Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Khách sạn và Dịch vụ OCH gồng mình gánh lỗ, kế hoạch thoái vốn bất thành
Lâm Vũ - 21/08/2021 08:36
 
Diễn biến phức tạp của Covid-19 đang khiến hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ OCH (OCH Corporation) và các đơn vị thành viên gặp rất nhiều khó khăn.

Lỗ gần 50 tỷ đồng sau nửa đầu năm

Kết thúc quý II/2021, báo cáo tài chính của OCH Corporation cho biết, mặc dù doanh thu thuần đạt 116,7 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận gộp chỉ đạt 32,5 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái, do giá vốn hàng gia tăng.

Trong bối cảnh chi phí quản lý, bán hàng và chi phí tài chính đồng loạt gia tăng (trong đó, chi phí quản lý tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, do công ty con của OCH Corporation bị điều chỉnh giá thuê đất từ năm 2021 tăng hơn 8 lần), khiến OCH Corporation phải trích lập thêm các khoản dự phòng đầu tư. Kết quả là, OCH Corporation báo lỗ 12,9 tỷ đồng trong riêng quý II/2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, OCH Corporation ghi nhận doanh thu giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 214,7 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế lỗ 48,9 tỷ đồng, đảo chiều so với mức lãi 236,6 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020.

Bên cạnh doanh thu hoạt động kinh doanh chính không đủ bù đắp chi phí, thì lợi nhuận của Công ty còn chịu ảnh hưởng đáng kể từ việc doanh thu tài chính sụt giảm do không còn các khoản lợi nhuận từ thoái vốn như cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối tháng 6/2021, tổng lỗ lũy kế của OCH Corporation là 426,1 tỷ đồng, chiếm 21,3% vốn điều lệ. Bên cạnh thua lỗ, dòng tiền kinh doanh cũng kém tích cực, với mức âm 107,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021, chủ yếu do nhu cầu vốn lưu động gia tăng.

Tính đến ngày 30/6/2021, phải thu đang là khoản mục có giá trị lớn nhất trong báo cáo tài sản của Công ty, với giá trị còn lại 768 tỷ đồng, chiếm 28,8% tổng tài sản; giá trị dự phòng phải thu khó đòi lên đến 946,2 tỷ đồng. Chất lượng các khoản phải thu này vẫn là dấu hỏi lớn trong bức tranh tài chính của Công ty cũng như tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động kinh doanh, khi trong báo cáo kiểm toán năm 2020, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC đã có ý kiến ngoại trừ với nhiều khoản khoản phải thu về ứng trước, cho vay ngắn hạn của OCH Corporation.

Kỳ vọng bệ đỡ hoạt động tài chính

OCH Corporation hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản du lịch, quản lý khách sạn, nhà hàng. Công ty đang sở hữu thương hiệu bánh Givral (CTCP Bánh Givral), kem Tràng Tiền (Công ty cổ phần Kem Tràng Tiền) và chuỗi khách sạn, resort tại khu vực miền Trung như Dự án Sunrise Nha Trang, Sunrise Premium Resort & Spa Hoi An, Starcity Nha Trang.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Hội đồng Quản trị Công ty đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay ở mức doanh thu 956,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 50,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 18% và 81% so với thực hiện năm 2020.

Đánh giá về triển vọng kinh doanh năm nay, lãnh đạo OCH Corporation nhận định, tình hình còn rất nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của các đợt bùng phát Covid-19 sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các đơn vị thành viên, đặc biệt là hệ thống khách sạn cũng như sản lượng tiêu thụ ở mảng thực phẩm, gồm cả cả bánh và kem.

Thực tế, số liệu của OCH Corporation cho thấy, trong dịp Tết Tân Sửu, công suất phòng của Khách sạn Starcity Nha Trang chỉ đạt 6%. Khách sạn Sunrise Nha Trang dù đã nhận booking phòng 30-50% công suất, nhưng cũng liên tục bị hủy phòng. Đợt bùng phát dịch bệnh thứ 3 đã khiến một số khách sạn phải đóng cửa đến hết quý I/2021.

Trong quý II/2021, tình hình tiếp tục trở nên khó khăn hơn khi đợt giãn cách xã hội tại TP.HCM và các tỉnh lân cận từ đầu tháng 5/2021 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của OCH Corporation. Với việc dịch bệnh đang ngày càng lan rộng ra các tỉnh, thành phố, buộc các địa phương phải áp dụng các biện pháp giãn cách, cách ly mạnh tay, nên triển vọng kinh doanh của Công ty trong cao điểm mùa hè (quý III) đang hết sức bi quan, thậm chí đình trệ có thể kéo dài sang quý IV.

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính gặp nhiều khó khăn và khó thoát cảnh thua lỗ, thì hoạt động tài chính đang tiếp tục được kỳ vọng có thể trở thành cứu cánh lợi nhuận cho OCH Corporation.

Cụ thể, trong các giải pháp kinh doanh năm 2021, Ban lãnh đạo OCH Corporation dự kiến tiếp tục tái cấu trúc, nghiên cứu thoái vốn ở các công ty không giữ cổ phần chi phối, hoặc có hoạt động kinh doanh không đem lại hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thu hồi công nợ, quyết liệt trong việc xử lý nợ xấu.

Công ty kỳ vọng sẽ hoàn tất thủ tục chuyển nhượng toàn bộ tài sản gắn liền với đất tại thửa đất Lô 45-1, Khu công nghiệp Quang Minh (việc chuyển nhượng đã thực hiện theo hợp đồng ngày 28/12/2020, nhưng sau đó, Công ty nhận được văn bản tạm dừng mọi biến động đối với thửa đất này).

Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo OCH Corporation cũng dự kiến rà soát và xem xét trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thoái vốn tại các dự án không hiệu quả như Công ty cổ phần Viptour - Togi (chủ đầu tư Dự án khách sạn Starcity Westlake, Hà Nội), Công ty TNHH một thành viên Sao Hôm Nha Trang (chủ đầu tư Khách sạn Starcity Nha Trang).

Tại Dự án Saigon Airport (tên gọi khác là Starcity Airport), năm 2019, HĐQT Công ty đã thông qua việc thoái toàn bộ 100% vốn với giá chuyển nhượng tối thiểu là 322,5 tỷ đồng (đã bao gồm thuế VAT), nhưng đến nay, việc chuyển nhượng dự án này vẫn chưa được thực hiện.

Hàng loạt kế hoạch thoái vốn được kỳ vọng có thể đem lại cho OCH Corporation nguồn lợi nhuận tài chính đột biến, tương tự năm 2020, qua đó bù đắp thua lỗ của hoạt động kinh doanh chính. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các kế hoạch này.

Cách thức Ocean Group ứng xử với nợ vô thời hạn
Với Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group), một trong những vấn đề được nhà đầu tư quan tâm là các khoản nợ vô thời hạn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư