Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
IMF kêu gọi áp dụng chính sách tài chính hiệu quả để phục hồi kinh tế
Lan Phương (bnews.vn) - 14/11/2020 13:25
 
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết con đường phục hồi nền kinh tế toàn cầu phải được củng cố liên tục với chính sách mạnh mẽ.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết con đường phục hồi nền kinh tế toàn cầu phải được củng cố liên tục với chính sách mạnh mẽ, đồng thời kêu gọi các chính phủ không nên dừng các chính sách hỗ trợ tài chính và tiền tệ quá sớm.

Bà Georgieva kêu gọi các chính phủ trên khắp thế giới "hành động tập thể kiên quyết" để đánh bại đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và có chính sách tài chính hiệu quả để củng cố sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu hậu COVID-19.

Bà Georgieva nhấn mạnh ưu tiên của năm tới là đánh bại COVID-19, đánh bại đại dịch ở bất kỳ đâu.

Bà Georgieva đã đưa ra lời kêu gọi trên trong một tin nhắn thoại được ghi âm trước để gửi tới Hội nghị cấp cao Tài Tân (Caixin) lần thứ 11 ở Bắc Kinh.

Trong khi đó, 3 trong số các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, gồm Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/11 cho biết nền kinh tế của họ tiếp tục cần sự hỗ trợ dù có những tiến bộ trong hoạt động phát triển vaccine ngừa COVID-19.

Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến do ECB tổ chức, Chủ tịch Fed Jerome Powell, Thống đốc BoE Andrew Bailey và Chủ tịch ECB Christine Lagarde đều hoan nghênh kết quả thử nghiệm sơ bộ một loại vaccine của BioNTech và Pfizer hợp tác phát triển đã đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, cả ba quan chức cấp cao cũng nhấn mạnh mối đe dọa dài hạn của đại dịch đối với nền kinh tế.

Chủ tịch Powell cho biết rủi ro chính đối với nền kinh tế Mỹ là dịch bệnh ngày càng lan rộng ở nước này. Ông lưu ý rằng ngay từ đầu, ngân hàng trung ương này đã nói rằng nền kinh tế sẽ không phục hồi hoàn toàn cho đến khi mọi người dân tin rằng tình hình đã đủ an toàn để nối lại các hoạt động có đông người tham gia.

Theo ông, khi dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở Mỹ, vài tháng tới sẽ còn nhiều thách thức cho nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Đồng tình với quan điểm của ông Powell, Thống đốc BoE Bailey nói rằng các tin tức về vaccine ngừa COVID-19 là “rất đáng khích lệ” và nền kinh tế cần những thông tin lạc quan như vậy vào lúc này. Nhưng ông cũng chỉ ra rằng vaccine chưa có mặt trên thị trường vào thời điểm hiện tại.

Chủ tịch ECB Lagarde cho rằng các ngân hàng trung ương và chính phủ sẽ cần tiếp tục các biện pháp hỗ trợ để tránh những thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế.

Bà Lagarde cho biết ECB có thể sẽ có thêm gói kích thích mới tại cuộc họp ngày 10/12 tới, trong khi ông Powell nói rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã thảo luận cần điều chỉnh chương trình mua trái phiếu của họ như thế nào để tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế.

Fed đang mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng – gồm 80 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ và 40 tỷ USD trái phiếu thế chấp - để cố gắng giữ chi phí vay dài hạn ở mức thấp.

Bài phát biểu của ba vị quan chức cấp cao diễn ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới tăng cao trở lại, gây áp lực buộc các chính phủ và ngân hàng trung ương phải tiến hành nhiều biện pháp hơn để hỗ trợ nền kinh tế.

Cả ECB, Fed và BoE đều triển khai những gói kích thích quy mô lớn như cắt giảm lãi suất và mua trái phiếu, nhằm mục đích giữ chi phí đi vay hợp lý cho các doanh nghiệp và hỗ trợ họ phục hồi.

Nhà kinh tế trưởng của IMF: Nhiều quốc gia cần tái cơ cấu nợ sau dịch COVID-19
Nhà kinh tế trưởng Gita Gopinath của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, nhiều quốc gia có thể cần tái cơ cấu nợ sau cuộc khủng hoảng COVID-19...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư