Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 11 năm 2024,
Kháng thuốc: Thách thức cho hệ thống y tế trong tương lai
D.Ngân - 18/11/2024 07:10
 
Kháng thuốc đang trở thành một thách thức nghiêm trọng đối với sức khỏe toàn cầu và là nguy cơ lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Trần Văn Thuấn đã ký ban hành Quyết định 3465/QĐ-BYT 2024, phê duyệt "Kế hoạch hành động phòng chống kháng thuốc trong y tế" cho giai đoạn 2024-2025.

Bộ Y tế phê duyệt "Kế hoạch hành động phòng chống kháng thuốc trong y tế" cho giai đoạn 2024-2025.

Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ giúp ngăn chặn và kiểm soát tình trạng kháng thuốc, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Theo Bộ Y tế, kháng thuốc đang trở thành một thách thức nghiêm trọng đối với sức khỏe toàn cầu và là nguy cơ lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã từng nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này từ Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2011 với chủ đề: "Không hành động ngày hôm nay, ngày mai không thuốc chữa". Điều này phản ánh tính cấp bách của việc phòng chống kháng thuốc trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, tình trạng kháng thuốc ngày càng gia tăng. Việc sử dụng kháng sinh một cách không hợp lý, thiếu kiểm soát trong cả y tế và nông nghiệp đã khiến nhiều loại vi khuẩn trở nên đề kháng, làm giảm hiệu quả điều trị các bệnh truyền nhiễm và đe dọa các thành tựu y học hiện đại.

Chiến lược quốc gia đặt ra bốn mục tiêu chính là nâng cao nhận thức và kiến thức về kháng thuốc, tăng cường truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng, cán bộ y tế, thú y và người dân về việc sử dụng kháng sinh hợp lý.

Tăng cường hệ thống giám sát kháng thuốc: Thiết lập các cơ sở giám sát tại các bệnh viện, đồng thời đào tạo chuyên môn cho cán bộ y tế về kỹ thuật nuôi cấy, định danh và kháng sinh đồ.

Giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm: Triển khai các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, giảm thiểu nguy cơ lây lan vi khuẩn đề kháng.

Sử dụng thuốc kháng sinh hợp lý và có trách nhiệm: Đảm bảo sử dụng đúng loại kháng sinh, liều lượng và thời gian điều trị để ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc phát triển.

Trên cơ sở chiến lược quốc gia, Bộ Y tế đã xây dựng "Kế hoạch hành động phòng chống kháng thuốc trong y tế giai đoạn 2024-2025".

Mục tiêu của kế hoạch này là làm chậm sự tiến triển của kháng thuốc, kiểm soát sự lây lan của các vi khuẩn kháng thuốc, đồng thời đảm bảo cung cấp và sử dụng hợp lý các loại thuốc kháng sinh.

Kế hoạch cũng đề ra chỉ tiêu cụ thể: 100% các tỉnh, thành phố có kế hoạch phòng chống kháng thuốc được phê duyệt và cấp ngân sách triển khai; tỷ lệ hiểu biết đúng về phòng chống kháng thuốc ở người trưởng thành đạt ít nhất 50% và ở nhân viên y tế đạt 60%.

Đặc biệt, hệ thống giám sát sẽ được mở rộng, với sự tham gia của 50% bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất một bệnh viện tham gia.

Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch hành động phòng chống kháng thuốc.

Những nỗ lực này đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và các đối tác trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngăn chặn sự gia tăng của tình trạng kháng thuốc.

Việc triển khai kế hoạch hành động giai đoạn 2024-2025 sẽ là bước tiến quan trọng, góp phần vào mục tiêu chung là kiểm soát và ngăn ngừa kháng thuốc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, và hướng tới một tương lai phát triển bền vững cho Việt Nam.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự tính, đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm.

Khi đó, các bệnh thông thường như ho hay chỉ một vết cắt cũng có thể gây tử vong. WHO thậm chí gọi kháng kháng sinh là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư