Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới: Bài học từ Hàn Quốc
Thanh Huyền - 08/05/2017 16:49
 
Phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đang đứng trước thách thức lớn khi việc tìm kiếm nguồn vốn ngày càng khó khăn. Bài học thành công từ phong trào xây dựng nông thôn mới Saemaul Undong của Hàn Quốc được nêu tại Hội thảo khoa học “Quản lý và sử dụng nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới” do Học viện Phụ nữ Việt Nam và Hội Khoa học kinh tế Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức có thể coi là điển hình để Việt Nam học hỏi.

Bài học thành công từ phong trào Làng mới - Saemaul Undong

Trao đổi tại cuộc Hội thảo “Huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới” diễn ra ngày 7/5 tại Học viện Phụ nữa Việt Nam, PGS.TS. Quyền Đình Hà đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, phong trào nông thôn Saemaul Undong ra đời năm 1970 do đích thân Tổng thống phát động.

Là đất nước nghèo về tài nguyên và khoáng sản, khí hậu không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, Hàn Quốc là nước chậm phát triển với thu nhập bình quân là 87 USD/người năm 1962.

Hàn Quốc bắt đầu thực hiện công nghiệp hóa từ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1962 - 1971). Sau 2 kế hoạch 5 năm, chủ trương tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp chưa chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh đối nghịch với nông thôn lạc hậu, kém phát triển dẫn đến người dân nông thôn tàn phá rừng lấy đất sản xuất lương thực, dân nông thôn đổ ra thành thị kiếm việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tệ nạn xã hội gia tăng, gia tăng cách biệt nông thôn và thành thị.

Hội thảo Huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới (Ảnh: K.T)
Hội thảo Huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới (Ảnh: K.T)

Phong trào Saemaul Undong ra đời khi Chính phủ Hàn Quốc nhận thức rằng nếu nông dân không có niềm tin vào tương lai thì tất cả mọi nỗ lực và cố gắng của Chính phủ đều vô ích.

Trong bối cảnh nguồn lực tài chính của Chính phủ hạn hẹp, các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc nhận thấy rằng người dân tuy nghèo nhưng nếu biết huy động nguồn lực từ số đông người dân và huy động dần từng bước vẫn có thể huy động được một lượng vốn không nhỏ.

Để huy động nguồn lực tài chính từ người dân, cần thực hiện bằng được phương thức dân chủ, xác định đúng vai trò của người dân tạo động lực cho người dân trong xây dựng Làng mới. Người dân tự lực và hợp lực là chính, Nhà nước chỉ hỗ trợ mang tính khởi đầu và động viên khen thưởng.

Hàn Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp cụ thể, bao quát là để người dân tham gia vào quá trình ra quyết định; trao quyền ra quyết định cho cộng đồng làng; họp dân của mỗi làng để bàn bạc và chọn công trình ưu tiên làm trước; hàng tháng lãnh đạo các làng được mời tham gia họp với Chính phủ; định kỳ đánh giá kết quả thực hiện phong trào của các làng theo tiêu chu ẩn rõ ràng; thực hiện động viên, thưởng phạt công minh, kích thích sự tự hào, tự tin của cộng đồng làng.

Đến năm 1980, bộ mặt nông thôn Hàn Quốc đã hoàn toàn thay đổi với đầy đủ điện, đường, nước sạch, công trình văn hóa… Saemaul Undong từ phong trào ở nông thôn đã lan ra thành phong trào đổi mới toàn xã hội Hàn Quốc.

Đến cuối thập kỷ 1990, sau khi triển khai giai đoạn 2, phong trào Làng mới đã đạt kết quả theo các mục tiêu đề ra, kinh tế phát triển vững chắc, thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn ngang bằng và có nơi cao hơn người dân thành phố, PGS.TS. Quyền Đình Hà cho biết.

Giải pháp nào cho Việt Nam?

PGS.TS. Quyền Đình Hà cho rằng, những bài học bổ ích về huy động nguồn lực tài chính trong cộng đồng người nông thôn theo phong trào Làng mới của Hàn Quốc là những gợi ý quý báu để Việt Nam nghiên cứu giải pháp phù hợp cho công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.

PGS.TS. Quyền Đình Hà đưa ra kiến nghị, việc huy động nguồn lực tài chính từ nhân dân phải thực hiện từng bước, không nóng vội chạy theo thành tích để huy động cao trong thời gian ngắn, quá sức dân. Đồng thời, công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn lực tài chính để tăng lòng tin của nhân dân, hằng năm sơ kết, đánh giá và có hình thức động viên khen thưởng cộng đồng các thôn/bản, cá nhân những người dân có thành tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

GS.TS. Phạm Thị Mỹ Dung thuộc Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và PTNT Việt Nam bổ sung thêm, cần tăng cường các nguồn thu cho ngân sách Nhà nước (NSNN), đồng thời thực hiện quản lý ngân sách theo trung hạn, xây dựng kế hoạch ngân sách từ 3 - 5 năm trên cơ sở dự báo các yếu tố vĩ mô, các chính sách thu, chi NSNN để dự báo thu, chi NSNN trung hạn làm cơ sở cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và Chương trình xây dựng nông thôn mới nói riêng.

TS. Nguyễn Thị Minh Phượng, Giảng viên Trường Đại học Vinh đánh giá, để huy động vốn cho xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam, cần thực hiện toàn diện 6 vấn đề.

Một là, tăng cường bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ cơ sở. Thứ hai, cần phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới. Thứ ba, phải thu hút các doanh nghiệp, tổ chức kình tế, xã hội tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới. Bổn là, tăng cường tuyên truyền, vận động và phối hợp giữa các tổ chức, đoàn thể. Năm là, xây dựng mô hình quản lý, vận hành công trình khi hoàn thành đì vào sử dụng. Cuối cùng, cần tạo lập sự công bằng trong đóng góp và minh bạch trong quản lý sử dụng nguồn lực.

* Hội thảo khoa học “Quản lý và sử dụng nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới” do Học viện Phụ nữ Việt Nam và Hội Khoa học kinh tế Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức.
* Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học uy tín từ Hội Khoa học kinh tế Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Chính sách và Phát triển...
Cho vay xây dựng nông thôn mới: Ngân hàng vẫn “kẹt” tài sản thế chấp
Mấy năm gần đây, dòng tín dụng đổ vào nông thôn đã khiến cơ cấu ngành nghề và phương thức sản xuất nông nghiệp nhiều địa phương thay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư