng cục Thống kê tiếp tục là cơ quan trực thuộc Bộ KH&ĐT, tôi xin hứa, hoạt động thống kê hoàn toàn độc lập nhằm cung cấp thông tin thống kê phục vụ các cơ quan nhà nước trong việc đánh giá, dự báo, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Thông tin thống kê nhà nước được công bố, phổ biến kịp thời, đầy đủ, rộng rãi, công khai, minh bạch, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu tiếp cận, sử dụng”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

Theo Luật Thống kê sửa đổi dự kiến được Quốc hội thông qua ngày 23/11 tới, Bộ KH&ĐT tiếp tục chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong quản lý nhà nước về thống kê. Hầu hết các đại biểu đều đồng tình với nội dung này.  

Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cho rằng, hệ thống tổ chức thống kê đang vận hành ổn định, do đó nên duy trì mô hình cơ quan thống kê trực thuộc Bộ KH&ĐT. Tuy nhiên, để bảo đảm khách quan, chính xác, Luật Thống kê phải nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, ép buộc, áp đặt, làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê. “Thời gian qua, do bệnh thành tích, nên nhiều địa phương đã không ngại điều chỉnh số liệu theo ý kiến chủ quan, số liệu bị sai lệch so với thực tế”, ông Hoàng minh chứng.

Đồng quan điểm, TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, duy trì tổ chức Tổng cục Thống kê thuộc Bộ KH&ĐT như hiện nay là cần thiết, không cần xáo trộn. Để cơ quan thống kê hoạt động độc lập, không bị bất cứ tổ chức, cá nhân nào can thiệp, chi phối vào số liệu, cốt lõi là những người làm công tác thống kê phải có ý thức tuân thủ pháp luật; dũng cảm, có bản lĩnh để thực thi công vụ; có đủ kiến thức để bảo đảm được sự độc lập của mình...

Và điểm cuối cùng là phải có chế tài xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không hợp tác với cơ quan thống kê, cố tình khai báo thiếu trung thực. “Ví dụ, cơ quan thống kê đi điều tra, khảo sát về hộ gia đình, cá nhân, nhưng người ta không hợp tác, không khai báo hoặc khai báo thiếu trung thực, thì xử lý thế nào?”, ông Lịch đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận, hiện tại, nhiều số liệu điều tra, khảo sát chưa thực sự chính xác do “đầu vào” không chính xác. “Ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân gian lận trong khai báo thống kê và gian lận trong khai báo thuế bị xử lý rất nặng. Còn ở Việt Nam hiện nay, hành vi này bị xử lý rất nhẹ. Phải rà soát Luật Xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi gian lận trong thống kê xử phạt nhẹ thì nâng mức xử phạt lên. Cần phải rà soát lại Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, nếu hành vi này chưa được hình sự hóa thì cần phải đưa vào”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kiến nghị.

Số liệu thống kê không chỉ khách quan, trung thực, mà phải chính xác. Chính vì vậy, số liệu thống kê của các bộ, ngành đều được Tổng cục Thống kê thẩm định. Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, TS. Bùi Sỹ Lợi đặt câu hỏi: Cơ quan nào thẩm định và đánh giá chất lượng thống kê do Tổng cục Thống kê công bố. Phải chăng số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê đã hoàn toàn chính xác, nên không cần phải đánh giá, thẩm định lại?

“Cần bổ sung một quy định về Hội đồng Quốc gia tư vấn về chính sách và đánh giá thông tin thống kê. Thành phần bao gồm đại diện của Tổng cục Thống kê, một số bộ, ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu về lĩnh vực thống kê”, ông Lợi đề nghị.

Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, trên thế giới, không có quốc gia nào có hội đồng thẩm định lại số liệu của cơ quan thống kê trung ương. Nhiều nước có hội đồng tư vấn thống kê quốc gia chỉ làm nhiệm vụ tham vấn cho cơ quan thống kê những phương pháp, cách tính toán, tổ chức bộ máy…, chứ không ai đi thẩm định lại số liệu.

“Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm cao nhất về số liệu công bố, không cần bất cứ tổ chức nào thẩm định lại. Giả sử có thẩm định đi chăng nữa, thì thẩm định đầu vào của số liệu thống kê, tức là thẩm định cơ quan, tổ chức, cá nhân khai báo với cơ quan thống kê. Nhưng việc này không ai có thể làm được”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải thích.

Bộ trưởng Vinh cho biết, cơ quan thống kê Việt Nam và người làm công tác thống kê không hề chịu áp lực trước các con số, không bị bất cứ cơ quan, tổ chức nào yêu cầu phải sửa đổi con số thống kê và việc họ điều chỉnh số liệu cũng không đem lại bất cứ lợi ích gì cho bản thân, nên họ không bao giờ làm.

Những điểm mới trong dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi)
Điều chỉnh các hoạt động thống kê ngoài nhà nước; làm rõ các hệ thống thông tin thống kê; quy định rõ hơn trách nhiệm, vai trò của Cơ quan...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư