Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 12 tháng 08 năm 2024,
Huỳnh Trọng Văn, Đồng sáng lập, CEO Công ty cổ phần Y tế TVT: Tìm lại vẻ đẹp và sự tự tin cho người khiếm khuyết
Nhung Bùi - 28/07/2024 08:58
 
Không đặt nặng yếu tố lợi nhuận, anh Huỳnh Trọng Văn mong muốn dự án tay, chân thẩm mỹ của mình sẽ xoa dịu nỗi đau mất mát, để những người khiếm khuyết tự tin hơn trong cuộc sống.
- Huỳnh Trọng Văn, Đồng sáng lập, CEO Công ty cổ phần y tế TVT
Huỳnh Trọng Văn, Đồng sáng lập, CEO Công ty cổ phần Y tế TVT

Một dự án nhân văn

Khi anh Huỳnh Trọng Văn đăng lên mạng xã hội bức ảnh một người mẹ chụp cùng hai em bé, đôi bàn tay của người mẹ đặt lên vai các con, rất nhiều người không nhận ra bàn tay phải của người mẹ là tay giả. Hình dáng bàn tay, từng khớp ngón tay cho đến màu da của đôi tay giả trông gần như thật, nếu bỏ qua một đường kẻ ngang chỗ cổ tay - điểm nối giữa phần tay thật và bàn tay giả.

Bàn tay giả này là sản phẩm của Công ty cổ phần Y tế TVT (Công ty TVT), do anh Văn và 2 người bạn cùng sáng lập. Chia sẻ với Báo Đầu tư, CEO sinh năm 1982 cho biết, các sản phẩm do Công ty TVT tự nghiên cứu, sản xuất, được làm hoàn toàn bằng silicon y tế nhập khẩu từ Mỹ, đạt các chứng nhận an toàn cho bệnh nhân.

Mỗi sản phẩm được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân với từng loại tổn thương khác nhau, từ một ngón tay, một ngón chân cho đến cả bàn tay, bàn chân. Là sản phẩm thủ công, nên các nếp nhăn, tĩnh mạch, vân tay, đường nét đốt ngón tay, móng tay… được tùy chỉnh phù hợp với bệnh nhân, đảm bảo giúp người đeo cảm thấy thật nhất.

Sứ mệnh chúng tôi đặt ra là tìm lại một phần cơ thể bị mất cho khách hàng, trả lại vẻ đẹp hoàn hảo trước đây để họ tự tin hòa nhập cộng đồng.

- Huỳnh Trọng Văn, Đồng sáng lập, CEO Công ty cổ phần Y tế TVT

Anh Văn cho biết, từ trước đến nay, đa số sản phẩm tay, chân thẩm mỹ tại Việt Nam được nhập khẩu từ nước ngoài, giá bán lên tới 8 - 10 triệu đồng cho một ngón tay. Tuy nhiên, khi đứng ra sản xuất, Công ty TVT đặt mục tiêu đưa giá bán về mức chỉ bằng khoảng 30% giá sản phẩm nhập khẩu. “Ở mức giá này, doanh nghiệp đủ chi phí để duy trì hoạt động, trong khi người khiếm khuyết cũng cảm thấy thoải mái và sẵn sàng sử dụng,” anh Văn nói.

Theo thống kê, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số. Khác với sản phẩm bàn tay robot có giá bán hàng trăm triệu đồng, bàn tay thẩm mỹ do anh Văn cùng đội ngũ làm ra chủ yếu hướng đến tạo hình thẩm mỹ, lấy lại vận động một phần cơ bản cho bệnh nhân, xóa bỏ cảm giác tự ti cho người khuyết tật hay những người bị tai nạn lao động. Sản phẩm bước đầu có thể phục vụ mục đích cầm nắm vật nhẹ và đang được nghiên cứu sâu hơn để tiến tới cầm nắm vật nặng, làm việc nhà cơ bản.

“Sứ mệnh chúng tôi đặt ra là tìm lại một phần cơ thể bị mất cho khách hàng, trả lại vẻ đẹp hoàn hảo trước đây để họ tự tin hòa nhập cộng đồng,” anh Văn chia sẻ.

Sẵn sàng lan tỏa công nghệ

Sáng lập và điều hành một vài công ty công nghệ trong 20 năm qua, song anh Văn quyết định rút lui khỏi tất cả các dự án để tập trung hoàn toàn vào dự án tay, chân thẩm mỹ. Tên công ty được đặt là TVT, ghép từ tên của các thành viên sáng lập, trong đó anh Văn là nhà sáng lập chính và đảm nhận vị trí CEO.

Chia sẻ về quyết định của mình, anh Văn kể, trước đó, anh từng tham gia Dự án Tổng đài OxyMap, triển khai các trạm oxy trên địa bàn TP.HCM để hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân trong giai đoạn Covid-19. Sau này, càng tiếp xúc với các bác sĩ, anh càng được chia sẻ nhiều hơn về câu chuyện nơi phòng bệnh, đặc biệt là vấn đề tai nạn lao động khiến nhiều người mất đi một phần cơ thể. “Đa số những bệnh nhân này đều là người thu nhập thấp, khi nghe đến chi phí lắp chi giả nhập khẩu từ nước ngoài, họ sẽ tự động bỏ qua,” anh Văn nói.

Không bị gánh nặng “cơm - áo - gạo - tiền” đè nặng, tháng 4/2023, anh mạnh dạn bắt tay nghiên cứu dự án tay chân thẩm mỹ làm từ silicon. Được sự hướng dẫn của các bác sĩ, kết hợp tìm hiểu thêm tài liệu nước ngoài, tháng 1/2024, anh Văn và đội ngũ của mình chính thức hoàn thiện sản phẩm. Sau quá trình xin giấy phép từ Bộ Y tế, đến nay, sản phẩm đã đủ điều kiện lưu hành trên thị trường.

Với 4 thợ thủ công lành nghề, mỗi tháng, Công ty TVT có thể đưa ra thị trường 150 bàn tay hoàn thiện. Trong tháng tới, TVT dự kiến ra mắt thêm dòng sản phẩm ngón tay đeo sẵn theo từng kích cỡ, phù hợp với những bệnh nhân chỉ bị mất 1 ngón tay.

Dù tốn nhiều công sức nghiên cứu, phát triển sản phẩm, nhưng anh Văn cho biết, anh sẵn sàng chia sẻ công nghệ sản xuất với tất cả các viện nghiên cứu, trường học hay doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề xã hội. Nhà sáng lập quan niệm, công nghệ do anh nghiên cứu được, thì người khác cũng nghiên cứu được, giá bán và chính sách bán hàng mới là điểm quyết định thành bại của sản phẩm.

“Nhiều công ty nước ngoài đã vào Việt Nam, nhưng không bán được hàng, vì giá của họ quá cao. Tôi sẵn sàng chia sẻ công nghệ, tỷ lệ pha chế silicon và tất cả mọi thứ nếu có bên khác quan tâm, miễn là cùng hỗ trợ được cộng đồng. Tôi xác định, sau này, kể cả có thất bại, thì cũng là chuyện bình thường, ít nhất chúng tôi vẫn tạo ra giá trị nhất định cho người bệnh,” anh Văn khẳng định.

Nửa năm, CEO Công ty Đường Quảng Ngãi đăng ký mua cổ phiếu 7 lần
Ông Võ Thành Đàng vừa đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) để đầu tư. Đây là lần thứ 7 kể từ đầu năm ông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư