Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cơ hội đầu tư từ tầm nhìn quy hoạch
Khánh Hòa - Hạ tầng hoàn thiện dẫn lối vốn đầu tư
Nguyễn Toàn - 02/04/2023 10:05
 
Loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại Khánh Hòa đang được triển khai không chỉ giúp hạ tầng đồng bộ, phát triển kinh tế - xã hội, mà còn thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Khu vực phía Tây Nha Trang dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp được đánh giá là tâm điểm thu hút đầu tư mới
Khu vực phía Tây Nha Trang dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp được đánh giá là tâm điểm thu hút đầu tư mới

Nhiều dự án được triển khai

Khánh Hòa có mạng lưới giao thông vận tải khá phong phú, hội tụ đầy đủ các loại hình vận tải như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và hàng không, trong đó đường bộ giữ vai trò quan trọng trong cả hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa.

Trong những năm gần đây, nhiều công trình giao thông, đặc biệt là các tuyến quốc lộ, các trục giao thông quan trọng, cảng hàng không, cảng biển đã và đang được đầu tư xây dựng, cải tạo. Mới đây nhất, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong đã đưa vào khai thác Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 1 đi Đầm Môn (huyện Vạn Ninh), với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, dài 14,3 km.

Tuy nhiên, hệ thống giao thông - vận tải tỉnh Khánh Hòa còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tỷ lệ gia tăng dân số và khách du lịch, thường bị tắc nghẽn giao thông vào mùa du lịch.

Theo Quy hoạch Phát triển giao thông tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển, hàng không và cảng ICD. Trong đó, đường bộ tiếp tục được định hướng là phương thức vận tải chủ đạo, phục vụ mục tiêu thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế đột phá trong giai đoạn tới.

Các Dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh khi hoàn thành sẽ phục vụ tích cực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế biển; giải quyết tốt tổ chức giao thông đô thị tại TP. Nha Trang, khai thác có tiềm năng kinh tế biển để phát triển ngành logistics, các ngành công nghiệp biển có thế mạnh.

- Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Khánh Hòa

Cụ thể, đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa sẽ từng bước hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông gồm xây dựng và đưa vào khai thác tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn trên địa bàn tỉnh (gồm 4 đoạn tuyến, dài 145 km), cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (dài 118 km). Tuyến cao tốc Nha Trang - Liên Khương dài 34 km sẽ được triển khai sau năm 2030.

Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa cũng nâng cấp, duy tu, bảo trì 5 tuyến quốc lộ hiện hữu là Quốc lộ 1, Quốc lộ 26, Quốc lộ 26B, Quốc lộ 27B, Quốc lộ 27C; nghiên cứu chuyển đổi tuyến Quốc lộ 1C thành đường tỉnh.

Về quy hoạch giao thông tuyến đường bộ ven biển, tỉnh Khánh Hòa có điểm đầu tại Vạn Thọ (Vạn Ninh), điểm cuối tại Cam Lập - Cam Ranh, giáp ranh tỉnh Ninh Thuận, dài 154 km, trong đó đầu tư xây dựng mới đoạn từ Vạn Giã đến Ninh Hòa (theo quy hoạch tuyến ĐT.651B).

Liên quan quy hoạch này, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phân bổ nguồn vốn Trung ương để hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông ven biển từ Tuần Lễ (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) đến thị xã Ninh Hòa (gần 40 km) với nguồn vốn 3.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, xây dựng đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gu kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Thành, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Ngày 17/3, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã có ý kiến về việc thẩm định chủ trương đầu tư dự án đường liên vùng kết này với tổng chiều dài 56,9 km; quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 9 m, tổng mức đầu tư 1.930 tỷ đồng.

Dự án được đầu tư sẽ góp phần xóa bỏ tính độc đạo của Tỉnh lộ 9 nối Quốc lộ 1 đoạn qua TP. Cam Ranh đến huyện Khánh Sơn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và tỉnh Khánh Hòa; giúp kết nối liên vùng với hai tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng.

Tâm điểm chú ý mới

Với việc điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040, một trong những nội dung được nhiều chuyên gia góp ý và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư là phương án quy hoạch liên quan đến đường Võ Nguyên Giáp hiện hữu.

Đề cập nội dung này, KTS. Ngô Viết Nam Sơn, cố vấn trưởng Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đánh giá, TP. Nha Trang có tiềm năng, nên sẽ đi đầu theo mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng TOD (Transit Oriented Development) ở Việt Nam, đặc biệt là phát triển 2 trục đô thị mới thẳng góc với bờ biển.

Trong đó, khu vực đường Võ Nguyên Giáp với lộ giới 60 m được chỉnh trang lại để nối thẳng vào khu sân bay Nha Trang cũ (nơi sẽ được chuyển thành khu trung tâm mới hiện đại và cao tầng nhất của TP. Nha Trang). Bên cạnh đó, tuyến đường này cũng được nâng tầm thành trục đường huyết mạch quan trọng nhất theo hướng Đông - Tây của TP. Nha Trang trong tương lai, nối Diên Khánh với khu trung tâm mới ven biển của Nha Trang.

Theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn, đường Võ Nguyên Giáp có tiềm năng đem lại hiệu quả rất cao về kinh tế cũng như quy hoạch đô thị khi đem lại nguồn lợi rất lớn với quỹ đất ở hai bên đường có diện tích khoảng 4.416 ha. Việc hình thành quỹ đất phát triển không chỉ rất hấp dẫn nhà đầu tư trong tương lai, mà nguồn thu từ quỹ đất lớn này sẽ tạo thêm nguồn lực để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại cho cả khu vực.

Khánh Hoà sẽ là đô thị ven biển đáng sống hàng đầu châu Á
Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định Khánh Hoà là trung tâm kinh tế biển lớn của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư