Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Huyện Thanh Hà (Hải Dương): Bức tranh kinh tế - xã hội nhiều khởi sắc
Thanh Sơn - 02/01/2023 10:50
 
Bằng nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, huyện Thanh Hà đã thu được những kết quả rất tích cực trong năm 2022.
Vải thiều Thanh Hà là sản phẩm thế mạnh của tỉnh Hải Dương 	Ảnh: Thành Chung
Vải thiều Thanh Hà là sản phẩm thế mạnh của tỉnh Hải Dương Ảnh: Thành Chung

Hoàn thành và vượt kế hoạch 21/22 chỉ tiêu

Ông Trịnh Văn Thiện, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà cho biết, năm 2022, kinh tế của huyện phát triển và khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực. Huyện đã hoàn thành và vượt kế hoạch 21/22 chỉ tiêu đề ra (có 15 chỉ tiêu vượt).

Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 954,868 tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm 2021; trong đó, thu trên địa bàn đạt 459 tỷ đồng, tăng 3,2%. Thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 63,9 triệu đồng. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 220 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,57%. Toàn huyện có 1.800 lao động được giải quyết việc làm mới.

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn huyện đạt 292/361 lượt tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 15,36/19 tiêu chí. Trong đó, có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã đạt 16/19 tiêu chí; 5 xã đạt 15/19 tiêu chí và 7 xã đạt từ 11-14/19 tiêu chí. Huyện đã cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường; hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình hạ tầng du lịch sinh thái sông Hương. Chất lượng giáo dục được duy trì; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt trên 95%, đạt chỉ tiêu đề ra.Một số chỉ tiêu phát triển năm 2023 của huyện Thanh Hà

Một số chỉ tiêu phát triển năm 2023 của huyện Thanh Hà

 - Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt 1.831,8 tỷ đồng.

- Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 5.075 tỷ đồng.
- Giá trị sản xuất các ngành thương mại, dịch vụ đạt 3.580 tỷ đồng.
- Thu ngân sách trên địa bàn đạt 435,4 tỷ đồng.
- Thu nhập bình quân đầu người đạt 67,1 triệu đồng.
- Giá trị thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt, nuôi thủy sản đạt 214,6 triệu đồng.
- Có thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,95%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 96,9%.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, sản lượng vải của huyện năm 2022 đạt 42.060 tấn (tăng khoảng 5.000 tấn so với năm 2021). Vải sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Mỹ, Australia, Anh, Trung Quốc. Giá trị sản xuất theo giá thị trường đạt 1.360 tỷ đồng (tăng 200 tỷ đồng so với vụ vải năm 2021).

Nông dân Thanh Hà đã tích cực áp dụng chuyển đổi số để nâng cao chất lượng và tiêu thụ nông sản. Đây cũng là địa phương điển hình áp dụng mạnh mẽ công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều hộ nông dân đã đưa vải thiều Thanh Hà, ổi Liên Mạc, bưởi đào Thanh Hồng lên “chợ điện tử” Lazada, Sendo, Voso... Người dân cũng khai thác hiệu quả mạng xã hội để quảng bá, chào hàng nông sản.

Ngoài việc duy trì 420 ha đã được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP theo đề án của tỉnh, huyện tiếp tục quy hoạch mở rộng sản xuất thêm 30 ha vải sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, 50 ha vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, nâng diện tích vải đạt tiêu chuẩn VietGAP lên 450 ha; diện tích vải đạt tiêu cuẩn GlobalGAP đạt 101 ha. Huyện có 51 vùng sản xuất vải đã được cấp 185 mã số vùng trồng.

Ngoài cây vải, các cây ăn quả khác đang được mở rộng diện tích và áp dụng theo quy trình VietGAP như cây ổi (1.850 ha), bưởi (230 ha), quất (370 ha), chuối... Năm 2023, huyện sẽ mở rộng thêm 335 ha cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP tại 15 xã, thị trấn.

Khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển

Năm 2023 được xác định là năm bản lề để hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ  huyện và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội huyện Thanh Hà giai đoạn 2021 - 2025. Ông Vũ Việt Anh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, huyện sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh sẵn có và chú trọng phát triển vùng cây ăn quả nổi tiếng như vải, ổi, bưởi; mở rộng các loại hình dịch vụ, du lịch miệt vườn, du lịch sông Hương; nâng tầm sản xuất, tạo ra vùng sản xuất rươi, cáy tập trung có thương hiệu đặc sản riêng.

Đồng thời, tập trung triển khai, thực hiện Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh; Đề án Phát triển vùng cây ăn quả sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, gắn với du lịch sinh thái xuất khẩu của huyện; tập trung hoàn thiện hồ sơ công nhận xã NTM nâng cao đăng ký năm 2022 và triển khai kế hoạch xây dựng chương trình NTM, kế hoạch phát triển thương hiệu OCOP.

Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp và Khu du lịch sinh thái Sông Hương; sớm triển khai Dự án Cải tạo, nâng cấp đường 390 và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nút giao lên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thuộc địa phận xã Vĩnh Lập.

“Thanh Hà sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM của huyện và xã theo hướng đồng bộ, hiện đại, làm thay đổi cuộc sống của người dân;  nghiên cứu, tham mưu với tỉnh có cơ chế, điều kiện thuận lợi, hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp đầu tư; khai thác, sử dụng có hiệu quả các cụm công nghiệp đã được quy hoạch, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo tiền đề để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh. Huyện sẽ ưu tiên cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghệ chế biến sau thu hoạch”, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà nhấn mạnh.

Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương: Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện
Năm 2022, Uỷ ban MTTQ các cấp tỉnh Hải Dương đã triển khai các hoạt động giám sát, phản biện hướng vào các lĩnh vực, vấn đề có tác động,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư