Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 03 tháng 08 năm 2024,
Kết nối giao thương, xúc tiến thương mại để doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu
Toàn Nguyễn - 02/08/2024 23:43
 
Trong bối cảnh thị trường khó khăn, hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại góp phần giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, có thêm nhiều chuỗi cung ứng mới được hình thành.

Kênh hiệu quả đối với xuất khẩu

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và Sở Công thương TP. Đà Nẵng vừa phối hợp tổ chức Hội nghị Kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu - Đà Nẵng 2024.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đề cao hoạt động xúc tiến nhằm cung cấp, cập nhật thông tin về thị trường.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đề cao hoạt động xúc tiến nhằm cung cấp, cập nhật thông tin về thị trường.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, với lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông cùng với định hướng của Trung ương; địa phương hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, quốc gia trong khu vực và quốc tế.

Ngoài ra, Đà Nẵng còn nhiều tiềm năng và thế mạnh trong thu hút đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất xuất khẩu nhiều loại sản phẩm như cơ khí - điện - điện tử, thủy sản, dệt may, thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ, vật liệu xây dựng - cao su - nhựa, dược phẩm - thiết bị y tế; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành hàng không vũ trụ, chế biến chế tạo, hóa dược phẩm, nông sản thực phẩm…

Song trước tình hình các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác, đơn hàng, Phó chủ tịch TP. Đà Nẵng cho hay, việc tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng, đối tác là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm hiện nay.

Do đó, ông Cường đánh giá, Hội nghị Kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu - Đà Nẵng 2024 là kênh hỗ trợ hiệu quả để các doanh nghiệp kết nối thành công với các đối tác trong và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cũng cho rằng, hội nghị này là dịp giúp doanh nghiệp TP. Đà Nẵng và doanh nghiệp một số địa phương trên cả nước nắm bắt thêm thông tin về dự báo tình hình, định hướng nhu cầu thị trường xuất khẩu; cập nhật tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường, tiềm năng, dư địa xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ tiếp cận, đánh giá được năng lực sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp xuất khẩu Đà Nẵng cũng như tình hình phát triển logistics tại địa phương; từ đó giúp thị trường xuất khẩu mở rộng và có thêm nhiều chuỗi cung ứng mới được hình thành, góp phần đưa các sản phẩm thế mạnh của TP. Đà Nẵng và Việt Nam đi xa hơn, bền vững hơn.

Đối với TP. Đà Nẵng, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại đề nghị Thành phố cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất khẩu theo quy mô chuyên nghiệp để phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá.

Là doanh nghiệp có sản phẩm từ dừa xuất khẩu đến hơn 10 quốc gia, bà Mai Thị Ý Nhi, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Phương Food đánh giá, bên cạnh nội lực, bí kíp thành công của doanh nghiệp là “mượn” ngoại lực bên ngoài. Cụ thể ở đây là hoạt động kết nối xúc tiến từ Sở Công thương TP. Đà Nẵng cho thị trường nội địa (giúp sản phẩm vào được hệ thống siêu thị Go, Mega, AEON) và Cục Xúc tiến thương mại cho hoạt động xuất khẩu.

Bà Nhi đánh giá sự kết nối này rất hiệu quả và hiện nay, doanh nghiệp tích cực tham gia hoạt động xúc tiến thương mại.

Với ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC), doanh nghiệp mong muốn Sở Công thương đề xuất UBND TP. Đà Nẵng hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp để quảng bá thương hiệu của Thành phố thông qua công tác quan hệ đối ngoại.

ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng  kiến nghị cần kết nối các doanh nghiệp có chung hoạt động xuất khẩu.
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng kiến nghị cần kết nối các doanh nghiệp có chung đặc thù xuất khẩu.

Tổng giám đốc DRC cũng kiến nghị, trong bối cảnh cạnh tranh vô cùng khốc liệt, logistics chiếm vai trò quyết định nên cần kết nối các doanh nghiệp có chung đặc thù xuất khẩu để đảm bảo có dung lượng lớn container vào các thị trường trọng điểm để có cơ hội đàm phán giá cước với các hãng tàu…

Doanh nghiệp cần lưu ý gì

Tại hội nghị, bên cạnh thông tin tình hình xuất nhập khẩu với khu vực Âu – Mỹ, ông Nguyễn Việt San, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ đã dành nhiều thời gian thông tin về thị hiếu tiêu dùng và các khuyến nghị dành cho doanh nghiệp.

, ông Nguyễn Việt San, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ  thông tin về thị hiếu tiêu dùng của thị trường Âu Mỹ.
Ông Nguyễn Việt San, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ thông tin về thị hiếu tiêu dùng của thị trường Âu Mỹ.

Theo ông San, tại thị trường Âu – Mỹ người dân ngày càng chú trọng tiêu thụ các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, các sản phẩm an toàn và phân khúc tầm trung, sản phẩm tiện lợi lên ngôi.

Cùng với đó, thị trường này đòi hỏi về giảm “dấu chân carbon” trong quy trình sản xuất, ưu tiên lựa chọn sản phẩm theo thông tin nhãn mác và tính bền vững, thương mại công bằng.

Từ đó, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ khuyến nghị doanh nghiệp ngoài việc tra cứu thông tin thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cần lưu ý về áp dụng ưu đãi thuế quan, lưu ý về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) về đánh dấu và ghi nhãn, lưu ý cập nhật các thông báo về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật…

Qua hình thức trực tuyến, đại diện đơn vị của Bộ Công thương tại thị trường Nga, Trung Quốc và Nhật Bản cũng có các khuyến nghị đối với doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.

Cụ thể, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết, Thương vụ nhận thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham dự các triển lãm tại Liên bang Nga đã tìm được khách hàng, từng bước tăng xuất khẩu và phát triển được thương hiệu tại thị trường.

Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cho rằng doanh nghiệp cần tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn nước nhập khẩu và tăng cường quản lý, giám sát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc.

Các doanh nghiệp tham gia ký kết hợp tác tại hội nghị.
Các doanh nghiệp tham gia ký kết hợp tác tại hội nghị.

Tương tự, bà Quyền Thị Thúy Hà, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản khuyến nghị doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu của thị trường Nhật Bản gồm các quy định và tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm; yếu tố về thẩm mỹ, tính tiện dụng trong bao bì mẫu mã; mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện môi trường đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao của nhà sản xuất…

Hội nghị có 9 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác được ký kết. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Ecofarm Pay ký hợp tác tiêu thụ sản phẩm với 4 đơn vị gồm Công ty TNHH Thực phẩm Như Tâm (sản phẩm bưởi), Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Nhật Thành (sản phẩm gạo), Công ty TNHH Enso Dana (sản phẩm khử mùi), Cơ sở Bánh khô mè Bà Liễu Mẹ (sản phẩm khô mè, bánh dừa nướng…
Tổ chức Chương trình Xúc tiến du lịch, điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 2017/QÐ-BVHTTDL về Kế hoạch tổ chức Chương trình Xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư