Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kế hoạch vay, trả nợ công: Chỉ vay trong khả năng trả nợ
Hàn Tín - 29/01/2021 08:41
 
Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có sự thay đổi nhất định, do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, ngân sách hụt thu, trong khi phải tăng chi…

Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 sẽ sớm được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ thông qua nhằm đảm bảo nhiệm vụ huy động vốn vay để đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) và phát triển kinh tế - xã hội với mức độ chi phí - rủi ro phù hợp.

Hoạt động của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nên nguồn thu ngân sách năm nay dự kiến sẽ eo hẹp. Ảnh: Đ.T

Nợ công năm 2020

Cuối tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2020 và dự kiến chương trình quản lý nợ công giai đoạn 2020-2022, với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2022, dư nợ công khoảng 51,4% GDP, nợ chính phủ khoảng 46,2% GDP, nợ nước ngoài chiếm 40-45% tổng mức nợ công.

Cụ thể, tổng mức vay của Chính phủ giai đoạn 2020-2022 khoảng 1.546.300 tỷ đồng, trong đó, huy động trong nước 75-80% với kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân 6-8 năm; nghĩa vụ trả nợ của Chính không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước. Đặc biệt, trong giai đoạn này, theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), sẽ hạn chế cấp bảo lãnh mới cho doanh nghiệp vay trong nước cũng như vay nước ngoài (tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh không vượt quá tốc độ tăng trưởng GDP); khống chế hạn mức bội chi và nợ của chính quyền địa phương; kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ vay nước ngoài của doanh nghiệp theo phương thức tự vay tự trả.

Tuy nhiên, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm tới sẽ có sự thay đổi nhất định, do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2020 chỉ đạt 2,91%, thay vì 6,8% như mục tiêu phấn đấu đã được Chính phủ đặt ra, ngân sách hụt thu, trong khi phải tăng chi… vì đại dịch Covid-19.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2020, thu NSNN chỉ đạt 98% dự toán (hụt thu 31.900 tỷ đồng); tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 23,9% GDP; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (sau khi trừ hoàn thuế giá trị gia tăng) đạt 86,2% dự toán (hụt thu 28.600 tỷ đồng). Trong khi đó, năm 2020, ngân sách đã phải chi trên 18.000 tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của Covid-19; chi 12.400 tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, dịch bệnh…

Với kết quả thu, chi ngân sách nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2020, ngân sách bội chi 248.500 tỷ đồng, tăng 14.000 tỷ đồng so với dự toán và tính chung 5 năm giai đoạn 2016-2020, bội chi tương đương 3,6% GDP, mặc dù vẫn nằm dưới ngưỡng bội chi 3,9% GDP đã được Quốc hội cho phép, nhưng không đạt mục tiêu phấn đấu giảm mạnh bội chi năm 2020 xuống không quá 3,5% GDP, nhằm thực hiện cân đối NSNN tích cực, bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội.

Vay nợ không phụ thuộc vào quy mô GDP đánh giá lại

Năm 2021 được dự báo tiếp tục khó khăn khi Covid-19 trên thế giới chưa tiên lượng được điểm dừng. Vì vậy, thu NSNN năm nay dự kiến giảm hơn 11% so với dự toán năm 2020. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, dự toán thu ngân sách năm sau giảm so với năm trước. Mặc dù năm nay đã thắt chặt chi tiêu ngay từ đầu năm, nhưng bội chi vẫn lên tới 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% GDP; nợ công khoảng 46,1% GDP.

Cả giai đoạn 2016-2019, hay năm 2020 và năm 2021, về mức tuyệt đối, nợ công, bội chi được kiểm soát chặt chẽ, không hề tăng, nhưng do tốc độ tăng trưởng GDP không đạt dự kiến, nên mọi chỉ số liên quan đến tài chính quốc gia như nợ công, bội chi, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, so với GDP đều khá cao.

- Ông Võ Hữu Hiển, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại

Theo PGS-TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính), tăng trưởng kinh tế của nước ta phụ thuộc rất lớn vào vốn đầu tư, trong đó, vốn đầu tư từ khu vực nhà nước giữ vai trò vô cùng quan trọng (chiếm trên 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội), trong khi vốn từ khu vực dân doanh và vốn nước ngoài chưa khơi thông được, thì nên mạnh dạn mở rộng vốn đầu tư nhà nước. “Lãi suất huy động trái phiếu chính phủ đang rất thấp, rất dễ huy động, có lẽ nên tăng cường huy động nguồn vốn này để mở rộng đầu tư công”, ông Cường bình luận.

“Khi GDP thay đổi do đánh giá lại thì nhiều chỉ tiêu trong tất cả các lĩnh vực căn cứ theo GDP sẽ thay đổi, trong đó có chỉ tiêu về nợ công, bội chi, nợ chính phủ thay đổi theo hướng tích cực do GDP đánh giá lại tăng 25,3%. Nhưng các chỉ tiêu về nợ do Quốc hội quyết định, nếu muốn tăng vay nợ, thì tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét, Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng tương ứng với các chỉ tiêu Quốc hội thông qua. Điều này không liên quan gì đến việc đánh giá lại khiến GDP tăng thêm 25,3% làm cho các chỉ tiêu nợ so với GDP giảm xuống”, ông Võ Hữu Hiển, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại nhấn mạnh.

Liên quan vấn đề NSNN và quản lý nợ công, ông Trương Hùng Long cho biết, Nghị quyết 07-NQ/TW (ngày 18/11/2016) về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công đã nhấn mạnh, cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế; chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ. Vì vậy, các chỉ tiêu nợ giảm xuống theo quy mô GDP đánh giá lại không có nghĩa là mở rộng vay nợ trong giai đoạn 2021-2025. Còn vay nợ trong nước (phát hành trái phiếu chính phủ) bao nhiêu, vay nợ nước ngoài bao nhiêu thì tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sẽ thông qua.

“Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tính toán và đưa ra kế hoạch phát hành trái phiếu hàng tháng, hàng quý, hàng năm, đồng thời phải phát triển thị trường giao dịch trái phiếu thứ cấp để linh hoạt trong vay, trả nợ thông qua các nghiệp vụ mua lại, hoán đổi trái phiếu”, ông Long nói.

5 năm tái cơ cấu nền kinh tế: Nợ công giảm mạnh, nợ xấu khó "về đích"
Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư