Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Kéo SME trở lại đường đua
Vũ Anh - 22/04/2014 08:50
 
Dù còn có nhiều điểm yếu, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) là nhóm doanh nghiệp đầy tiềm năng, sức bật và có khả năng đột phá cao. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, cởi mở hơn với đối tượng này.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Giúp CEO bớt những tiếng thở dài
CEO SME 2014: Thổi bùng ngọn lửa kinh doanh
Sinkin Central Bank bắt tay BIDV hậu thuẫn DN Nhật

Tại Việt Nam, SME chiếm 96% doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động; sử dụng 50% lao động; sản xuất hơn 40% hàng tiêu dùng; đóng góp 47% GDP và 40% ngân sách. Song khối này cũng chỉ phát triển mạnh trong những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận khiêm tốn, công nghệ thấp do không có lợi thế về quy mô, tiềm lực tài chính, địa bàn hoạt động, thị phần…

  doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) là nhóm doanh nghiệp đầy tiềm năng.  
  Ở Việt Nam, SME hiện đóng góp 47% GDP.
Ảnh: Đức Thanh
 

Tuy nhiên, trải qua chuỗi khủng hoảng kinh tế dài và sâu, các SME đã và đang chứng minh rằng, họ chính là những người sử dụng các nguồn lực hiệu quả nhất.

Điều này cho thấy, Chính phủ cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua phát triển các SME. Việt Nam đã có những chính sách cởi mở hơn cho các SME, nhưng lại chưa có một chính sách khuyến khích thật sự. Việc phân bố các nguồn lực trong nền kinh tế quốc dân (nguồn vốn, nhân lực, công nghệ, tài nguyên…) vẫn đang tập trung nhiều vào khu vực kinh tế nhà nước.

Trên một sân chơi còn chưa bình đẳng như vậy, vấn đề trước mắt của SME chính là làm sao để tồn tại ngay trên sân nhà, chứ chưa nói đến việc vươn ra thị trường quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, không nên kỳ vọng các SME sẽ trở nên lớn hơn hay quá lớn, song không thể để khối DN này giậm chân tại chỗ, năng suất và hiệu quả giảm sút, trước khi đạt đến một quy mô hoạt động tối ưu. Tuy nhiên, để làm được điều đó, khối DN này cần có môi trường kinh doanh bình đẳng hơn.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần sớm xây dựng Dự thảo Luật DN nhỏ và vừa; sửa đổi, bổ sung một số luật, như Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Phá sản…; cải cách thủ tục hành chính, minh bạch thông tin để tạo sự bình đẳng cho các DN; thành lập các vườn ươm giúp lãnh đạo DN học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ quản lý. 

Trong khi chờ chính sách hỗ trợ SME của Nhà nước được thể hiện rõ nét hơn, ở góc độ vi mô, SME đang dần lấy lại được cảm tình và trở nên hấp dẫn đối với cộng đồng DN nói chung. Theo họ, mặc dù tồn tại nhiều điểm yếu, nhưng SME là nhóm DN đầy tiềm năng, đầy sức trẻ, sức bật và có khả năng đột phá cao.

Ở khía cạnh tiếp cận vốn, các tổ chức tín dụng lớn, nhỏ trong và ngoài nước đều đang có chiến lược hướng tới đối tượng SME. Chẳng hạn, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ đầu tư vào các SME tại Việt Nam, thông qua trái phiếu, lĩnh vực trước đây chỉ có các DN lớn mới được hưởng.

Ngoài ra, dưới sự trợ giúp của IFC, nhiều ngân hàng TMCP trong nước, như ABBank, LienVietPostbank, ACB, Eximbank, VIB... cũng tham gia giải cứu SME. 

Ở góc độ nâng cao kỹ năng quản trị kinh doanh, Hoàng Gia Media Group cũng thay đổi chiến lược, hướng đối tượng chính của Chương trình Chìa khóa thành công CEO sang các SME, với phiên bản CEO SME 2014.

“Các SME muốn mạnh lên trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với thế giới và người lao động ngày càng ý thức đầy đủ và mạnh mẽ hơn về quyền lợi của mình, thì cần hóa giải các mẫu thuẫn nội tại. CEO SME 2014 sẽ tập trung tháo gỡ các xung đột về lợi ích, thay đổi nhận thức của con người trong DN, thúc đẩy sự hợp tác cao giữa CEO và đội ngũ lao động”, ông Hoàng Hải Âu, Tổng giám đốc Hoang Gia Media Group - Tổng đạo diễn chương trình cho biết

Ông Võ Tấn Long, Giám đốc Khối công nghệ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) nhận định, CEO SME 2014 là nơi trao đổi, chia sẻ rất tốt, đặc biệt đối với cộng đồng doanh nhân trẻ, có ước mơ, hoài bão muốn thể hiện tài năng kinh doanh của mình. “Họ có thể hình dung được con đường đi trước mắt, những khó khăn, thách thức có thể gặp phải và hướng giải quyết. Một trong những điểm mạnh của chương trình là tính bám sát thực tế rất cao, mà thực tế luôn là người thày tốt nhất”, ông Long nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư