Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Hơn một năm sau IPO, Tôn Đông Á "thất hẹn" sàn HoSE, tính đường sang UPCoM
- 06/04/2023 14:05
 
Kế hoạch niêm yết trên sàn HoSE doanh nghiệp Tôn Đông Á từng đề ra với các nhà đầu tư không thể thực hiện do doanh nghiệp ngành tôn lỗ đậm trong năm 2022.
Kinh doanh thua lỗ trong năm 2022, Tôn Đông Á không thỏa mãn điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán
Kinh doanh thua lỗ trong năm 2022, Tôn Đông Á không thỏa mãn điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán.

Trong tháng 4/2023, Công ty cổ phần Tôn Đông Á sẽ tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua việc dừng kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch TP.HCM (HoSE) và chuyển sang thực hiện đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Giải trình tới các cổ đông về lý do lên sàn UPCoM, ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch HĐQT Tôn Đông Á cho biết nền kinh tế trong nước năm 2022 phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chịu áp lực lớn từ biến động khó lường của kinh tế thế giới, dẫn đến kết quả kinh doanh toàn ngành nói chung và Tôn Đông Á nói riêng không đợc khả quan.

"Công ty chưa đáp ứng được các điều kiện niêm yết cổ phiếu theo quy định tại điểm a và điểm c Khoản 1 Điều 109 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP", lãnh đạo công ty cho biết.

Năm 2022, doanh thu hợp nhất của Tôn Đông Á đạt 21.680 tỷ đồng, giảm 14,3% so với mức doanh thu vượt tỷ đô đạt được năm liền trước. Dù vậy, doanh nghiệp này vẫn đứng vững vị trí thứ hai về thị phần về tôn mạ kim loại và tôn phủ màu, thậm chí còn là bên lấy thêm được nhiều thị phần từ Top 1 khi Hoa Sen giảm mạnh sản lượng tiêu thụ.  

Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp sụt giảm đã khiến doanh nghiệp ngành tôn này cũng rơi vào trạng thái thua lỗ. Tổng giám đốc Hồ Song Ngọc cho biết trong năm 2022 giá nguyên vật liệu chính thép biến động giảm liên tục, tình hình biến động kinh tế thế giới đẩy giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao, dẫn đến chi phí vận chuyển hàng hóa tăng đáng kể. Đồng thời biến động tỷ giá và lãi suất ngân hàng tăng cao so với năm trước là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế âm 276,5 tỷ đồng. Không thua lỗ trong niên độ tài chính liền trước cũng là một trong điều kiện tiên quyết để niêm yết trên sàn HoSE.

Ngay đầu tháng 4 vừa qua, HoSE cũng đã thông báo ngừng việc xem xét hồ sơ niêm yết của Công ty Cổ phần Tôn Đông Á. Trường hợp Công ty nộp lại hồ sơ, Sở này sẽ thực hiện xem xét hồ sơ lại từ đầu.

Tôn Đông Á đã trở thành công ty đại chúng kể từ sau đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng hoàn tất vào tháng 3/2022. Cụ thể, công ty chào bán 15,35 triệu cổ phiếu ra công chúng; bao gồm 12,37 triệu cổ phiếu phát hành thêm và 2,98 triệu cổ phiếu do cổ đông chào bán ra với giá tối thiểu 40.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá khởi điểm thực tế đã điều chỉnh giảm so với phương án ban đầu do tình hình thị trường chứng khoán khoảng thời gian đó khá tiêu cực. Kết thúc đợt chào bán, có 16,46 triệu cổ phiếu đăng ký mua, vượt 7,2% so với lượng cổ phiếu chào bán. Quy mô vốn điều lệ của Tôn Đông Á đã tăng từ 1.023 tỷ đồng lên 1.147 tỷ đồng với số vốn huy động được từ đợt phát hành cổ phiếu là 495 tỷ đồng. 

Ngày 21/4, công ty đã được cấp mã chứng khoán GDA. Đồng thời, cùng tháng, công ty thực hiện nộp hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022,  công ty đã trình và được cổ đông thông qua phương án niêm yết cổ phiếu ngay trong năm 2022. 

Việc chậm trễ chào sàn sau gần một năm nộp hồ sơ khiến hồ sơ hiện tại của Tôn Đông Á không còn thỏa mãn điều kiện. Trong khi đó, quy định hiện hành yêu cầu các công ty đại chúng cần đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch phi tập trung. Sàn UPCoM do đó là phương án được trình trong đợt lấy ý kiến cổ đông lần này. 

Nghịch lý, nhiều nhà đầu tư Tôn Đông Á khóc ròng khi giá IPO giảm 31%
Họ là những người đã tham gia mua pre IPO từ tay các cổ đông nội bộ, cán bộ công nhân viên với mức giá 58.000 đồng, bằng với mức giá khởi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư