Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 05 năm 2024,
Hy sinh tăng trưởng để xử lý nợ xấu
Thùy Liên - 22/05/2013 07:56
 
Hôm nay (22/5), Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách. Phục hồi tăng trưởng, phấn đấu GDP năm 2013 cao hơn năm 2012 là bài toán khó với Chính phủ, khi dòng vốn đang bị tắc.
TIN LIÊN QUAN

Buổi làm việc tại hội trường ngày 21/5 của Quốc hội (Ảnh: Đức Thanh)

Nợ xấu cao, tái cơ cấu chậm, phá sản nhiều

Trong Báo cáo triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, nổi lên là: sức ép lạm phát và tiềm ẩn bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn, nợ xấu tuy được kiểm soát nhưng vẫn còn cao, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay còn khó khăn, đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước còn hạn chế.

Dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, song khâu hướng dẫn, triển khai thực hiện còn chậm, nên không ít trường hợp chưa đi vào cuộc sống. Sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn; sức mua của thị trường còn yếu, một số mặt hàng tồn kho vẫn khá cao. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng tiến triển chậm...

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, dù những nỗ lực của Chính phủ đã đạt được một số kết quả tích cực, song vẫn chưa thể chuyển được xu thế khó khăn và đạt tăng trưởng kinh tế năm 2013 như mục tiêu đề ra. Cùng với việc nguồn vốn FDI và tín dụng cho nền kinh tế tăng thấp, thì nguồn lực cho tăng trưởng năm 2013 rất khó khăn. Thậm chí, dấu hiệu suy giảm kinh tế ngày càng rõ nét hơn: tổng cầu nền kinh tế sụt giảm mạnh, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, nợ xấu, tồn kho, khó khăn thị trường bất động sản và khả năng hấp thụ đầu vào của khu vực sản xuất chưa được cải thiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng, không thể kéo dài tình trạng này hơn nữa. Ủy ban Kinh tế kiến nghị, trong điều kiện lạm phát giảm, trong những tháng còn lại của năm 2013, chính sách kinh tế vĩ mô nên ưu tiên mục tiêu tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% như Nghị quyết của Quốc hội.

Hy sinh tăng trưởng để xử lý nợ xấu?

Trước đề xuất ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng của Ủy ban Kinh tế, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cơ sở tăng trưởng là rất khó, vì hai cỗ máy bơm tiền của cả nước là tín dụng và ngân sách hiện nay đều tỏ ra kém hiệu quả.

Cụ thể, quý I/2013, tín dụng vẫn tăng trưởng âm, mãi đến tháng 4 mới tăng trở lại. Trong khi đó, ngân sách cả thu lẫn chi đều thấp hơn kế hoạch, dù từ đầu năm Chính phủ đã nêu cao quyết tâm giải ngân. Điều này cho thấy, sức hấp thụ của nền kinh tế rất yếu. Với một nền kinh tế 80% tăng trưởng dựa vào tín dụng như Việt Nam, nếu dòng tiền không bơm được vào nền kinh tế, thì hy vọng tăng trưởng là rất khó.

“Tôi đề nghị, lần này, Chính phủ cần có cách tiếp cận mục tiêu ngắn hạn, quên đi mục tiêu tăng trưởng, không cần đặt mục tiêu phải cao hơn năm ngoái. Cố thêm 0,5% chưa hẳn đã giải quyết được vấn đề gì, nhất là trong bối cảnh cơ sở của tăng trưởng kinh tế yếu như hiện nay, không nên trói mình vào những con số. Theo tôi, vấn đề ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế hiện nay là xử lý nợ xấu chứ không phải tăng trưởng. Chúng ta phải tập trung dòng tiền để xử lý nợ xấu, tất nhiên khi đó mục tiêu tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng”, TS. Thiên nói.

Liên quan đến nợ xấu, TS. Trần Đình Thiên cũng cho rằng, trong hai năm qua, nợ xây dựng cơ bản mà Chính phủ và chính quyền các địa phương nợ doanh nghiệp lên đến 100.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 50.000 tỷ đồng là nợ đã đến hạn và quá hạn trả. Nhiều doanh nghiệp sau khi nhận được đơn đặt hàng của Chính phủ, vội vàng đi vay với lãi suất cao để triển khai dự án. Tuy nhiên, dự án đã xong hàng năm trời, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa được thanh toán.

Do đó, để giảm khó khăn cho doanh nghiệp, khai thông dòng vốn, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, Chính phủ cần bớt rót vốn đầu tư mới, mà khẩn cấp rót ra một phần, ít nhất là 50.000 tỷ đồng để trả nợ cho doanh nghiệp. Một khi doanh nghiệp có tiền trả ngân hàng, xóa nợ xấu, dòng vốn sẽ được khai thông, niềm tin của doanh nghiệp cũng tăng lên.

Về vấn đề này, báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận, nếu nợ xấu không sớm được giải quyết, hệ thống ngân hàng thương mại không có các giải pháp hữu hiệu phân loại đối tượng cho vay, mà vẫn siết chặt điều kiện cho vay, thì tín dụng khó tăng, khả năng tăng trưởng GDP đạt 5,5% như Nghị quyết của Quốc hội là rất khó khăn.

Do đó, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, cần khẩn trương đưa Công ty Quản lý tài sản quốc gia vào hoạt động để góp phần xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, tăng khả năng cung ứng tín dụng đối với nền kinh tế.

Bên cạnh đề nghị hy sinh tăng trưởng để xử lý nợ xấu, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đề nghị, Chính phủ và Quốc hội nên xây dựng một Chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, kéo dài ít nhất trong 2 năm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư