Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Hơn 7 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu sang Nhật được ưu đãi thuế
Thế Hải - 05/05/2022 15:55
 
Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản hơn 20 tỷ USD, trong đó 7,12 tỷ USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định CPTPP, AJFTA và VJFTA.
Trái cây
Tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi theo các FTA đối với rau quả xuất sang Nhật Bản đạt cao, gần 69%, tương đương khoảng 130 triệu USD kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản năm 2021 đạt 20,1 tỷ USD, chiếm 6% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới

Trong số 20,1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2021 sang Nhật Bản, Việt Nam đã cấp C/O ưu đãi (mẫu AJ, VJ và CPTPP) cho lượng hàng hóa trị giá 7,12 tỷ USD, tương đương tỷ lệ sử dụng ưu đãi là 35,36%

Theo Bộ Công thương, một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ sử dụng ưu đãi này chưa cao là do quy tắc xuất xứ AJCEP, VJEPA cũng như CPTPP được coi là chặt nhất trong số các FTA mà Việt Nam đã ký với đối tác. Đây cũng là các FTA đã có hiệu lực duy nhất tính đến thời điểm này áp dụng quy tắc từ vải hoặc từ sợi trở đi đối với hàng dệt may của Việt Nam.

Tuy nhiên, một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi AJCEP, VJEPA và CPTPP trong năm 2021 tốt có thể kể đến như: rau quả (68,55%), nhựa và sản phẩm nhựa (89,31%), giày dép (90,2%).

Tận dụng ưu đãi thuế quan hiệu quả nhất theo các FTA đang có hiệu lực với Nhật Bản trong năm qua là dệt may. Theo đánh giá, mặc dù quy tắc xuất xứ hàng dệt may trong AJCEP, VJEPA và CPTPP rất chặt, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vẫn tận dụng rất tốt ưu đãi từ các Hiệp định này.

Các doanh nghiệp dệt may đã tìm hiểu các quy định trong từng hiệp định để bằng cách sử dụng nguyên liệu (chủ yếu là vải) của Nhật Bản để sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Năm 2021, cơ cấu nhập khẩu vải của ngành dệt may trong năm qua có khoảng 671 triệu USD từ các thị trường CPTPP.

Do đó, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi đối với hàng dệt may xuất khẩu sang Nhật Bản đạt mức 79,17% với kim ngạch 2,56 tỷ USD. Năm qua, xuất khẩu hàng dệt may sang Nhật Bản giảm 8,3% so với cùng kỳ đạt 3,23 tỷ USD, vì ảnh hưởng của đại dịch. 

Với 90,2% hàng xuất khẩu sử dụng C/O ưu đãi đi Nhật, giày dép cũng là ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu hưởng ưu đãi lên tới 710 triệu USD, tương tự nhựa và sản phẩm nhựa khoảng 640 triệu USD, rau quả hơn 130 triệu USD..

Dự báo, năm 2022, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cho hàng hóa xuất sang Nhật Bản sẽ tăng cao do Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) đã đi vào thực thi từ đầu năm nay. 

RCEP là FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia với các nước ASEAN và 5 đối tác kinh tế ngoài ASEAN là Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc. Như vậy, với thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp có thêm một sự lựa chọn sử dụng C/O theo FTA nào để có ưu đãi thuế quan tốt nhất cho ngành hàng xuất khẩu của mình.

RCEP tạo thêm lựa chọn mới cho doanh nghiệp Việt
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, mở ra thị trường vô cùng đa dạng, tạo thời cơ cho doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư