Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Hơn 2.150 tỷ đồng công nợ khách hàng của Xây dựng Hòa Bình đã quá hạn
Thanh Thủy - 02/09/2020 09:35
 
Sau nửa đầu năm 2020 không mấy thuận lợi với ngành kinh doanh bất động sản và xây lắp, quy mô các khoản công nợ phải thu quá hạn của Xây dựng Hòa Bình lại tăng thêm 30%.

Nợ quá hạn chiếm 14% tài sản

Đến ngày 30/6/2020, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) có 10.611 tỷ đồng công nợ phải thu, trong đó 5.488 tỷ đồng phải thu khách hàng và hơn 3.990 tỷ đồng phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng. Tuy nhiên, bình quân cứ 5 đồng công nợ thì Xây dựng Hòa Bình lại có 1 đồng nợ quá hạn. So với cuối năm 2019, quy mô nợ quá hạn đã tăng thêm 30% lên 2.150 tỷ đồng.

Nợ quá hạn tăng lên trong khi Xây dựng Hòa Bình  thu hẹp quy mô phải thu cũng như quy mô tài sản. Do đó, tỷ trọng nợ quá hạn ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của doanh nghiệp xây lắp này, đạt hơn 14%  vào cuối quý II.

Nguyên nhân khiến nợ quá hạn tăng không đến từ những “con nợ” lớn cũ. Ngoài 10 doanh nghiệp còn nợ HBC với số dư trên 25 tỷ đồng, nhóm các công ty khác tăng vọt nợ quá hạn từ 878 tỷ đồng lên 1.405 tỷ đồng. Tuy nhiên, số trích lập dự phòng chỉ tăng gần 10 tỷ đồng cho thấy đây là những khoản nợ quá hạn mới phát sinh.

Dư nợ quá hạn của Tập đoàn FLC tại Xây dựng Hòa Bình không thay đổi so với cuối năm trước, vẫn duy trì ở mức 174,6 tỷ đồng (đã trích lập dự phòng 106,75 tỷ đồng). May Lê Trực – chủ đầu tư dự án 8B Lê trực cũng tăng dư nợ quá hạn từ 24,3 tỷ đồng lên 26,9 tỷ đồng. Trong khi, khoản công nợ tại một số đơn vị khác được thanh toán một phần, dù không nhiều.

Lợi nhuận tăng sau soát xét nhưng còn xa kế hoạch đề ra

Theo số liệu công bố tại báo cáo soát xét, kết quả kinh doanh của Xây dựng Hòa Bình đã thay đổi với lợi nhuận đã tăng thêm vài tỷ đồng nhưng lại tương đương mức tăng vài chục phần trăm so với báo cáo tự lập.  

Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận thêm 20 tỷ đồng lên 5.411 tỷ đồng, vẫn giảm 40% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp nhờ đó tăng lên giúp công ty báo lãi sau thuế 9,4 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là hơn 13 tỷ đồng, cao hơn 75% so với con số lãi 7,4 tỷ đồng tự lập trước đó.

Như vậy, so với kế hoạch lợi nhuận sau thuế đề ra, Xây dựng Hòa Bình vẫn chưa đạt được 10% dù đã đi được nửa chặng đường. Tác động của dịch Covid-19 đã khiến doanh nghiệp xây lắp này phải đặt ra kế hoạch kinh doanh rất thận trọng với mục tiêu doanh thu của công ty là 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 125 tỷ đồng, biên lợi nhuận giảm còn 1%. 

Theo thông tin công bố gần đây, công ty cho biết đã trúng nhiều gói thầu thi công các dự án. Như vào trung tuần tháng 7, Xây dựng Hòa Bình cho biết đã được giao 4 gói thầu với tổng giá trị 1.456 tỷ đồng bao gồm 2 khách sạn, 1 nhà máy sản xuất và 1 trung tâm thương mại. Gói thầu 771 tỷ đồng tại dự án Swan Bay Le Centre  và gói 220 tỷ đồng thi công 150 căn Zone 2 trong dự án Aqua City Hạ Long của BIM Group, gói thầu xây dựng tại khu du lịch quốc tế Đồi Rồng của chủ đầu tư CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (thuộc Geleximco) cũng được giao cho doanh nghiệp này. 

Xây dựng Hòa Bình còn là một trong các đơn vị liên danh tham gia dự thầu Dự án thành phàn đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm- Vĩnh Hảo. Trong khi, thế mạnh của Xây dựng Hòa Bình trước nay là hoạt động xây lắp các bất động sản nhà ở. Việc tham gia vào các dự án hạ tầng như dự án PPP trên là điều còn mới mẻ với công ty.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư