Thứ Hai, Ngày 19 tháng 05 năm 2025,
Khẩn trương triển khai các dự án phục vụ APEC 2027 tại Phú Quốc
Trúc Giang - 19/05/2025 14:15
 
Tuần lễ cấp cao APEC 2027 tổ chức tại Phú Quốc là cơ hội lớn để “đảo ngọc” bứt phá mạnh mẽ, phát triển xứng tầm, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Một góc TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Nguồn: KITRA

Khẳng định thương hiệu “Đảo ngọc”

Trên bản đồ du lịch thế giới, thương hiệu “Đảo ngọc” Phú Quốc ngày càng được khẳng định. Sở hữu vị trí địa lý tự nhiên thuận lợi, cảnh quan tươi đẹp với nắng vàng, biển xanh, cát trắng, vườn quốc gia, di sản văn hóa; hạ tầng thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí được quan tâm đầu tư, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện..., Phú Quốc trở thành điểm đến đẳng cấp quốc tế, nơi để tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới.

Vì lẽ đó, không ngạc nhiên khi Phú Quốc là đại diện duy nhất của Việt Nam được độc giả tạp chí DestinAsian bình chọn là 1 trong 10 hòn đảo đẹp nhất khu vực châu Á năm 2025; được chuyên trang du lịch Travel Off Path đưa vào “top 5 điểm đến phát triển du lịch nhanh nhất Đông Nam Á” và hãng thông tấn CNA của Singapore cũng vinh danh Phú Quốc trong danh sách điểm đến năm 2025.

Với sự quan tâm, tập trung đầu tư của Trung ương, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, Phú Quốc đang khẳng định vị thế, dần hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới”. Trong năm 2024, Phú Quốc đã đón và phục vụ hơn 5,9 triệu lượt khách đến tham quan du lịch; trong đó, khách quốc tế đạt 962.000 lượt.

Ông Trần Minh Khoa, Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc cho biết, đến nay, Phú Quốc có hơn 300 dự án, chiếm hơn 86% dự án đầu tư du lịch toàn tỉnh Kiên Giang, với tổng diện tích 9.485 ha, tổng vốn đầu tư 388.410 tỷ đồng. Một số tập đoàn lớn như: Vingroup, Sungroup, Bim Group, CEO Group, Tân Á Đại Thành, Cityland…đã và đang thực hiện các dự án quy mô lớn vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của Phú Quốc.

Riêng về hạ tầng du lịch, theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Nguyễn Chí Thanh, tính đến cuối năm 2024, Phú Quốc có 484 cơ sở lưu trú, với 26.461 phòng. Loại hình cơ sở lưu trú cũng rất đa dạng, từ khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà nghỉ, căn hộ du lịch, bãi cắm trại du lịch… Trong đó, số lượng cơ sở lưu trú cao cấp có 27 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4-5 sao, với 12.703 phòng, chiếm gần 48%/tổng số phòng lưu trú toàn đảo, sẵn sàng phục vụ phân khúc cao cấp.

Hạ tầng du lịch Phú Quốc sẵn sàng phục vụ phân khúc cao cấp. Trong ảnh: Thị trấn Địa Trung Hải Phú Quốc (Nguồn: KITRA)

Triển khai nhanh các dự án phục vụ APEC 2027

Tuần lễ cấp cao APEC 2027 là sự kiện chính trị, ngoại giao đặc biệt quan trọng của quốc gia, Phú Quốc vinh dự được Trung ương tin tưởng chọn là nơi đăng cai tổ chức. Đây là cơ hội lớn để Phú Quốc bứt phá mạnh mẽ, phát triển xứng tầm, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh và của đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, APEC 2027 là cơ hội lịch sử để phát triển Phú Quốc. Với việc tiếp đón hàng nghìn đại biểu, lãnh đạo cấp cao và doanh nhân từ 21 nền kinh tế thành viên APEC, Phú Quốc sẽ trở thành tâm điểm ký kết các Hiệp định thương mại, là nơi xây dựng quan hệ đối tác giữa các cường quốc kinh tế, kéo theo dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, thúc đẩy các ngành kinh tế trọng điểm như du lịch, bất động sản, bán lẻ và dịch vụ bùng nổ phát triển. Đây là cơ hội lớn để Phú Quốc bứt phá trở thành trung tâm du lịch - kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới.

Để chuẩn bị tốt cho Hội nghị APEC 2027, lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Kiên Giang về công tác chuẩn bị triển khai đầu tư hàng loạt dự án, công trình trọng điểm như: Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng hàng không Rạch Giá; Dự án Trung tâm tổ chức Hội nghị APEC và Dự án Đại lộ APEC; các tuyến đường giao thông từ Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc về Trung tâm tổ chức Hội nghị APEC; hệ thống xử lý nước thải, rác thải, cấp nước... Đây là các công trình, dự án được xác định ưu tiên và cân đối nguồn lực để triển khai hiệu quả, bảo đảm mục tiêu kép vừa tổ chức thành công Hội nghị APEC 2027, đồng thời kiến tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển bền vững của Phú Quốc.

Do thời gian từ đây đến thời điểm bắt đầu các sự kiện của Hội nghị (đầu năm 2027) và sự kiện chính Tuần lễ cấp cao APEC 2027 (dự kiến vào tháng 10/2027) không còn nhiều; và cùng lúc phải triển khai đầu tư, xây dựng nhiều công trình, dự án cần thiết. Nếu tiến hành thủ tục đầu tư theo quy định hiện hành là không đảm bảo tiến độ để phục vụ cho việc tổ chức các sự kiện và Tuần lễ cấp cao APEC 2027. Vì vậy, UBND tỉnh Kiên Giang đã có Tờ trình Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách cần thiết để triển khai nhanh các dự án, công trình phục vụ cho Tuần lễ cấp cao APEC 2027 tại TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Về vấn đề này, tại cuộc họp giao nhiệm vụ chuẩn bị các dự án, công trình phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027 vào ngày 4/5/2025, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã thống nhất cần có cơ chế đặc biệt, đặc thù cho Kiên Giang để thực hiện các dự án phục vụ APEC 2027. Bởi đây là những công trình quốc gia đặt trên địa bàn của Kiên Giang.

Đặc biệt, vào ngày 17/5 vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã ký Quyết định số 948/QĐ-TTg về giao nhiệm vụ chuẩn bị các điều kiện và thực hiện một số biện pháp để triển khai nhanh các dự án phục vụ Hội nghị APEC 2027 tại TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan trong việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng phục vụ tổ chức thành công Hội nghị APEC 2027 tại TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, gắn liền với sự phát triển bền vững của địa phương, đất nước.

Khu du lịch Hòn Thơm, Phú Quốc. Nguồn: KITRA

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chấp thuận chủ trương điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan. 

Theo Quyết định nêu trên, UBND tỉnh Kiên Giang chịu trách nhiệm rà soát, lựa chọn, quyết định dự án để triển khai thực hiện phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027 gắn liền với sự phát triển bền vững của địa phương, đất nước; có phương án khai thác hiệu quả, sử dụng lâu dài các dự án sau Hội nghị APEC 2027; đề xuất nhu cầu hỗ trợ vốn ngân sách trung ương và cân đối, bố trí vốn ngân sách địa phương theo cơ chế vốn tại Điều 4 Quyết định này; đồng thời huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án...

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, tỉnh đã chỉ đạo rà soát lại và chọn lọc 29 dự án thành phần với nguồn vốn thực hiện từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách. Bên cạnh đó, tỉnh đề xuất bổ sung dự án về ngầm hoá hệ thống điện và tăng cường chuyển đổi số, số hoá công tác phục vụ APEC 2027.

Đối với Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, vào ngày 9/5 vừa qua, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp Cục Hàng không Việt Nam tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ được mở rộng quy mô, nâng cấp lên cấp 4E theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), hướng tới tiêu chuẩn sân bay quốc tế hiện đại, với công suất dự kiến đạt 10 triệu hành khách/năm vào năm 2030 và 18 triệu hành khách/năm vào năm 2050... Đồng thời, bổ sung diện tích gần 200 ha, nâng tổng số diện tích đất sử dụng dự kiến là 1.050 ha, nhằm đảm bảo cho sự phát triển lâu dài.

Liên quan đến cơ sở lưu trú phục vụ APEC 2027, Phó Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Nguyễn Chí Thanh thông tin, dự kiến sẽ có khoảng 15-20 khách sạn 5 sao để phục vụ lưu trú cho 12.000-15.000 đại biểu tham dự APEC-2027. Trong đó, có khoảng 30 phòng Tổng thống (Presidential Suite/Royal Suite) cho trưởng đoàn, 50 phòng suites cho cấp Bộ trưởng và quan chức cấp cao. Bên cạnh đó, bố trí các khách sạn khác tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao trở lên để phục vụ cho các cơ quan báo chí, doanh nghiệp, Ban Tổ chức và nhân sự hậu cần...

“Như vậy, để chuẩn bị phục vụ cho sự kiện APEC-2027, chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm và làm ngay, làm nhanh để đáp ứng nhu cầu phục vụ các chính khách cũng như về lâu dài tạo bước đột phá phát triển bền vững hậu APEC-2027. Trước những yêu cầu và kỳ vọng lớn của ngành du lịch, nhu cầu ngày càng cao của du khách, các nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị cho sự phục hồi và phát triển trở lại trước khi Chính phủ có chủ trương chọn Phú Quốc làm địa điểm tổ chức APEC-2027; hệ thống lưu trú đã và đang có những bước chuyển mình rõ nét, thông qua việc triển khai các giải pháp đồng bộ như: Nâng cấp, đầu tư mở rộng hệ thống khách sạn cao cấp, đặc biệt là biệt thự nghỉ dưỡng, resort tích hợp dịch vụ hội nghị và giải trí đẳng cấp; nâng cao chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế, từ cơ sở vật chất đến kỹ năng phục vụ, ứng xử chuyên nghiệp và khả năng giao tiếp đa ngôn ngữ...”, ông Nguyễn Chí Thanh chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, xác định việc tổ chức Tuần lễ cấp cao và các sự kiện có liên quan đến Hội nghị APEC 2027 là nhiệm vụ chính trị, đối ngoại quốc gia hết sức quan trọng, với mục tiêu kép là tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC 2027 gắn liền với sự phát triển bền vững TP. Phú Quốc, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện nhiều công việc nhằm chuẩn bị cho khởi công thực hiện các dự án, công trình xây dựng phục vụ tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC với tinh thần hết sức khẩn trương, nghiêm túc, quyết liệt, chặt chẽ, đúng quy định.

Kiên Giang - Top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới năm 2025
Tỉnh Kiên Giang (Việt Nam) đã được nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu Booking.com vinh danh là một trong “10 điểm đến thân thiện nhất thế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư