Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua
Khánh thành "cứ điểm bán dẫn" 1,6 tỷ USD; Nhà máy băng dính tesa 55 triệu euro đi vào vận hành
Hạnh Nguyên (tổng hợp ) - 15/10/2023 10:47
 
Khánh thành "cứ điểm bán dẫn" 1,6 tỷ USD tại Việt Nam; Hải Phòng: Khánh thành nhà máy sản xuất băng dính tesa trị giá 55 triệu euro… Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Đề xuất nâng ga Thủ Thiêm thành ga đường sắt trung tâm 

Sở GTVT TP.HCM vừa có công văn gửi Bộ GTVT về phương án tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, đề pô, trạm bảo dưỡng thuộc Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn TP.HCM.

Phương án hướng tuyến đường sắt tốc độ cao qua TP.HCM.
Phương án hướng tuyến đường sắt tốc độ cao qua TP.HCM.

Theo đó, Sở GTVT TP.HCM cho rằng, hướng tuyến chung (đoạn qua địa bàn TP.HCM) được đề xuất trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cơ bản phù hợp với nội dung quản lý không gian theo Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/1/2010).

Sở GTVT TP.HCM thống nhất phương án bố trí tuyến đi “song song” về phía Nam của đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (phía bên phải đường bộ cao tốc theo hướng TP.HCM đi Đồng Nai). Đất dành cho kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc Dự án cần được bố trí trong hành lang đã được quy hoạch và được quản lý ổn định dọc theo đường bộ cao tốc.

Để nghiên cứu, xác định cơ cấu tuyến đi trên cao/đi trên mặt đất (sẽ ảnh hưởng đến tính chính xác của chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt), Sở GTVT TP.HCM đề nghị Tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cần cập nhật đầy đủ các nút giao thông lớn, quan trọng đã hoặc đang được xây dựng, hoặc đã được quy hoạch. Từ đó tránh các giao cắt giữa đường bộ và đường sắt (trong việc xây dựng đường sắt ở các giai đoạn sau, có thể ảnh hưởng lớn đến việc khai thác đường bộ), và tránh những phát sinh, điều chỉnh trong giải pháp bố trí tuyến đường sắt khi triển khai thiết kế cụ thể hơn.

Liên quan đến vị trí và quy mô nhà ga, đề-pô, trạm bảo dưỡng kỹ thuật, Sở GTVT TP.HCM thống nhất vị trí ga Thủ Thiêm với tính chất giao thông “là ga đầu mối đường sắt xây dựng mới khổ 1.435 mm và có nhiệm vụ đón, trả hành khách lên, xuống, đón, phát tàu khách Bắc - Nam” và “là đầu mối trung chuyển khách từ đường sắt sang các phương tiện giao thông công cộng khác (tại quảng trường ga Thủ Thiêm bố trí ga metro, bến xe buýt, taxi, bãi đỗ phương tiện cá nhân phục vụ việc thu gom và phân tán khách đi, đến ga)”.

Về xác lập cụ thể quy mô ga Thủ Thiêm, Sở GTVT TP.HCM cho biết, Bộ GTVT đã có Thông báo số 124/TB-BGTVT ngày 14/4/2021 về kết luận của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn tại cuộc họp với lãnh đạo UBND TP.HCM về tình hình thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố.

Tại Thông báo số 124, lãnh đạo 2 bên thống nhất việc quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực ga đầu mối Thủ Thiêm sẽ do Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu quy hoạch chi tiết khu vực ga đầu mối Thủ Thiêm để có cơ sở quản lý quy hoạch, thống nhất triển khai các dự án đầu tư với Thành phố.

Do đó, Sở GTVT TP.HCM đề nghị Bộ GTVT quan tâm, chỉ đạo các bộ phận chức năng liên quan sớm hoàn thành nội dung đã được thống nhất trên, tổ chức lập quy hoạch nhà ga Thủ Thiêm như một trong những ga đường sắt trung tâm (railway terminal) của TP.HCM cho cả đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, có tổ chức kết nối đồng bộ và hiệu quả với tuyến đường sắt đô thị số 2 TP.HCM, giai đoạn 2 (đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm).

Liên quan đến vị trí quy hoạch đề pô cho tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Sở GTVT TP.HCM cho biết, theo ý kiến của Tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, có thể chuyển vị trí đề-pô (theo quy hoạch được đặt ở khu vực phường Long Trường phía TP.HCM) sang Long Thành (tỉnh Đồng Nai).

Sở GTVT TP.HCM - Cơ quan chuyên môn của TP.HCM nhận thấy phương án này là có cơ sở để xem xét.

Vì vậy, Sở GTVT TP.HCM đề nghị Bộ GTVT yêu cầu các tư vấn (Tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) phối hợp xây dựng rõ các tiêu chí so sánh ưu nhược điểm về các mặt kinh tế - kỹ thuật của từng phương án vị trí đề-pô, để có căn cứ thuyết phục nhất và đề xuất chính thức trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

“Hiện nay, TP.HCM đang tổ chức lập Đồ án điều chỉnh “Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060” và Đồ án “Quy hoạch chung TP. Thủ Đức đến năm 2040”. Do đó, đối với các phương án lựa chọn vị trí đặt đề-pô, đề nghị Bộ GTVT quan tâm giải quyết sớm, để thành phố kịp thời bổ sung, điều chỉnh (nếu có) các Đồ án Quy hoạch đang được triển khai”, công văn của Sở GTVT TP.HCM nêu rõ.

Trước đó, Bộ GTVT đã có công văn số 8742/BGTVT – KHĐT gửi UBND TP.HCM để thỏa thuận phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, đề pô, trạm bảo dưỡng thuộc dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đoạn đi qua địa phận thành phố.

Theo Bộ GTVT, thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/0/2023 của Bộ Chính trị, căn cứ định hướng Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 20501 , ý kiến chỉ đạo của Ban cán sự đảng Chính phủ, hiện nay bộ này đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Bộ GTVT dự kiến hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2023, trình Bộ Chính trị trong tháng 11/2023; hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình, phê duyệt chủ trương đầu tư trước năm 2025.

Quảng Nam điều chuyển hơn 252 tỷ đồng vốn đầu tư công

Trong năm 2023, tổng vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Nam là hơn 9.278 tỷ đồng.  Gồm, kế hoạch vốn năm 2023 sau điều chỉnh là 7.804 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài 1.474 tỷ đồng.

Đến nay, kế hoạch vốn năm 2023 đã phân bổ 7.520 tỷ đồng, đạt 97%.  Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 2.961 tỷ đồng, đạt 98% và vốn ngân sách địa phương 4.558 tỷ đồng, đạt 96%. Kế hoạch vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết 251 tỷ đồng.

Tỉnh Quảng Nam đã khởi công Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đoạn Km15+270 đến Km89+700 có tổng vốn đầu tư 1.848 tỷ đồng.

 Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đoạn Km15+270 đến Km89+700 có tổng vốn đầu tư 1.848 tỷ đồng được tỉnh Quảng Nam khởi công trong tháng 3/2023.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 29/9, tổng vốn đầu công giải ngân  trên địa bàn tỉnh là 4.060 tỷ đồng, đạt 43,8%, tăng gần 2.150 tỷ đồng so với tháng quý II và cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 giải ngân 3.291 tỷ đồng, đạt 42,2%; kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài giải ngân 769 tỷ đồng, đạt 52,1%.

Tỉnh Quảng Nam cho biết đã chỉ đạo quyết liệt và liên tục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Dự án và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Một số dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt chủ trương và điều chỉnh chủ trương đầu tư; điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hồi đất để tiếp tục thúc đẩy đầu tư và đảm bảo điều kiện triển khai các công trình, dự án trên địa bàn.

Đáng chú ý, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn năm 2023 hơn 252 tỷ đồng từ các dự án giải ngân thấp sang các dự án khác có tỷ lệ giải ngân cao và có nhu cầu bổ sung vốn.

Cụ thể, vốn ngân sách Trung ương trong nước 102 tỷ đồng, vốn nước ngoài 87 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 63 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công đã kiểm tra thực tế đối với 8 Sở, ban, ngành và 7 địa phương có kết quả giải ngân đến hết ngày 31/8/2023 dưới 40%. 

Để đảm bảo mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.

Ngoài ra, sẽ giao nhiệm vụ phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện cho từng dự án, nhất là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Triển khai thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng.

Hoàn thành việc nâng cấp 39 km Quốc lộ 31 vào thủ phủ vải thiều Lục Ngạn 

Chiều nay 9/10, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức khánh thành Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31, đoạn Km2+400 - Km44+900, tỉnh Bắc Giang.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quốc lộ 31 có chiều dài khoảng 158km, bắt đầu từ Quán Thành (TP. Bắc Giang) và kết thúc tại Bản Chắt (Lạng Sơn), trong đó, đoạn qua tỉnh Bắc Giang dài khoảng 99km.

Đây là một trong những trục giao thông quan trọng bậc nhất trong mạng lưới giao thông của tỉnh Bắc Giang; đồng thời là trục giao thông đường bộ chính yếu vận chuyển vải thiều Lục Ngạn.

Trên thực tế Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31, đoạn Km2+400 - Km44+900 là công trình hạ tầng được khởi công sớm nhất trong các dự án sử dụng vốn NSNN trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT.

Cụ thể, Dự án có mục tiêu nâng cấp, mở rộng 39 km Quốc lộ 31 từ quy mô đường cấp IV - cấp V thành đường cấp III đồng bằng (bề rộng nền đường 12m, bề rộng mặt đường 11m), 2 làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế 80 km/h; các đoạn qua khu vực đông dân cư, đô thị theo tiêu chuẩn đường phố chính thứ yếu, tốc độ thiết kế 60 km/h.

Dự án có tổng mức đầu tư 863,63 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân sách nhà nước này được khởi công ngày 04/8/2022, hoàn thành theo hợp đồng ngày 14/01/2024.

Tuy nhiên, chủ đầu tư và các đơn vị thi công đã hoàn thành công trình vượt kế hoạch trước 3 tháng so với hợp đồng ký kết. Theo ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31, đoạn Km2+400 - Km44+900 hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thành phố phía Đông của tỉnh Bắc Giang, trong đó có vùng thủ phủ vải thiều Bắc Giang. 

"Dự án còn tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện lưu thông trên tuyến liên tỉnh Bắc Giang - Lạng Sơn với Quốc lộ 1 đi cửa khẩu Bản Chắt và kết nối giao thông với tỉnh Quảng Ninh, giảm TNGT, giảm ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra khi trong những năm gần đây và từng bước hoàn thiện tuyến Quốc lộ 31 theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đánh giá. 

Khu công nghiệp Texhong Hải Hà thu hút đầu tư trên 1,4 tỷ USD

Dự án khu công nghiệp (KCN) Texhong Hải Hà được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cuối tháng 4/2014, với tổng vốn đăng ký 4.520,12 tỷ đồng (215 triệu USD), với quy mô giai đoạn I là 660 ha. KCN Texhong Hải Hà được xây dựng theo định hướng phát triển chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ. Chủ đầu tư hạ tầng là Công ty TNHH KCN Hải Hà Việt Nam.

Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra thực địa quỹ đất dành cho nhà đầu tư thứ cấp tại KCN Texhong Hải Hà. 

Đến nay, KCN Texhong Hải Hà có 19 dự án thứ cấp, tổng diện tích đất và cơ sở hạ tầng đã cho thuê lại khoảng 262 ha. Tổng vốn đầu tư đã đăng ký của 19 dự án thứ cấp và 1 dự án hạ tầng là trên 1,4 tỷ USD. KCN đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 11.000 lao động, với thu nhập bình quân từ 9 đến 11 triệu đồng/tháng.

Ngoài các nhà đầu tư thứ cấp hiện tại, KCN Texhong Hải Hà cũng đang tập trung thu hút 8 dự án tiềm năng. Các dự án này đã ký hợp đồng nguyên tắc thuê đất, thỏa thuận hợp tác, với tổng diện tích đất sử dụng gần 140 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến trên 1,7 tỷ USD, trong đó có dự án của Jinko Solar sản xuất pin năng lượng mặt trời với tổng vốn 1,5 tỷ USD.

Công ty TNHH KCN Hải Hà Việt Nam đã đầu tư xong 1 trạm biến áp 110KVA, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện. Hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 như: Giao thông, cây xanh, xử lý nước thải, nhà máy nước sạch sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng của các nhà đầu tư thứ cấp. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng được đẩy nhanh, đảm bảo quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Trong cuộc thăm và làm việc mới đây của lãnh đạo tỉnh, phía Công ty TNHH KCN Hải Hà Việt Nam đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến điều chỉnh cục bộ Quy hoạch 1/2000 KCN Hải Hà; đề nghị tỉnh xây dựng đường giao thông nằm ngoài ranh giới KCN; tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu san lấp, nguồn cung cấp nước, xây dựng nhà ở xã hội; tiếp tục đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, bàn giao phần diện tích còn lại thuộc dự án. Đồng thời đề nghị tỉnh chấp thuận chủ trương để Công ty được triển khai đầu tư bến cảng chuyên dụng.

Tiếp thu ý kiến của nhà đầu tư, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế điều chỉnh quy hoạch phân khu KCN xong trong năm 2023; từ đó làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, trong đó có Jinko Solar, cũng như triển khai các dự án trong KCN như dự án cảng chuyên dụng.

Cùng với đó, Ban Quản lý khu kinh tế hướng dẫn để thực hiện cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư thứ cấp trong tháng 10/2023. Đồng thời chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn nhà đầu tư khai thác nguồn vật liệu san lấp theo đúng quy định hiện hành; bỏ hết việc cấp nước ở các điểm nhỏ lẻ, tập trung lấy nước ở hồ Trúc Bài Sơn cấp nước cho KCN Texhong Hải Hà.

Sở Công thương hướng dẫn doanh nghiệp, đảm bảo thực hiện theo đúng Quy hoạch Điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về vấn đề nhà ở, ông Cao Tường Huy yêu cầu Công ty TNHH KCN Hải Hà Việt Nam và các nhà đầu tư thứ cấp triển khai thực hiện sớm, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động.

Trong các hoạt động của tổ chức đoàn thể, ngoài hoạt động của tổ chức công đoàn, thì Đảng bộ cơ cở Khu công nghiệp - Cảng biển Hải Hà được thành lập, trực thuộc Đảng bộ huyện Hải Hà từ ngày tháng 11/2022. Đây là Đảng bộ đầu tiên được thành lập tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước với 100% vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

TP.HCM đề xuất 3 phương án gỡ vướng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

UBND TP.HCM vừa có văn bản số 4852/UBND-DA báo cáo tình hình kết quả triển khai Nghị quyết số 40/NQ-CP liên quan Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1 (Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng).

Hiện nay, các cống ngăn triều đã thi công xong phần hạ tầng nhưng chưa thể đưa vào vận hành vì chưa được cấp vốn để hoàn thiện phần thiết bị - Ảnh: Anh Quân

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, hiện nay dự án đang vướng mắc về phương án thanh toán bao gồm thanh toán bằng quỹ đất và bằng tiền.  UBND TP.HCM đã và đang thực hiện nhưng chưa hoàn tất do phát sinh vướng mắc trong việc xác định trách nhiệm của các bên liên quan và lãi vay phát sinh vì chưa xác định được thời gian hoàn thành công trình.

Do dự án kéo dài, tổng mức đầu tư theo ước tính của nhà đầu tư có thể tăng từ 9.976 tỷ đồng (mức đầu tư đã được phê duyệt) lên 13.211 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư cuối cùng do phát sinh sẽ được xác định cụ thể sau khi tính toán, rà soát trách nhiệm các bên liên quan trong việc làm chậm tiến độ hợp đồng.

Để gỡ vướng cho dự án TP.HCM đề xuất 3 phương án,

Phương án 1: Thành phố thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng đã hoàn thành song song cả bằng hình thức trả bằng đất và bằng tiền. Đối với phần giá trị thanh toán bằng tiền, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngân hàng Nhà nước hướng dẫn Ngân hàng BIDV chưa thu nợ, tiếp tục cấp vốn để cho nhà đầu tư hoàn thành dự án. Từ đó, TP.HCM và nhà đầu tư nghiệm thu, thanh toán phần còn lại theo đúng hợp đồng ký kết.

Phương án 2: Quỹ đầu tư phát triển TP.HCM (HFIC) cho vay để thực hiện dự án từ nguồn vốn hoạt động của quỹ.

Phương án 3: HFIC sẽ nhận ủy thác khoảng 1.800 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố để cho nhà đầu tư vay thực hiện dự án theo quy định của Nghị định số 147/2020/NĐ-CP.

Sau khi công trình được nghiệm thu, Thành phố sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng hợp đồng BT đã ký, sau đó nhà đầu tư sẽ thanh toán nợ với HFIC rồi HFIC sẽ hoàn trả lại ngân sách Thành phố.

Qua phân tích 3 phương án, TP.HCM  nhận thấy phương án 3 là phương án khả thi nhất vì phù hợp với các quy định của pháp luật.

Vì vậy, TP.HCM kiến nghị Tổ Công tác Chính phủ thống nhất nguyên tắc chấp thuận các pháp lý đã được Thành phố báo cáo tại Nghị quyết số 40/NQ-CP (trong đó bao gồm hợp đồng và các phụ lục hợp đồng đã được ký kết trước thời điểm ban hành Nghị quyết 40/NQ-CP). Các thủ tục thực hiện sau Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 1/4/2021 phải được thực hiện đúng theo quy định pháp luật hiện hành và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

TP.HCM kiến nghị Tổ Công tác Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận áp dụng quy định tại điều 32 của Nghị định số 147/2020/NĐ-CP để Thành phố ủy thác cho HFIC cho vay dự án hoặc Chính phủ chấp thuận ban hành quy định để HFIC nhận ủy thác cho vay từ ngân sách Thành phố dựa trên quy định tại Điều 38 Luật Ngân sách nhà nước.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng, song không thể tiếp tục thi công do thời gian giải ngân khoản vay tái cấp vốn đã hết hạn từ ngày 30/9/2020 nên Ngân hàng Nhà nước dừng giải ngân cho Ngân hàng BIDV để cấp vốn thực hiện dự án.

Giải phóng mặt bằng ở KKT Dung Quất chậm: Chủ tịch Quảng Ngãi chỉ đạo gỡ vướng

Ngày 10/10, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp với lãnh đạo UBND huyện Bình Sơn và các sở, ngành chức năng của tỉnh để nghe và cho ý kiến chỉ đạo giải quyết các vướng mắc của Công ty Cổ phần thép Hòa Phát.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho rằng, khối lượng giải phóng mặt bằng của huyện Bình Sơn lớn nhất trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, các cống ngăn triều đã thi công xong phần hạ tầng nhưng chưa thể đưa vào vận hành vì chưa được cấp vốn để hoàn thiện phần thiết bị - Ảnh: Anh Quân

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, mặc dù trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh chưa thực sự quan tâm đầy đủ trong việc bố trí đủ nguồn lực, đặc biệt là con người cho huyện Bình Sơn để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp có thẩm quyền giao cho huyện, nhưng lãnh đạo huyện Bình Sơn nói chung và UBND huyện Bình Sơn nói riêng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong việc phối hợp với các sở, ngành, các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các Dự án lớn trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất. Nhờ đó, các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn huyện hoạt động tương đối tốt và đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, đặc biệt là đóng góp trong việc tăng trưởng và thu ngân sách.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng của huyện còn chậm so với yêu cầu đặt ra, làm ảnh hưởng một phần đến môi trường thu hút đầu tư của tỉnh, cũng như ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất, trong đó có dự án Hòa Phát II.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn trực tiếp chỉ đạo giải quyết tất cả các nội dung liên quan đến vướng mắc công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất và đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Sơn chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã cùng vào cuộc để tập trung cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tỉnh sẽ bổ sung biên chế cho huyện Bình Sơn trong năm 2024 từ nguồn biên chế dự phòng của tỉnh theo khối lượng công việc, tạo điều kiện cho huyện thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Được biết, Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 6/2021 với tổng diện tích 279 ha tại Khu kinh tế Dung Quất. Dự án này do Tập đoàn Hòa Phát là chủ đầu tư với tổng vốn khoảng 85.000 tỷ đồng, công suất khoảng 5,6 triệu tấn thép/năm.

Bổ sung 8 dự án đường bộ cao tốc vào Danh mục các dự án quan trọng quốc gia

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1166/QĐ-TTg ngày 10/10/2023 bổ sung danh mục dự án và kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

Cụ thể, bổ sung vào Điều 1 Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 23/7/2022 các công trình, Dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải gồm: Dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; Dự án đường bộ cao tốc Hòa Liên - Túy Loan; Dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; Dự án đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; Dự án đường bộ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành; Dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; Dự án đường bộ cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh.

Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

Theo đó, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà là Phó trưởng ban Thường trực. 

Phó tổng kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ làm Ủy viên Ban Chỉ đạo thay thế đồng chí Nguyễn Tuấn Anh.

Đồng thời, bổ sung các Ủy viên Ban chỉ đạo gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Hà Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp.

Khánh thành "cứ điểm bán dẫn" 1,6 tỷ USD tại Việt Nam 

Ngày 11/10, Amkor Technology Việt Nam tổ chức lễ khánh thành Nhà máy Amkor Technology Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C.

Nhà máy Amkor Technology Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn I là 520 triệu USD và dự kiến tới năm 2035 sẽ tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Được xây dựng trên diện tích 23 ha, Nhà máy Amkor là một trong những nhà máy sản xuất bán dẫn lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. 

Lễ
Lễ khánh thành Nhà máy Amkor Technology Việt Nam.

Trong giai đoạn đầu, nhà máy sẽ tập trung vào việc thử nghiệm, cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới.

Bà Susan Kim, Phó chủ tịch Amkor cho biết, Amkor đến Việt Nam với mục tiêu mở rộng thị trường sản xuất và mong muốn Việt Nam trở thành cứ điểm quan trọng, là cột trụ trong mạng lưới hoạt động và phát triển về lĩnh vực bán dẫn của Tập đoàn trong tương lai.

Amkor thành lập từ năm 1968, thành lập song song giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc, đặt trụ sở tại Hoa Kỳ, Amkor Technology là doanh nghiệp đầu tiên tạo ra sản phẩm bán dẫn tại Hàn Quốc, là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực bán dẫn tại Hàn Quốc, là công ty mang hạt giống về lĩnh vực bán dẫn đầu tiên về Hàn Quốc và mang lại thành công, tiếng vang về lĩnh vực bán dẫn cho Hàn Quốc.

Hiện Amkorcó 20 địa điểm kinh doanh, sản xuất trên toàn cầu với 30.000 nhân viên tại 8 quốc gia, cung cấp hơn 3.000 giải pháp công nghệ cao cho các ứng dụng khác nhau, như ô tô, viễn thông, giải trí, máy tính và các sản phẩm công nghiệp.

Tập đoàn Amkor là thành viên của Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu, được niêm yết trên thị trường chứng khoản Nasdaq của Hoa Kỳ năm 1998 và lọt vào danh sách S&P400; doanh thu 7 tỷ USD năm 2022 và 1,5 tỷ USD trong quý I /2023.

Báo cáo Thủ tướng về khả năng xây cầu cạn cao tốc tại phía Nam

Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT vừa ký công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc nghiên cứu xây dựng cầu cạn khi triển khai các Dự án cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ GTVT cho biết, các dự án đường cao tốc được triển khai tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tính chất đặc thù như: điều kiện địa chất rất yếu, địa hình chia cắt bởi hệ thống kênh, rạch, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Đặc biệt là hầu hết các dự án phải xử lý nền đất yếu với thời gian chờ lún kéo dài (khoảng 12 tháng đến 16 tháng) với nguồn vật liệu chủ yếu là cát, việc tổ chức phương án triển khai thi công các dự án trong khu vực là hết sức khó khăn do đường tiếp cận công trường thông qua đường bộ, đường thủy (kênh, rạch) đều nhỏ, bị hạn chế về chiều cao thông thuyền.

Chính vì vậy, khi nghiên cứu thiết kế để lựa chọn giải pháp công trình, phương án xử lý nền đất yếu cần được xem xét, nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng, toàn diện các yếu tố kinh tế- kỹ thuật để so sánh, quyết định như: sử dụng công trình cầu cạn toàn bộ tuyến; kéo dài cầu vượt sông để giảm chiều cao đắp đầu cầu; xử lý lún bằng cọc xi măng đất, sàn giảm tải.. nhằm giảm thiểu việc sử dụng cát san lấp, rút ngắn thời gian chờ lún, tăng tính ổn định, giảm thiểu các rủi ro trong thi công và quá trình khai thác.

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, các giải pháp này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn (hiện chi phí xây dựng cầu cạn cao hơn khoảng 2,6 lần so với giải pháp đắp nền), dẫn đến suất đầu tư các dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều cao hơn so với các khu vực khác và so với các giải pháp thông thường đang áp dụng hiện nay.

Theo Nghị quyết Đại hội XIII và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 hoàn thành 5.000 km đường cao tốc, do vậy đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn.

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư có hạn, nguồn vật liệu cát khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn có khả năng đáp ứng cho các cao tốc đang triển khai thi công, trên cơ sở đánh giá, so sánh tính kinh tế - kỹ thuật, đối với các tuyến cao tốc đã được cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, triển khai trong giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT đang áp dụng giải pháp: đắp nền bằng cát; xử lý đoạn đắp cao đầu cầu bằng cọc xi măng đất, sàn giảm tải; xây dựng cầu cạn cho các đoạn tuyến có chiều sâu đất yếu lớn.

“Mặc dù phương án đã được phê duyệt cần thời gian xử lý nền dài, sử dụng khối lượng vật liệu cát đắp nền lớn nhưng vẫn bảo đảm các tiêu chí về môi trường, thoát lũ.... và có chi phí đầu tư hợp lý”, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin.

Đối với phương án xây dựng cầu cạn như kiến nghị của các hội, hiệp hội khối sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng có một số ưu điểm về kỹ thuật như: tăng tính ổn định, giảm thiểu các rủi ro do trong thi công và quá trình khai thác; không phụ thuộc nhiều vào nguồn cung vật liệu cát, rút ngắn thời gian thi công; ít ảnh hưởng đến môi trường hơn, điều kiện thoát lũ tốt hơn....

Tiếp thu góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học tại các hội thảo, diễn đàn, ý kiến của các hội, Hiệp hội Xây dựng, Bộ GTVT đã triển khai xây dựng Đề án “Nghiên cứu định hướng giải pháp xây dựng đường cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển bền vững hệ thống hạ tầng giao thông” nhằm đánh giá các giải pháp một cách khách quan, khoa học, cẩn trọng và toàn diện trên nhiều khía cạnh.

“Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả nghiên cứu của Đề án và sử dụng cho các dự án đầu tư tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn tiếp theo”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 5691/VPCP-CN gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ GTVT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc xử lý kiến nghị của Hội, Hiệp hội sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng.

Cụ thể, 8 Hội, Hiệp hội là: Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Hội Bê tông Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam, Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam và Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam đã có buổi tọa đàm về những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Các hội, hiệp hội kiến nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ việc tắc nghẽn tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu sử dụng cho các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp; nghiên cứu xây dựng đường dưới dạng cầu cạn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; tình trạng thiếu hụt nguồn cát và đất đắp nền trong xây dựng đường cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Hải Phòng: Khánh thành nhà máy sản xuất băng dính tesa trị giá 55 triệu euro

Chiều 12/10, Lễ khánh thành Nhà máy tesa Site Hải Phòng đã được diễn ra tại Khu công nghiệp dịch vụ và hàng hải (DEEP C II B) thuộc Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, TP. Hải Phòng.

Lễ khánh thành Nhà máy tesa Site Hải Phòng
Lễ khánh thành Nhà máy tesa Site Hải Phòng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Norman Goldberg, Giám đốc điều hành của tesa SE cho biết: “Nhằm mở rộng sự hiện diện của mình tại khu vực châu Á, tesa chính thức khánh thành nhà máy mới tại Hải Phòng. Đây là một phần trong chiến lược mở rộng sản xuất của tesa SE theo phân vùng địa lý, gia tăng năng lực sản xuất và tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nhằm đảm bảo sự sẵn sàng cung ứng đáng tin cậy trong khu vực về cả sản phẩm cũng như năng lực vận chuyển và thu mua nguyên liệu thô”.

Dự án có tổng vốn đầu tư 55 triệu euro, xây dựng nhà máy rộng 70.000 m2 tại Khu công nghiệp DEEP C II B. Mục tiêu của dự án là để tăng năng lực sản xuất và cung ứng cho thị trường châu Á - một trong những thị trường phát triển mạnh mẽ nhất hiện nay. Động thái này là một phần trong chiến lược của công ty nhằm mở rộng thị trường và rút ngắn khoảng cách đến các khách hàng và nhà cung cấp.

Tesa SE là một công ty đa quốc gia, tesa phát triển băng dính sáng tạo và các giải pháp hệ thống tự dính cho các ngành công nghiệp khác nhau, khách hàng thương mại và người dùng cuối. Hiện, tesa đang vận hành 13 cơ sở sản xuất trên toàn thế giới, bao gồm các nhà máy lớn ở Đức (Hamburg, Offenburg), Italia, Hoa Kỳ, và Trung Quốc. Đã có hơn 130 sản phẩm băng dính tesa có thể được ứng dụng trên ô tô và hơn 70 sản phẩm băng dính dùng trong điện thoại thông minh. Trong ngành in ấn và xây dựng, tesa luôn tiếp cận các phân khúc và quốc gia mới bằng các sản phẩm băng dính đặc biệt của mình.

Nhà máy mới tại Hải Phòng dự kiến sẽ sản xuất ra khoảng 40 triệu mét băng dính mỗi năm, bổ sung hoàn hảo cho năng lực sản xuất trong khu vực, kết hợp với nhà máy đang hoạt động tại Tô Châu, Trung Quốc, được mở cửa từ năm 2005. Năng lực sản xuất bổ sung này sẽ chủ yếu phục vụ nhu cầu phát triển nhanh của thị trường châu Á, đặc biệt cho các ngành công nghiệp ô tô và điện tử.

Trong giai đoạn đầu, Nhà máy tesa Site Hải Phòng sẽ tuyển dụng khoảng 130 nhân viên/lao động làm việc tại đây, tạo cơ hội việc làm cho cộng đồng địa phương. Đặc biệt trong các lĩnh vực kỹ thuật và sản xuất.

Nhà máy cũng đã đạt một dấu mốc quan trọng về phát triển bền vững của tesa. Đó chính là quá trình cấp giấy Chứng nhận tiêu chuẩn Vàng LEED đang được tiến hành tesa xác định phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu và đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi quan trọng này. Nỗ lực đó bao gồm việc giảm nhanh lượng khí thải, cải thiện đáng kể tính bền vững của sản xuất, sản phẩm và đóng gói, cũng như quá trình mua hàng có trách nhiệm.

“Trong những năm tới, tesa SE sẽ chú trọng đầu tư vào việc chuyển đổi thân thiện với môi trường và phát triển sản xuất tại các nhà máy của tập đoàn. Khoảng 50% sản phẩm được sản xuất tại nhà máy tesa Hải Phòng sẽ là băng dính gốc nước. Hệ thống năng lượng điện mặt trời sẽ được lắp đặt và đáp ứng khoảng 10% tổng mức tiêu thụ năng lượng hàng năm tại nhà máy. Cùng với hệ thống xử lý nước mưa, những yếu tố này giúp nhà máy sớm đạt được Chứng nhận tiêu chuẩn Vàng LEED, thể hiện cam kết của tesa trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”, ông Norman Goldberg nhấn mạnh.

Ông Stefan Schmidt, Giám đốc chuỗi Cung ứng của tesa, chịu trách nhiệm về mảng logistics và sản xuất của tesa trên toàn thế giới cho rằng, tham vọng này là minh chứng cho những nỗ lực của tesa SE nhằm giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái bằng cách sử dụng các phương pháp sản xuất bền đồng thời cung cấp các sản phẩm chất lượng cao cho khách hàng.

Tại lễ khánh thành, Ngài Guido Hildner, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam khẳng định: “Nhà máy tesa Site Hải Phòng là thành công bước đầu và rất đáng khích lệ của tesa trong hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Điều đó chứng minh rằng tesa đã đúng khi lựa chọn Việt Nam làm nơi đầu tư và phát triển.

Nhà máy này mang đến công nghệ mới nhất và tiên tiến nhất cho Việt Nam, đồng thời tạo ra cơ hội việc làm với môi trường làm việc tốt. Và nhà máy còn được thiết kế với mục tiêu giảm thiểu tác động môi trường và hỗ trợ cho một tương lai bền vững hơn tại Việt Nam. Việc đặt nhà máy tại Hải Phòng là một sự thích nghi với thực tế và xu hướng hiện nay. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng trở nên quan trọng hơn trong nền kinh tế toàn cầu và sự hiện diện của tesa Site ở đây là thiết yếu”.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, đồng hành cùng với nhà đầu tư từ những ngày đầu tiên, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (HEZA) vui mừng khi thấy nhà máy đã được hoàn thành xây dựng và chính thức đi vào hoạt động ngày hôm nay.

“Dự án này sẽ giúp cho nhân lực của TP. Hải Phòng có cơ hội tiếp cận với các bí quyết công nghệ, các lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu và khả năng đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm. Trong số các dự án của Cộng hòa Liên bang Đức tại Hải Phòng, dự án của tesa SE là một dự án được thành phố Hải Phòng rất quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng sẽ trở thành dự án động lực thúc đẩy tăng trưởng đầu tư, thương mại giữa Đức và Thành phố Hải Phòng”, ông Kiên khẳng định.

Trong những năm gần đây, Hải Phòng luôn nằm trong top đầu của cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Tính đến hết tháng 9/2023, thu hút đầu tư nước ngoài đã đạt hơn 3 tỷ USD, xếp thứ nhất cả nước. Hải Phòng đã nhận được nhiều kỳ vọng của Trung ương trong việc phát triển TP. Hải Phòng trở thành Thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.

Trưởng ban HEZA mong muốn, đề nghị Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Thành phố Hải Phòng hơn nữa trong các lĩnh vực như: chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng xanh và tái tạo, đào tạo nghề và giáo dục, chuyển đổi số, công nghiệp chế tạo... Kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Đức đến và đầu tư các dự án mới tại Thành phố, hình thái hệ sinh thái các doanh nghiệp Đức tại Hải Phòng. Đặc biệt, mong muốn Tập đoàn tesa sẽ có kế hoạch mở rộng sản xuất hơn trong thời gian tới và sẽ có một trung tâm nghiên cứu và phát triển của tesa tại Hải Phòng.

Hậu Giang đề nghị bổ sung dự án điện gió vốn 3.464 tỷ đồng vào quy hoạch

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa vừa ký Công văn số 1549/UBND-NCTH, ngày 9/10/2023 gửi Bộ Công thương về việc đề nghị bổ sung Dự án Nhà máy điện gió Long Mỹ 2, tỉnh Hậu Giang vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Công văn nêu trên, UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, vị trí quy hoạch các trụ tuabin điện gió của Dự án đặt tại khu vực xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, diện tích khoảng 9,89 ha. Khu vực này đã được UBND tỉnh Hậu Giang thống nhất về chủ trương cho Công ty Envision Energy Limited (Hong Kong) khảo sát đo gió và nghiên cứu Dự án tại Công văn số 1050/UBND-NCTH ngày 22/7/2022.

Diện tích của Dự án không chồng lấn với các dự án khác, không nằm trong rừng phòng hộ. Vị trí, diện tích sử dụng cho Dự án sẽ được nghiên cứu chuẩn xác trong các bước tiếp theo nhằm đảm bảo tính phù hợp, khả thi, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giảm thiểu các ảnh hưởng đến không gian phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các hoạt động dân sinh trong khu vực.

Về vị trí đấu nối Dự án, Nhà máy điện gió Long Mỹ 2 sẽ được đấu nối vào TBA 220 kV điện gió Long Mỹ 1, chiều dài khoảng 10 km bằng các đường dây trung áp 35 kV, quy mô xây dựng như sau: lắp thêm 01 MBA 220/35 kV, công suất 125 MVA tại TBA 220 kV điện gió Long Mỹ 1 phục vụ đấu nối Nhà máy điện gió Long Mỹ 2 thông qua các đường dây trung áp 35 kV; tận dụng hạ tầng đấu nối Nhà máy điện gió Long Mỹ 1 (dự án Nhà máy điện gió Long Mỹ 1 dự kiến xây dựng tại tại khu vực xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ đã được cập nhật bổ sung vào Quy hoạch điện VIII).

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, tỉnh Hậu Giang là vùng có gió mạnh, ổn định, ít chịu ảnh hưởng của bão, là điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án điện gió. Dự án Nhà máy điện gió Long Mỹ 2, tổng công suất 100 MW được xây dựng sẽ đáp ứng nhu cầu nguồn điện tại chỗ của tỉnh, giảm bớt lượng điện truyền tải từ nơi khác về tỉnh, đảm bảo an toàn cung ứng điện nội bộ và nguồn cấp điện cho nhu cầu đang tăng cao của huyện Long Mỹ, TP. Vị Thanh và khu vực lân cận; phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và chủ trương của tỉnh về phát triển năng lượng tái tạo.

Do đó, UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự án Nhà máy điện gió Long Mỹ 2, tỉnh Hậu Giang vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; làm cơ sở để tỉnh triển khai thực hiện.

Trước đó, ngày 22/7/2022, UBND tỉnh Hậu Giang đã có Công văn thống nhất chủ trương cho Công ty Envision Energy Limited (Hong Kong) khảo sát đo gió và thiết kế hồ sơ dự án Nhà máy điện gió Long Mỹ 2 tại xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Dự án có công suất sản xuất điện năng lượng gió là 100MW; tổng mức đầu tư dự kiến 3.464 tỷ đồng.

Phú Yên sử dụng đất phát sinh từ cao tốc vào 69 dự án đầu tư công

Ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên vừa ký văn bản yêu cầu Sở Giao thông vận tải cập nhật danh mục 69 Dự án đầu tư công có nhu cầu sử dụng nguồn đất thừa của Dự án Tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam để thông báo đến các chủ đầu tư, đơn vị thi công biết và phối hợp với các địa phương thực hiện việc vận chuyển, tập kết và quản lý sử dụng lượng đất dư thừa khi có phát sinh nhu cầu.

UBND các địa phương có địa điểm dự kiến thực hiện dự án đầu tư công cần xem xét, lựa chọn ưu tiên phù hợp, tạo điều kiện về mặt bằng, đường vận chuyển và phối hợp với đơn vị thi công, chủ đầu tư quản lý chặt chẽ nguồn đất trong quá trình sử dụng.

Ban Quản lý dự án 7 và Ban Quản lý Dự án 85 và các đơn vị thi công trong quá trình vận chuyển, tập kết, quản lý lượng đất, đá dôi dư cần phải thực hiện tốt các quy định về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và không được làm ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Chỉ đạo trên của UBND tỉnh Phú Yên dựa trên đề nghị của Sở Xây dựng về các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh dự kiến có nhu cầu sử dụng nguồn đất tái sử dụng phát sinh từ Dự án Công trình tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên.

Theo UBND tỉnh Phú Yên, 6 huyện, thị xã hiện có 69 dự án đầu tư công với tổng diện tích 157,779 ha; nhu cầu dự kiến khối lượng đất san lấp mặt bằng là 3.144.961 m3.

Một số địa phương dự kiến có nhu cầu đất san lấp lớn như thị xã Sông Cầu có 20 dự án, tổng diện tích 54,52 ha, khối lượng đất san lấp hơn 1,2 triệu m3; thị xã Đông Hòa có 8 dự án, tổng diện tích hơn 55,67 ha, khối lượng đất san lấp hơn 1,1 triệu m3.

Cùng với đó, một số dự án có nhu cầu đất san lấp lớn như Dự án Nghĩa trang huyện Đông Hòa giai đoạn 1 (nay là thị xã Đông Hòa) có diện tích 50,5 ha, nhu cầu hơn 1 triệu m3 đất san lấp; Dự án Đường Hòa Hiệp – Phú Dương (giai đoạn 1, thị xã Sông Cầu) tổng diện tích 5,5 ha, nhu cầu 225 nghìn m3 đất san lấp.

Quảng Ngãi: Đề nghị điều chỉnh thời gian xây đập dâng gần 1.500 tỷ đồng đến hết năm 2024

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở tài chính về việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi nhận được Tờ trình số 615/TTr-BQL ngày 3/10/2023 của Ban quản lý dự án đầu tư các công trình Giao thông tỉnh (chủ đầu tư) về việc thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc. Trong đó, chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024.

Để có cơ sở tổng hợp tham mưu trình UBND tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đề nghị các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính có ý kiến về nguồn vốn và kế hoạch vốn bố trí cho dự án và có văn bản gửi Sở trước ngày 18/10/2023 để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Được biết, Dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1509/QĐ-UBND ngày 31/8/2018 với tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng.

Quy mô dự án gồm 19 khoang cống, 4 tràn piano, 2 đường cá đi, cầu giao thông 974m, đường trên đảo Ngọc 320m.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện dự án, khởi công xây dựng công trình từ tháng 7/2019. Đến nay, công trình đã hành thành được 86% giá trị hợp đồng (tính đến ngày 26/9/2023).

Trong đó, phía bờ Bắc đã cơ bản hoàn thành phần thủy lợi và cầu giao thông kết nối tuyến đường Hoàng Sa đến trụ T8B (còn vướng mặt bằng khoang 8B và khoang tràn piano số 2 nên chưa kết nối với đảo Ngọc); phía bờ Nam đã cơ bản hoàn thành các hạng mục thủy lợi, cầu giao thông, đảm bảo kết nối với đảo Ngọc với đường Trường Sa.

Trước đó, vào tháng 8/2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hiện công trình có nhiều sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện. Trong lúc chờ khắc phục vi phạm, Quảng Ngãi lại gặp khó khăn về ngân sách, cùng với dịch Covid-19 nên phải tạm dừng thi công.

Trong đó, nổi cộm nhất là việc tỉnh Quảng Ngãi chi 200 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương cho dự án là trái với quy định Chính phủ, vì Trung ương bố trí số tiền này chỉ ưu tiên cho những dự án cấp bách, trong khi đập dâng sông Trà Khúc là dự án đầu tư trung hạn.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận công trình này có nhiều vi phạm, như: chưa phù hợp quy hoạch chung TP. Quảng Ngãi; khi quyết định phê duyệt chủ trương dự án, chưa phù hợp với quy hoạch thủy lợi, chưa phù hợp với quy hoạch ngành giao thông, quy hoạch tài nguyên nước; chưa có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và không cân đối được nguồn vốn.

Tại báo cáo thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội liên tục trích dẫn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về dự án này. Theo đó, Dự án đập dâng sông Trà Khúc bị “điểm danh” vì điều chỉnh vốn lớn, quyết định đầu tư chưa xác định rõ nguồn vốn, xác định tổng mức đầu tư thiếu chính xác.

Cụ thể, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư 2 lần từ 60,648 tỷ đồng lên 1.498 tỷ đồng (gấp hơn 24 lần).

Khánh thành "cứ điểm bán dẫn" 1,6 tỷ USD tại Việt Nam
Ngày 11/10, Amkor Technology Việt Nam tổ chức lễ khánh thành Nhà máy Amkor Technology Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư