Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hồi phục sau áp lực bán tháo, VN-Index "ngậm ngùi" rời xa mốc 1350 điểm
Thanh Thuỷ - 21/09/2021 18:26
 
Phiên rơi sâu của DowJones đẩy tâm lý lo ngại lan toả nhiều sàn chứng khoán châu Á, thông tin tiêu cực trên xuất hiện khi dư nợ margin đang ở mức cao khiến nhiều nhà đầu tư thận trọng.

Tình hình tài chính tiêu cực của Evergrande - tập đoàn bất động sản đứng thứ hai Trung Quốc đã được thông tin nhiều tháng nay nhưng nguy cơ vỡ nợ đến gần đã đẩy nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới “chao đảo”. Sàn chứng khoán Hồng Kông hôm qua “bốc hơi” 3%, chứng khoán Mỹ cũng vừa trải qua phiên giảm mạnh nhất 4 tháng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam và nhiều sàn chứng khoán châu Á mở cửa phiên sáng nay trong trạng thái tiêu cực nhưng đã hồi phục trở lại đáng kể vào cuối phiên chiều.

Trước đó, VN-Index từng có thời điểm giảm 25 điểm xuống còn 1.325,15 điểm. Tuy có sự hồi phục nhưng đóng cửa chỉ số vẫn giảm 10,64 điểm (-0,79%) về mức 1,339.84 điểm.

Chỉ số sàn UPCoM cũng giảm 0,7%, mất 0,69 điểm còn 96,77 điểm.

HNX-Index là chỉ số chứng khoán Việt Nam duy nhất kịp đóng cửa tăng điểm với mức tăng nhẹ 0,1 điểm (0.03%) lên 358.98 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng một lần nữa không thể duy trì lâu đà hồi phục. Hai phiên  gần đây, nhóm này đã trở thành trụ cột nâng đỡ thị trường. Trừ OCB và VIB, các cổ phiếu ngân hàng đều đóng cửa trong sắc đỏ. Cổ phiếu LPB và NVB còn giảm trên 2,5%.

SHB là “đầu tàu” kéo HNX-Index đi xuống. Trong khi trên sàn HoSE, top 10 cổ phiếu tác động tiêu cực đến chỉ số có 3 đại diện nhóm ngân hàng gồm VCB, CTG và VPB.

Tương tự, phần lớn nhóm chứng khoán giảm 2-3%, cá biệt PSI tăng hơn 6%. Trong nhóm tài chính, cổ phiếu bảo hiểm cũng “đi lối riêng” khi đa số tăng giá mạnh. Riêng MIG tăng kịch biên độ.

Nhóm bất động sản cũng ghi nhận sự phân hoá. Cổ phiếu họ Vin đồng loạt giảm sâu, trong đó cổ phiếu Vincom Retail giảm 3,07%; VHM giảm 3% và VIC giảm 1,27%. Trái với ba ông lớn trên, các doanh nghiệp địa ốc có quy mô vốn hoá tầm trung như Sacomreal (SCR), Hà Đô (HDG) hay HDC lại tăng kịch biên độ. Một số cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp như KBC, ITA cũng hồi phục đáng kể.

Hay trong nhóm cổ phiếu dầu khí, trừ cổ phiếu GAS giảm gần 0,7%, nhiều cổ phiếu họ P khác lại tăng nhờ giá dầu thế giới đã hồi phục phần nào sau phiên giảm đêm qua. PVS còn là đầu tàu kéo HNX-Index tăng. Quý II/2021 vừa qua, một công ty con của PTSC (PVS) là Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC (PTSC M&C) đã hoàn tất ký hợp đồng tổng thầu EPCI, Dự án Gallaf - giai đoạn III, gói 05 – một dự án thuộc mỏ Al-Shaheen-mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất của Qatar và là một trong những mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới. Thông tin trên giúp cổ phiếu này tăng nhanh, có thời điểm xấp xỉ 30.000 đồng/cổ phiếu, nhưng xu hướng tăng đã gập ghềnh hơn trong thời gian qua.

Trên sàn HoSE, cổ phiếu đóng góp điểm tăng nhiều nhất là DGC. Giá phốt pho vàng thế giới ở mức cao là trợ lực cho đà tăng cổ phiếu này. Cổ phiếu của Hoá chất Đức Giang tiếp tục đóng cửa ở đỉnh giá mới 156.700 đồng, tăng 6,24% so với hôm qua.

DGC,VIB, BVH, HSG, OCB là những cổ phiếu tác động tích cực đến thị trường. Nhưng vẫn chưa đủ để VN-Index lấy lại sắc xanh cũng như giữ được ngưỡng tâm lý quan trọng 1.350 điểm. Giao dịch trên sàn HoSE nhìn chung vẫn khá sôi động, thậm chí còn ghi nhận lượng giao dịch đột biến ngay ở phiên xác định giá mở cửa (ATO). Thông tin tiêu cực về nguy cơ vỡ nợ của Evergrande xuất hiện khi dư nợ margin trên thị trường chứng khoán ở mức cao cũng là một phần nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư thận trọng lựa chọn bán bớt cổ phần.

Giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 22.926 tỷ đồng, giảm 4,2% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch riêng sàn này đạt 23.432 tỷ đồng. Trên ba sàn, thanh khoản đạt hơn 29.753 tỷ đồng.

Khối ngoại giao dịch nhiều hơn ở cả hai chiều. Lực mua – bán khá tương đương ở phiên hôm qua, đến hôm nay, lực bán lại áp đảo. Giá trị bán ròng trên ba sàn xấp xỉ 364 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị bán ròng mạnh nhất (hơn 162 tỷ đồng). Cổ phiếu HPG và VIC cũng đều nằm trong diện rút vốn mạnh (trên 90 tỷ đồng) của các nhà đầu tư nước ngoài.

Cổ phiếu CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) bất ngờ hút vốn ngoại. Nhiều thông tin trên thị trường cho rằng có một công ty tài chính đến từ California (Mỹ) đã gửi đề nghị mua 5 - 10% cổ phần doanh nghiệp này, tương đương khoảng 13 - 26,7 triệu cổ phiếu, để trở thành cổ đông lớn. Riêng phiên hôm nay, khối ngoại đã mua 5,2 triệu cổ phiếu này.

Evergrande có thể gây "hiệu ứng domino" sụp đổ trong ngành bất động sản Trung Quốc
Nhiều công ty bất động sản Trung Quốc đứng trước nguy cơ sụp đổ khi "cánh chim đầu đàn" một thời Evergrande bên bờ phá sản, theo chuyên gia từ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư