Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Hướng dẫn mới nhất về tiêm vắc-xin Covid-19
D.Ngân - 14/05/2024 11:16
 
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị rà soát lại tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn, các đối tượng cần tiêm vắc-xin Covid-19 để nghiên cứu đề xuất nhu cầu vắc-xin phòng Covid-19 trong thời gian tới.

Ngày 19/10/2023, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3896/QĐ-BYT điều chỉnh phân loại Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

Ảnh minh họa.

Hiện nay Covid-19 được kiểm soát, quản lý bền vững theo Quyết định số 3984/QĐ-BYT ngày 29/10/2023 của Bộ Y tế, trong đó tiêm vắc-xin là một trong những nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn 2023-2025.

Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận.

Tháng 11/2023, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đưa ra khuyến cáo cập nhật về các đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong thời gian tới.

Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh Covid-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, trên cơ sở khuyến cáo của nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới và Hội đồng tư vấn sử dụng vắc-xin của Bộ Y tế; Bộ Y tế đề nghị các đối tượng triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 bao gồm: Cán bộ y tế; người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền; người trên 18 tuổi chưa tiêm mũi nào; phụ nữ có thai.

Liều tiêm: Nếu chưa tiêm liều nào thì tiêm ngay 1 liều, nếu đã tiêm thì tiêm thêm 1 liều cách liều trước đó từ ít nhất 6 tháng bằng vắc-xin được Bộ Y tế cấp phép sử dụng.

Đối với phụ nữ có thai tiêm 1 liều vào mỗi thai kỳ và tiêm vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, ưu tiên tiêm vào giai đoạn giữa của thai kỳ.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị rà soát lại tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn, các đối tượng cần tiêm theo hướng dẫn nêu trên để nghiên cứu đề xuất nhu cầu vắc-xin phòng Covid-19 trong thời gian tới và gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để được cung ứng kịp thời và tổ chức triển khai tiêm chủng theo kế hoạch của địa phương.

Được biết vắc-xin Covid-19 vẫn được tiêm miễn phí bởi các cơ sở y tế.

Liên quan đến vắc-xin Covid-19, AstraZeneca mới đây đã thừa nhận vắc-xin Covid-19 của mình có thể gây ra tác dụng phụ hiếm gặp, gây ra các cục máu đông. Đây là nguyên nhân gây tắc mạch máu, dẫn đến suy giảm trí nhớ, đau đầu, đau tim, thậm chí đột quỵ.

Tại Việt Nam, AstraZeneca là vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm đầu tiên và nhiều nhất. Thừa nhận gần đây của hãng dược phẩm này khiến không ít người hoang mang vì đã tiêm từng tới 2 mũi vắc-xin AstraZeneca.

Thậm chí, trên mạng xã hội, một số ý kiến còn cho rằng những ai từng tiêm vắc-xin này nên đi xét nghiệm D-dimer hoặc các xét nghiệm đông máu khác để yên tâm.

D-dimer là một xét nghiệm sinh hóa, được dùng để kiểm tra tình trạng huyết khối trong máu. Tuy nhiên, theo một số bác sĩ, việc làm này là không cần thiết, hoàn toàn sai lầm, không có cơ sở khoa học, tốn thời gian và tốn tiền.

Bác sĩ cho hay tác dụng phụ gây đông máu và giảm tiểu cầu ở vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca chỉ xảy ra với xác suất rất thấp. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ người bị tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin hãng này là rất hiếm.

Bên cạnh đó, D-dimer sinh ra trong quá trình cục máu đông trong cơ thể phân hủy và tan rã. Quá trình tạo và tan cục máu đông diễn ra liên tục, không ngừng nghỉ.

Có 2 tình huống nếu một người gặp tác dụng phụ gây đông máu sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca. Trường hợp đầu tiên là cục máu đông lớn, gây biến cố như tắc mạch chi, tắc mạch phổi, đột quỵ nhồi máu cơ tim... Lúc này, người bệnh có thể biết ngay mình cótác dụng phụ của vắc-xin AstraZeneca.

Trường hợp 2 là cục máu đông nhỏ. Lúc này, cục máu đông sẽ tan dần, thường sau tối đa 4 tuần là không còn nữa. Khi cục máu đông phân hủy, nó sẽ sinh ra D-dimer trong máu.

Do đó, việc xét nghiệm D-dimer thời điểm hiện tại không có ý nghĩa gì để đánh giá tác dụng gây huyết khối và giảm tiểu cầu ở người đã tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca.

Việc xét nghiệm có thể có ý nghĩa nếu mọi người làm xét nghiệm trong vòng 6-8 tuần sau khi tiêm. Ngoài ra, xét nghiệm D-dimer chỉ có chỉ số cao đối với các bệnh nhân tắc tĩnh mạch chi, tắc mạch phổi, đông máu rải rác động mạch hoặc đột quỵ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho hay, người dân đã tiêm vắc-xin cách đây 2 năm không cần quan tâm về tác dụng phụ này nữa, bởi chúng chỉ xảy ra trong vòng 90 ngày sau tiêm.

Ông cũng cho hay một người bình thường vẫn có hiện tượng tăng đông, ví dụ khi bị nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, cũng gây tiểu cầu thấp. Người dân không nên khi gặp trường hợp này lại "đổ thừa" cho việc từng tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca.

"Nếu quá lo sợ, bạn có thể đi tầm soát bệnh đột quỵ để theo dõi các chỉ số mỡ máu, huyết áp. Khi có hiện tượng tắc mạch, người dân phải khám chuyên sâu hơn", bác sĩ Khanh chia sẻ.

Bệnh dại tăng cao, người dân vẫn thờ ơ với tiêm vắc-xin
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, cả nước ghi nhận 29 ca tử vong do bệnh dại tại 17 tỉnh, thành phố (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư