Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sự kiện Brexit và tác động với Việt Nam
Brexit là cụm từ có lẽ đã trở nên quen thuộc với những người quan tâm tình hình kinh tế và chính trị trên thế giới trong nhiều tháng qua. Nó chỉ về một sự kiện sẽ diễn ra vào hôm nay, thứ Năm, ngày 23/6 - khi người dân Anh sẽ đi bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU).

Đây cơ bản là một phần trong những hứa hẹn của Thủ tướng Anh David Cameron trong quá trình tranh cử vào năm 2015. Khi đó ông hứa sẽ tổ chức bỏ phiếu quyết định Anh rời khỏi EU hay ở lại EU nếu ông tái đắc cử. Cho nên về cơ bản, đây là một phần trong trò chơi tranh cử của chính trường Anh, nhưng nó đang trở thành một trong những tâm điểm thu hút sự quan tâm của thế giới vào thời điểm này.

Brexit và thị trường tài chính

Sự kiện này hiện đang là một tâm điểm chú ý của thị trường tài chính toàn cầu từ nhiều tuần qua. Những diễn giải về biến động của giá vàng, ngoại tệ, chứng khoán đều đề cập đến tác động của Brexit. Về căn bản, tất cả được qui về cho hai yếu tố: thanh khoản và sự bất định.

Không ai biết điều gì sẽ xảy ra nếu kết quả trưng cầu dân ý là Anh sẽ rời khỏi EU. Tất cả những vấn đề về thỏa thuận thương mại, lao động, nhập cư lẫn thuế quan đều sẽ có thể thay đổi. Nhiều công ty dọa sẽ rời khỏi Anh nếu Anh ra khỏi EU còn nguồn nhân lực chất lượng cao lẫn nhân công giá rẻ từ nước ngoài vào Anh cũng không biết sẽ ra sao. Vì Anh là một nền kinh tế có liên hệ chặt chẽ với những cường quốc kinh tế khác và là một trung tâm tài chính của thế giới, sự hỗn độn ở Anh không ít thì nhiều sẽ có những tác động lên kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính, ít nhất là trong ngắn hạn. Nhiều con số ước tính được đưa ra, nhưng phần lớn là toàn là dự báo trong khi kịch bản cơ bản nhất thì cũng không ai biết nó có hình thù ra làm sao! Cho nên các nhà kinh tế có tiếng trên thế giới đưa ra những đánh giá rất chênh lệch với nhau, tới mấy điểm phần trăm GDP của Anh.

Đây mới chính là điểm đáng sợ. Nó thể hiện rõ không có gì là chắc chắn nên nhiều nhà đầu tư đã chọn đứng ngoài thị trường trong khi một số khác mở những vị thế đầu cơ với những mức mạo hiểm có thể gọi là điên khùng. Sự bất định vừa làm tăng độ biến động (volatility) của giá tài sản trên thị trường tài chính vừa làm giảm thanh khoản của nó. Hai thanh khoản và độ biến động này lại tương tác với nhau theo chiều là thanh khoản thấp thì một vài giao dịch có thể làm thị trường rung lắc mạnh nên thị trường tài chính những ngày qua được hình dung là có độ biến động rất cao.

Cho đến ngày 21/6, diễn biến thị trường tài chính và các tỷ lệ cá cược xem ra ngầm định là khả năng Anh rời khỏi EU là thấp, với việc giá vàng quay đầu giảm trong khi giá đồng bảng Anh tăng lại mạnh, trong khi một số tỷ lệ cá cược gần như khẳng định là cơ hội Anh rời khỏi EU là ở mức cực thấp trong nhiều tuần gần đây. Tuy nhiên, điều này ngầm định rằng thị trường sẽ bị bất ngờ nếu kết quả bầu cử cho thấy Anh rời khỏi EU.

Đồ thị diễn biến đồng Bảng Anh và giá vàng trước Brexit

Bảng Anh (màu xanh, bên dưới) tăng trở lại còn giá vàng (màu vàng, bên trên) giảm lại từ ngày 19 đến 21/6 do các ước tính và điều tra ý kiến cho thấy khả năng Anh rời khỏi EU là thấp

Nguồn: Bloomberg

Có người đã gọi điều này là sự chủ quan của thị trường trước những lá phiếu không dựa vào lý trí của người dân Anh. Nếu kết quả là Anh rời khỏi EU sau ngày 23/6, diễn biến thị trường sẽ trừng phạt những nhà đầu tư chủ quan và cả những lá phiếu không dựa vào lý trí đó. Và khi đó, vàng sẽ là kênh đầu tư hưởng lợi đầu tiên, bên cạnh đó các khoản đặt cược vào việc độ bất ổn sẽ càng tăng lên.

Nếu Anh rời khỏi EU thì sẽ phải có rất nhiều cuộc thương thảo về tất cả những vấn đề về thương mại, tài chính, lao động với EU và những nước khác do những hiệp định do EU ký trước đây với những nước này có thể sẽ không còn hiệu lực sau khi Anh rời khỏi liên minh này. Chẳng hạn Anh còn được hưởng bao nhiêu lợi ích trong giao thương với cộng đồng kinh tế Châu Âu? Anh có buộc phải chấp nhận áp đặt từ phía liên minh tiền tệ và tài khóa (nghĩa là thị trường tài chính của Anh sẽ phải chấp nhận những chính sách kiểm soát ngặt nghèo không cần thiết đối với thị trường tài chính) để đổi lại những quyền lợi thương mại hay không? Liệu Anh có xoay trục sang buôn bán với châu Á thay vì các nước láng giềng hay không? Liệu có nước nào trong EU sẽ theo chân của Anh rời khỏi EU? Nếu có, liệu đồng euro có sụp đổ?

Đây là những câu hỏi không ai biết chắc chắn câu trả lời và có thể mất nhiều năm thương thảo để biết kết quả. Điều đó nghĩa là nếu Anh rời khỏi EU, bất ổn chỉ mới bắt đầu trên phạm vi toàn cầu. Điều đáng sợ là các chính phủ và thị trường tài chính đều không có chuẩn bị gì cho chuyện đó. Họ đều nghĩ: mọi việc rồi sẽ ổn thôi. Chúng ta cũng nên hi vọng như vậy.

Brexit và Việt Nam

Mặc dù gần đây Hong Kong, Việt Nam và Campuchia là 3 cái tên bị “điểm danh” bởi Wall Street Journal là những thị trường có thể bị tác động xấu nhiều hơn các thị trường khác trong khu vực châu Á nếu Anh rời EU, nhưng bản thân bài viết đó cũng lập lờ nói rằng các thị trường này chỉ là bị tác động xấu hơn một chút so với các thị trường khác trong khu vực, do có quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với Anh.

Như đã nói ở trên, nếu Anh rời khỏi EU, không ai biết thương mại của họ với ai sẽ tăng lên và với ai sẽ giảm đi, vì không biết họ sẽ đẩy mạnh hợp tác thương mại với ai (ai sẽ lên lãnh đạo họ cũng còn chưa biết!). Khả năng nhiều nhất là Anh sẽ vẫn ưu tiên thương mại với các nước châu Âu láng giềng, vốn chiếm gần một nửa xuất khẩu của Anh. Ngoài ra họ có thể đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc, một trong những nước có hoạt động thương mại mạnh với họ, và nhiều hàng hóa của Anh xuất sang châu Âu chỉ là trung gian, sau đó cũng chuyển về châu Á và Trung Quốc là một thị trường lớn. Trong khi đó, quan hệ thương mại trực tiếp giữa Anh với Việt Nam chưa phải là chặt chẽ như Trung Quốc (bao gồm Hong Kong), nên Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng lớn (cả Anh và Việt Nam đều không phải nằm trong top 10 đối tác thương mại của nhau). Vì vậy, tác động trực tiếp của Brexit tới Việt Nam là không lớn.

Tuy nhiên, về dài hạn hơn, Brexit có thể là cơ hội cho Việt Nam và khối ASEAN vì nếu Anh cần đa dạng hóa thị trường để không phụ thuộc nhiều vào các nước láng giềng đang ít thân thiện với họ hơn, thì họ cần phải đẩy mạnh hơn quan hệ với các nước ở châu Á. Đông Nam Á và Nam Á là những lựa chọn tự nhiên để bổ trợ cho những thị trường mà Anh đã có vị thế nhất định như Trung Quốc và các nước Ả Rập. Đây là xu thế tất yếu dù có Brexit hay không, nhưng nếu có Brexit, nó có thể đẩy mạnh hơn nỗ lực của Anh để đẩy mạnh quan hệ với ASEAN. Tất nhiên, Việt Nam phải cạnh tranh với các nước trong ASEAN để chiếm phần, và đây vẫn là những phỏng đoán xa vời. Người ta vẫn chưa biết Anh có ra khỏi EU hay không mà, và thị trường tài chính tin là không.

Điều chắc chắn duy nhất là thị trường sẽ không lặng yên sau những diễn biến vào ngày 23/6. Sẽ mất nhiều tiếng đồng hồ để kiểm phiếu sau 10 giờ tối ngày 23/6 và đến sáng sớm ở Anh thì theo dự kiến là người ta chỉ biết được kết quả của khoảng phân nửa số khu vực tham gia trưng cầu dân ý. Do đó, thị trường sẽ phải chờ nhiều tiếng đồng hồ với những đồn đoán. Và sau khi trưng cần dân ý, cho dù là Anh không rời khỏi EU, đây chỉ mới là bắt đầu cho những cuộc marathon về đòi hỏi cải tổ khối EU. Tình trạng hỗn loạn hiện nay của khối kinh tế này về nhiều mặt sẽ vẫn là rủi ro mà thị trường phải chú ý trong thời gian dài nữa.

Tổng Thư ký OECD: Brexit sẽ gây hậu quả tiêu cực tới kinh tế toàn cầu
Việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ gây hậu quả tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế thế giới. Nhận định này được Tổng Thư ký Tổ chức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư