Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
IFC tiếp tục thoái vốn, VietinBank có thêm room vốn ngoại
Thùy Liên - 14/01/2020 11:52
 
Kể từ ngày 10/1/2020, IFC không còn là cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) sau khi hoàn tất bán ra 55,7 triệu cổ phiếu CTG.
IFC
IFC không còn là cổ đông lớn tại VietinBank.

Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC - International Finance Corporation) và Quỹ Đầu tư Cấp vốn IFC (IFC Capitalization Equity Fund) vừa thông báo thay đổi tỉ lệ sở hữu tại VietinBank.

Theo đó, nhóm cổ đông này đã hoàn tất bán ra hơn 55,7 triệu cổ phiếu CTG trong ngày 8/1, giảm tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông này tại VietinBank từ 6,486% xuống còn 4,99%, chính thức không còn là cổ đông lớn của ngân hàng từ ngày 10/1/2020. Hiện nhóm cổ đông IFC chỉ còn nắm gần 185,8 triệu cổ phiếu CTG.

Cách đây 2 tháng, ngày 13/11/2019, nhóm cổ đông IFC cũng hoàn tất bán ra hơn 57,37 triệu cổ phiếu CTG, giảm tỷ lệ sở hữu từ 8,027% xuống còn 6,486% theo phương thức giao dịch thỏa thuận, thu về 1.234 tỷ đồng.

Trước đó, nguồn tin từ Bloomberg cho biết, IFC đang muốn thoái vốn hoàn toàn khỏi VietinBank.

Việc IFC thoái vốn khiến room vốn ngoại tại VietinBank được rộng mở hơn một chút. Trong cơ cấu cổ đông hiện tại của VietinBank, Ngân hàng Nhà nước đang sở hữu 64,46% cổ phần. Ngân hàng của Nhật Bản – MUFJ sở hữu 19,73%.

Sáng nay, cổ phiếu CTG tiếp tục tăng điểm, đứng ở mức 23.500 đồng/cổ phiếu. Thị trường đánh giá tích cực hơn về cổ phiếu CTG do khó khăn tăng vốn sắp được tháo gỡ và triển vọng kinh doanh tốt hơn trước.

Kết thúc năm 2019, lợi nhuận riêng lẻ của VietinBank đạt gần 11.500 tỷ đồng, tăng trên 26% so với kế hoạch và tăng 83% so với năm 2018. Trước đó, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2019 khoảng 9.500 tỷ đồng, tăng 41% so với năm trước. Riêng ngân hàng mẹ đạt khoảng 9.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cơ cấu lợi nhuận của VietinBank được cải thiện rất tích cực. Trong năm 2019, tín dụng của ngân hàng chỉ tăng 7,2% song lợi nhuận vẫn tăng tốt chủ yếu do mảng bán lẻ, dịch vụ tăng trưởng mạnh.

Năm 2020, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng khoảng 6%-8%; tín dụng tăng 8%-10%; nguồn vốn huy động tăng theo nhu cầu của tăng trưởng tín dụng và sử dụng vốn, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; lợi nhuận hợp nhất trước thuế tăng 10% trở lên so với 2019.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề tăng vốn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành đã ủng hộ chủ trương tăng vốn cho 4 ngân hàng có vốn nhà nước. Theo đó, VietinBank sẽ được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017, 2018. Đồng thời, Thống đốc đề nghị VietinBank báo cáo Bộ tài chính để có kế hoạch tăng vốn 2019 và 2020, dựa trên đánh giá tăng trưởng và kết quả kinh doanh.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, hiện ngân hàng đã cơ bản đáp ứng toàn diện các yêu cầu theo tiêu chuẩn Basel II, chỉ cần Chính phủ phê duyệt tăng vốn là đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chuẩn mực Basel II.  

Tuy vậy, ông Thọ cũng khẳng định, ngay cả khi được giữ lại cổ tức tiền mặt để tăng vốn, nguồn vốn này cũng chỉ mới đáp ứng 1/3 nhu cầu tăng trưởng để phát triển của ngân hàng. Vì vậy sau khi được Thủ tướng phê duyệt phương án tăng vốn, VietinBank tiếp tục đề xuất với Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ phương án tăng vốn mới, kèm các giải pháp cụ thể, có tính khả thi để VietinBank nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Lộ diện nhà đầu tư ngoại thoái vốn khủng tại VietinBank, thu về 1.200 tỷ đồng
Đánh tiếng bán cổ phiếu CTG từ cách đây hơn một năm, IFC đã chuyển nhượng một phần vốn góp tại VietinBanksau 8 năm đầu tư. Giá trị khá lớn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư