Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 05 năm 2024,
Khắc tinh của tội phạm “tín dụng đen”
Hữu Tuấn - 19/08/2013 18:25
 
Mới đây, dư luận xôn xao về vụ vỡ nợ “tín dụng đen” tại Lạng Sơn. Hai đối tượng Nguyễn Văn Trung (SN 1967) và vợ là Tạ Bích Liên (SN 1973) bị hàng chục nạn nhân tố cáo về hành vi chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng dưới hình thức huy động vốn với lãi suất cao rồi bỏ trốn. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi bỏ trốn, thủ phạm đã bị lực lượng công an bắt giữ ngày 25/7/2013. Thêm vụ vỡ nợ tín dụng đen tiền tỷ tại Lạng Sơn

Đó chỉ là một trong hàng ngàn vụ án có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” mà lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm đã và đang tích cực đấu tranh.

Hàng trăm nạn nhân của vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ bàng hoàng khi biết thông tin vợ chồng “con nợ triệu đô” Trung – Liên bỏ trốn
vào chiều ngày 25/7/2013.

Những năm gần đây, cùng với diễn biến xấu của nền kinh tế, tình hình tội phạm và vi phạm liên quan đến hoạt động vay, cho vay, cầm cố tài sản với lãi suất cao không có sự đảm bảo của pháp luật, diễn biết cực kỳ phức tạp.

Nhiều vụ án tranh chấp, xiết nợ, đòi nợ thuê, bắt giữ người, giết người… đã xảy ra, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và gây bất bình trong xã hội.

Trước tình hình đó, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) đã chỉ đạo công an các địa phương tập hợp, thống kê, báo cáo công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Qua đó, lực lượng cảnh sát có thể đánh giá đúng thực trạng tình hình và định hướng chỉ đạo để nâng cao hiệu quả phòng chống loại tội phạm này.

Chỉ trong vòng 2 năm, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm đã thụ lý hơn 4.300 vụ việc liên quan đến “tín dụng đen”, trong đó có 31 vụ giết người, 218 vụ cố ý gây thương tích, 338 vụ cướp tài sản, 689 vụ cưỡng đoạt tài sản, hơn 1.000 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gần 2.000 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…

Theo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, từ năm 2010 đến nay, chỉ riêng hơn 100 vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến huy động vốn, với số tiền thiệt hại đã gần 4.500 tỷ đồng. Nhiều vụ vỡ nợ lớn, số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm hàng ngàn gia đình điêu đứng, bị cầm cố tài sản, ruộng vườn, thậm chí trắng tay.

Chuyên đề về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đã đúc rút một số nguyên nhân khách quan dẫn đến “tín dụng đen” tràn lan thời gian qua.

Theo đó, “thủ phạm” đầu tiên gây nên “tín dụng đen” là suy thoái kinh tế, các khoản đầu tư vào bất động sản, vàng, chứng khoán bị xuống giá, trong khi áp lực trả nợ đè nặng. Người dân phải huy động để trả nợ vòng quanh cho nhau.

Các vụ vỡ nợ liên hoàn xảy ra thời gian qua còn là hệ quả của việc buông lỏng quản lý hoạt động tín dụng tư nhân trong một thời gian dài. Do tính chất linh hoạt của loại hình cho vay này, như không cần nhiều thủ tục, không cần khai báo mục đích vay, nên việc vay vốn của kênh này rất dễ dàng.

Trong khi đó, các đối tượng huy động vốn đã đánh vào lòng tham khi hứa hẹn trả lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất bình thường, nên nhiều người đã mang tài sản cá nhân, tài sản của người thân trong gia đình đi thế chấp ngân hàng để vay vốn rồi dùng tiền đó cho vay lại.

Ngoài hai nguyên nhân trên, cơ quan công an còn cho biết, hiện chưa có chế tài để xử lý mạnh hoạt động kinh doanh tín dụng tư nhân, dẫn đến việc các đối tượng ngang nhiên hoạt động.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân chủ quan cũng được chỉ rõ, như hiểu biết về pháp luật của phần lớn nạn nhân còn rất hạn chế; các quy định liên quan đến hoạt động vay - cho vay cũng như các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm “tín dụng đen” chưa được tuyên truyền sâu rộng đến người dân; công tác điều tra, xử lý tội phạm “tín dụng đen” còn gặp nhiều khó khăn do thiếu sự phối hợp giữa các ngành, đơn vị…

Từ việc xác định được nguyên nhân của các vụ án “tín dụng đen”, trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm đã phá án thành công hàng loạt vụ án lớn và nhận được sự ngợi khen từ người dân. Đến nay, do nhiều nguyên nhân khách quan, loại tội phạm “tín dụng đen” như cỏ dại vẫn âm thầm hoạt động ở nhiều địa phương. Nhưng với những biện pháp nghiệp vụ, sự mưu trí và lòng dũng cảm, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm đã trở thành “khắc tinh” với loại tội phạm này.

Lãi suất 3%/tháng, cạm bẫy với người gửi tiền
Với lãi suất lên tới 3%/tháng, nhiều công ty tư vấn đầu tư đang thu hút một lượng vốn khủng trong dân theo hình thức ủy thác đầu tư. Đáng lưu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư