Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Hồi sinh loạt dự án BOT tại TP.HCM: Chỉ cơ chế là chưa đủ
Lê Quân - 09/07/2023 19:36
 
Dù đã được “cởi trói” về cơ chế, nhưng các dự án BOT đang tạm dừng tại TP.HCM muốn thực hiện được, cần rất nhiều giải pháp đồng bộ đi kèm.
Ảnh minh họa.

Cơ chế đã mở

“Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) đã chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư các tuyến đường trục chính kết nối liên vùng như Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22…”, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết về kế hoạch đầu tư các dự án BOT.

Theo Nghị quyết 98/2023/QH15, TP.HCM được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đường bộ hiện hữu, với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân. Với cơ chế đặc thù này, những dự án BOT đang thực hiện dở dang, hoặc đã lên kế hoạch đầu tư nhưng phải dừng lại do thay đổi chính sách sẽ có khả năng “hồi sinh”.

Trong danh sách các dự án BOT được khởi động lại, Sở GTVT đề xuất 6 dự án gồm mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn An Lạc - ranh Long An); Quốc lộ 22; Quốc lộ 13; Dự án trục Đông - Tây về phía Nam nối ra đường Vành đai 3; trục đường Bắc - Nam (từ đường Âu Cơ - Khu công nghiệp Hiệp Phước); đường song song Quốc lộ 50. Tổng mức đầu tư của 6 dự án này là gần 100.000 tỷ đồng.

Ông Bùi Hòa An cho biết, trước mắt, Sở GTVT đề xuất đầu tư trước 3 dự án là mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22…, vì đây là các dự án kết nối TP.HCM với các tỉnh Bình Dương, Long An, Tây Ninh. Hơn nữa, tình hình kẹt xe tại 3 tuyến đường này ngày càng nghiêm trọng. “Tình hình kẹt xe tại Quốc lộ 13 khiến chúng tôi khổ sở vì bị khách hàng phàn nàn liên tục về việc chậm giao hàng. Dù đã dự trù thời gian, nhưng quả thật là lực bất tòng tâm”, ông Nguyễn Văn Điệp, Phó giám đốc Công ty VCAC than phiền.

Nhà đầu tư e dè vì khả năng hoàn vốn

Theo phương án tài chính được Sở GTVT TP.HCM tính toán, Dự án mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn từ cầu Bình Triệu đến giáp ranh tỉnh Bình Dương) dài 5,8 km, tổng mức đầu tư gần 12.200 tỷ đồng. Còn Dự án mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An) có tổng vốn đầu tư gần 12.900 tỷ đồng. Duy nhất Dự án mở rộng Quốc lộ 22 từ ngã tư An Sương đến Vành đai 3 có tổng mức đầu tư là 1.200 tỷ đồng.

Dù rất kỳ vọng vào cơ chế đặc thù mới đối với các dự án BOT, nhưng các nhà đầu tư vẫn tỏ ra e dè khi các dự án có tổng mức đầu tư quá lớn khiến việc hoàn vốn khó khả thi.

Khi được hỏi về khả năng trở lại đầu tư Dự án mở rộng Quốc lộ 13 theo hình thức BOT, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) cho biết, nếu thực hiện mở rộng cả dự án từ ngã tư Hàng Xanh đến ngã tư Bình Phước, thì CII sẽ không tham gia vì rất khó hoàn vốn. Nếu Sở GTVT tổ chức đấu thầu đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu, thì CII sẽ tham gia vì đoạn này có khả năng hoàn vốn rất khả thi.

CII chính là nhà đầu tư đã đề xuất Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước để nối với Quốc lộ 1. Sự thận trọng nêu trên cũng là tâm lý chung của các nhà đầu tư BOT trong bối cảnh ngân hàng siết chặt cho vay đối với các dự án BOT mới, trong khi dự án phải mất hàng chục năm mới thu hồi đủ vốn.

Bên cạnh thách thức về nguồn vốn, phương án đặt trạm thu phí BOT cũng là vấn đề nan giải với các dự án BOT tại TP.HCM, vì khoảng cách giữa các trạm thu phí hiện nay với các dự án mới khá gần nhau, không thể chặn đoạn đường 5-10 km để thu phí. Trường hợp đặt trạm thu phí cách xa đoạn đường nâng cấp mở rộng, thì không công bằng vì có những xe không đi vào đoạn đường nâng cấp mà vẫn phải đóng phí.

TP.HCM muốn vận dụng cơ chế đặc thù lập Quỹ phát triển giao thông vùng Đông Nam Bộ
Mô hình Quỹ phát triển giao thông vùng Đông Nam Bộ được đề xuất như một công cụ, phương án để tổ chức và duy trì nguồn tài chính cho liên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư