Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hơn 600 doanh nghiệp đã đăng ký nhận hỗ trợ của dự án USAID IPSC
Như Loan - 30/06/2022 14:10
 
Chính thức mở cổng đăng ký từ ngày 18/1/2022 đến nay đã có hơn 600 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đăng ký tham gia các gói hỗ trợ của Dự án USAID IPSC.

Hàng trăm lượt doanh nghiệp đã được tham gia các hoạt động tư vấn 1:1 với các chuyên gia “thực chiến”, tập huấn chuyên sâu, kết nối kinh doanh… Ngày 30/6, dự án sẽ bắt đầu xét duyệt các doanh nghiệp được nhận hỗ trợ đợt 2 năm 2022 (1/4 – 30/6/2022).

Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC), với tổng ngân sách 36 triệu USD, hiện là dự án hỗ trợ kỹ thuật dành cho khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam lớn nhất của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19, nâng cao năng lực về quản trị, công nghệ, tiếp cận tài chính, đổi mới sáng tạo, tiếp cận thị trường và thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. IPSC đặt mục tiêu hỗ trợ 5.000 doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng.

USAID IPSC chính thức khởi động và mở cổng đăng ký nhận hỗ trợ từ ngày 18/1/2022. Tuy nhiên, dự án sẽ có nhiều đợt xét duyệt nhận hỗ trợ khác nhau, gồm đợt 1 là tháng 4, đợt 2 là tháng 7 và đợt xét duyệt tiếp theo sẽ là tháng 11/2022.

Trong năm 2022, USAID IPSC cung cấp 6 gói hỗ trợ khác nhau cho doanh nghiệp dựa trên mục tiêu chung của dự án và nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, gồm gói “Thích ứng và Tăng trưởng”, “Mở rộng thị trường”, “Nâng tầm giá trị Việt”, “Tăng cường năng lực tài chính”, “Số hoá hoạt động doanh nghiệp”, và gói cao cấp “Giá trị Việt vươn ra thế giới” dành cho các doanh nghiệp tiên phong.

Hơn 600 lượt doanh nghiệp đăng ký

Tính đến ngày 30/6, ngày cuối cùng trước khi dự án bắt đầu đợt xét duyệt hỗ trợ thứ 2, đã có gần 700 doanh nghiệp đăng ký nhận hỗ trợ của dự án.

Với 6 gói hỗ trợ kỹ thuật được dự án cung cấp, các doanh nghiệp quan tâm có thể được lựa chọn đăng ký tối đa tham gia 02 gói theo thứ tự ưu tiên và nhu cầu thực tiễn.

Gói hỗ trợ “Mở rộng thị trường” đã nhận được gần 400 lượt doanh nghiệp đăng ký tham gia, đứng đầu trong mối quan tâm của doanh nghiệp trong thời kỳ hậu Covid-19. Gần 300 lượt doanh nghiệp đăng ký gói hỗ trợ “Tăng cường năng lực tài chính”; gần 200 lượt doanh nhiệp đăng ký gói “Thích ứng & Tăng trưởng”, 150 lượt doanh nghiệp đăng ký gói “Số hoá hoạt động doanh nghiệp, và 150 doanh nghiệp quan tâm đến gói hỗ trợ “Nâng tầm giá trị Việt”.

Các doanh nghiệp tham gia Workshop chuyên đề thương mại quốc tế và dịch vụ logistics, trong khuôn khổ Dự án USAID IPSC tổ chức vào tháng 5/2022
Các doanh nghiệp tham gia Workshop chuyên đề thương mại quốc tế và dịch vụ logistics, trong khuôn khổ dự án USAID IPSC tổ chức vào tháng 5/2022

Đặc biệt đã có gần 180 doanh nghiệp quan tâm đăng ký nhận gói hỗ trợ kỹ thuật “đo ni đóng giày” dành cho doanh nghiệp tiên phong. Đó là các gói hỗ trợ tổng thể, chuyên biệt để tạo ra sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng và trí tuệ của người Việt Nam, định vị thương hiệu sản phẩm “Made by Viet Nam” trên thị trường quốc tế.

Đại diện nhiều đơn vị tham gia cho biết, sức hấp dẫn của dự án đến từ các gói hỗ trợ được thiết kế theo nhu cầu và thách thức của từng doanh nghiệp, tạo cơ hội để doanh nghiệp lựa chọn theo thực trạng kinh doanh và định hướng tương lai.

Hàng trăm lượt doanh nghiệp đã được hưởng lợi

Trước đó, trong đợt xét duyệt nhận hỗ trợ lần 1 (tháng 4/2022), đã có gần 400 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Và từ đầu tháng 5/2022, hàng trăm doanh nghiệp đã bắt đầu được nhận các hỗ trợ kỹ thuật từ dự án.

Theo đó, dự án đã cung cấp các chuyên gia cung cấp các đào tạo và tập huấn chuyên sâu theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Sau đào tạo và tập huấn, các chuyên gia của dự án đã trực tiếp tư vấn chuyên sâu cho từng doanh nghiệp nhằm hỗ trợ trực tiếp họ trong việc ứng dụng thành công các nội dung tập huấn vào thực tế doanh nghiệp cũng như giải quyết các vấn đề theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Dự án đã cung cấp các khoá tập huấn chuyên sâu gồm: Ứng dụng thương mại điện tử, Quản lý nguồn nhân lực linh hoạt; Phương pháp tiếp cận nguồn vốn từ quỹ đầu tư, ngân hàng và công ty cho thuê tài chính, số hoá hoạt động doanh nghiệp dành cho lãnh đạo và chuyên gia công nghệ của doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, dự án cũng tổ chức nhiều chương trình đào tạo trực tiếp tại các tỉnh, thành, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hiệp hội địa phương trực tiếp tham gia và kết nối với chuyên gia đầu ngành. Tại hội thảo “Phòng tránh rủi ro trong thương mại quốc tế và dịch vụ logistics để nâng cao hiệu quả kinh doanh" tổ chức ngày 31/5 tại Hải Phòng, các doanh nghiệp đã được ông Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, và ông Nguyễn Tương, Cố vấn cấp cao của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), trực tiếp tư vấn giải đáp các thắc mắc và vấn đề gặp phải trong kinh doanh.

Tương tự, trong ngày 28/6, dự án đã tổ chức khoá tập huấn “Tổng quan về các yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính và cơ chế các-bon: Thách thức và giải pháp ban đầu cho doanh nghiệp” nhằm trang bị cho các doanh nghiệp những kiến thức có hệ thống, xây dựng chiến lược nhằm chuẩn bị đáp ứng yêu cầu giảm phát thải của các thị trường có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận thị trường, sản xuất của doanh nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp: Hóa giải các thách thức
Đầu tuần, phòng họp lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại sáng đèn đón đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và đại diện các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư