Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
IMF kêu gọi chi 50 tỷ USD để tăng tốc tiêm vaccine phòng Covid-19, tiến tới chấm dứt đại dịch
Lê Quân - 22/05/2021 12:13
 
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kêu gọi chi 50 tỷ USD để tăng tốc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, với kỳ vọng mang lại lợi nhuận 9.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại một trung tâm xét nghiệm Covid-19 ở thành phố Srinagar, Ấn Độ. Ảnh: AFP
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại một trung tâm xét nghiệm Covid-19 ở thành phố Srinagar, Ấn Độ. Ảnh: AFP

IMF hôm 21/5 kêu gọi ít nhất 40% dân số toàn cầu phải được tiêm vaccine kháng Covid-19 vào cuối năm nay và tỷ lệ này phải đạt ít nhất 60% vào tháng 6/2022. Theo số liệu hiện nay, mới chỉ khoảng 9,5% dân số toàn cầu đã được tiêm ít nhất một liều vaccine kháng Covid-19.

"Không quốc gia nào có thể trở lại bình thường cho đến khi tất cả các nước đều trở lại trạng thái bình thường", IMF nhận định trong một báo cáo mới có tựa đề "Đề xuất chấm dứt đại dịch Covid-19".

Để đạt được điều này, IMF cho rằng cần phải có nỗ lực toàn cầu để đầu tư thêm 50 tỷ USD nhằm đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine kháng Covid-19 trên toàn thế giới. Số tiền bổ sung này sẽ được sử dụng để tăng tỷ lệ bao phủ của chương trình vaccine COVAX toàn cầu lên 30%, mua sắm thêm các bộ xét nghiệm, và nâng cao năng lực sản xuất vaccine kháng Covid-19.

IMF gợi ý, ít nhất 35 tỷ USD có thể đến từ khu vực công, các nhà tài trợ tư nhân và tổ chức đa phương, phần còn lại đến từ các chính phủ.

Đã có ít nhất 15 tỷ USD được ủng hộ bởi các đơn vị tài trợ chống dịch Covid-19 do các ngân hàng phát triển thành lập, đơn cử như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á, IMF cho biết.

Tháng trước, IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021 và 4,4% vào năm 2022. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch xuất hiện, IMF đã cảnh báo về những tác động không đồng đều do cuộc khủng hoảng kép về y tế và kinh tế gây ra.

Theo đánh giá của IMF, chi phí kinh tế và xã hội thời dịch tiếp tục tăng và tình trạng phân hóa trong phục hồi giữa các nước giàu và nước nghèo sẽ trở nên tồi tệ hơn. Báo cáo của IMF được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu có cuộc họp trực tuyến vào ngày 21/5 để thảo luận cách thức hợp tác đối phó với đại dịch Covid-19.

Bang giàu nhất Ấn Độ chuẩn bị cho làn sóng Covid-19 thứ 3
Là tâm dịch Covid-19 lần thứ 2, bang giàu có nhất Ấn Độ Maharashtra đang có các bước chuẩn bị cho làn sóng thứ 3, Bộ trưởng Du lịch và Môi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư