Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Kết quả chính thức Brexit: Người dân Anh chọn rời EU, tài chính thế giới hỗn loạn
PV (Vnexpress/Tổng hợp) - 24/06/2016 13:58
 
Giá vàng tăng vọt, dầu thô, bảng Anh lao dốc và chứng khoán châu Á cũng đi xuống vì sự kiện brexit - trưng cầu dân ý về việc Anh rời EU. Kết quả mới nhất cho thấy, người dân Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) với tỷ lệ 51,9% ủng hộ, 48,1% phản đối trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, theo BBC.

Người dân ở London và Scotland đều nghiêng về "ở lại" EU nhưng lợi thế này đã mất đi do tỷ lệ ủng hộ thấp ở khu vực phía bắc Anh.

Phó thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel hôm nay mô tả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh là "một ngày tồi tệ với châu Âu". Cựu thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb gọi đây là "cơn ác mộng" mà khi tỉnh dậy, các lãnh đạo châu Âu sẽ bị sốc trước kết quả làm rung chuyển liên minh 28 nước.

Geert Wilders, lãnh đạo phe phản đối người nhập cư ở Hà Lan, hôm nay kêu gọi nước này tổ chức trưng cầu dân ý giống Anh. "Chúng tôi muốn tự chịu trách nhiệm về đất nước, đồng tiền, biên giới và chính sách nhập cư của riêng chúng tôi", ông cho biết. Người dân Pháp, Hà Lan và Italy cũng có yêu cầu tương tự.

Cựu thị trưởng London Boris Johnson, ủng hộ rời khỏi EU, cùng vợ tại một điểm bỏ phiếu ở bắc London. Ảnh: Reuters/VnExpress
Cựu thị trưởng London Boris Johnson, ủng hộ rời khỏi EU, cùng vợ tại một điểm bỏ phiếu ở bắc London. Ảnh: Reuters/VnExpress

Người Anh hôm qua đã đi bỏ phiếu quyết định nên ở lại hay rời Liên minh châu Âu (EU). Theo kết quả kiểm phiếu từng khu vực được công bố sáng nay, tỷ lệ "ở lại" và "ra đi" liên tục bám đuổi sát, khiến tài chính thế giới cũng biến động mạnh.

Bảng Anh sáng nay có lúc lên đỉnh năm 2016 với 1,5 USD một bảng. Nhưng sau một số kết quả ban đầu cho thấy phe “ra đi” đang thắng thế, bảng bắt đầu sụt giá, xuống dưới 1,4 USD. Đến 10h30 (giờ Hà Nội), đồng tiền này đã xuống thấp nhất so với USD kể từ năm 1985, còn chưa đầy 1,35 USD đổi một bảng.

Từ đầu ngày, bảng Anh đã mất 9,5% - hơn gấp đôi mức giảm 4,1% ngày thứ Tư đen tối năm 1992, khiến đồng tiền này phải ra khỏi Cơ chế Tỷ giá Hối đoái Cố định châu Âu (ERM). Bảng Anh được dự báo có ngày mất giá mạnh nhất lịch sử trong hôm nay.

Rất nhiều tổ chức tài chính được cho là đã thực hiện exit poll (thăm dò cử tri sau bỏ phiếu để dự báo kết quả) để phục vụ việc giao dịch. Vì vậy, giới quan sát lo ngại việc đồng bảng mất giá là tín hiệu cho thấy Anh có khả năng rời EU.

Nhà đầu tư cũng đang dần chuyển sang các công cụ trú ẩn. Một đôla Mỹ sáng nay chỉ đổi được 103 yen Nhật, thấp hơn so với 106,8 yen trước đó. Giới phân tích cho rằng thị trường sẽ còn nhiều biến động trong suốt hôm nay.

tai-chinh-the-gioi-hon-loan-vi-trung-cau-dan-y-anh

Giá vàng đang tăng vọt vì kết quả kiểm phiếu tại Anh.

Giá vàng sáng nay liên tục trồi sụt. Mở cửa tại 1.256 USD một ounce, giá tăng nhanh lên 1.280 USD trong vài tiếng đầu. Thị trường sau đó hạ nhiệt, nhưng đến 10h40 (giờ Hà Nội), giá lại lên 1.324 USD - cao nhất từ tháng 7/2014.

Dầu thô trong phiên châu Á sáng nay cũng lao dốc. Đến 10h50 (giờ Hà Nội), dầu Brent tại London mất 5,11%, xuống 48,31 USD một thùng. Trong khi đó, dầu thô Mỹ - WTI giảm nhẹ hơn, với hơn 1%, xuống 48,85 USD.

Nhiều thị trường chứng khoán châu Á sáng nay mở cửa tăng, nhưng sau đó bắt đầu đi xuống. Đến 10h40 (giờ Hà Nội), đà giảm tại hầu hết chỉ số lớn trong khu vực đều tăng tốc.

Shanghai Composite Index (Trung Quốc) hiện giảm 1,2%. Hang Seng Index (Hong Kong, Trung Quốc) mất 3,7%. Mức giảm này của Nikkei 225 (Nhật Bản) và Kospi (Hàn Quốc) lần lượt là 3,05% và 3,6%.

Trước đó, giới chuyên gia từng cảnh báo Anh rời EU có thể châm ngòi cho biến động chứng khoán toàn cầu, làm bốc hơi hàng nghìn tỷ USD vốn hóa, thậm chí đẩy cả thế giới vào một cuộc suy thoái mới.

Cuộc trưng cầu dân ý xuất phát từ cam kết của Thủ tướng Anh - David Cameron khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015. Theo đó, ông sẽ tổ chức để người dân Anh biểu quyết có nên rời EU hay không. Động thái này để đáp lại lời kêu gọi từ chính các nghị sĩ trong đảng Bảo thủ của ông, và Đảng Độc lập Anh (UKIP). UKIP. Họ cho rằng Anh đã không có tiếng nói của riêng mình từ năm 1975 - khi bỏ phiếu ở lại EU trong một cuộc trưng cầu dân ý tương tự.

Quan điểm này cho rằng EU đã thay đổi rất nhiều từ thời điểm đó và ngày càng kiểm soát cuộc sống của người Anh. Vì vậy, ngày 20/2 năm nay, ông Cameron đã công bố quyết định và thời điểm tổ chức trưng cầu dân ý một lần nữa.

Công bố kết quả bỏ phiếu về Brexit: Tỷ lệ người dân ủng hộ Anh ở lại EU nhỉnh hơn
Kết quả cuộc thăm dò dư luận do tờ Thời báo Tài chính Anh tiến hành trong ngày 23/6 khi mà cử tri Anh vẫn đang tới các điểm bỏ phiếu, cho thấy tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư