Thứ Ba, Ngày 01 tháng 04 năm 2025,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua
Khánh thành nhà máy 1,3 tỷ USD tại Bình Dương; Khởi công Trung tâm Logistics 1.500 tỷ đồng
Hạnh Nguyên (tổng hợp ) - 30/03/2025 07:11
 
LEGO khánh thành nhà máy 1,3 tỷ USD tại Bình Dương vào ngày 9/4; Khởi công dự án Trung tâm Logistics Chân Mây… Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

LEGO khánh thành nhà máy 1,3 tỷ USD tại Bình Dương vào ngày 9/4

Nhà máy trị giá 1,3 tỷ USD của Tập đoàn LEGO tại Khu công nghiệp VSIP III, Bình Dương sẽ chính thức khánh thành vào ngày 9/4/2025. Đây là dự án có tiến độ nhanh nhất trong số các nhà máy cùng quy mô của LEGO, được triển khai đúng kế hoạch nhờ sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương và địa phương. Nhà máy bắt đầu vận hành thử từ tháng 11/2024, với sản phẩm “Made in Vietnam” đầu tiên dự kiến xuất xưởng vào nửa cuối năm 2024.

Nhà máy của LEGO bắt đầu vận hành thử nghiệm vào đầu tháng 11/2024

Dự án có diện tích 44 ha với 5 tòa nhà chính, tổng diện tích xây dựng khoảng 150.000 m². LEGO đã lắp đặt 12.400 tấm pin mặt trời với công suất 7,34 MWp, đủ điện cho khoảng 1.270 hộ/năm. Dây chuyền đóng gói sử dụng túi giấy thay vì túi nhựa và hướng đến mục tiêu không phát sinh rác thải chôn lấp. Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cam kết tháo gỡ các vướng mắc còn lại trước ngày 30/3/2025 để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của LEGO.

Quảng Trị khởi công khu cảng cạn 236 tỷ đồng

Ngày 25/3, tỉnh Quảng Trị tổ chức khởi công Dự án Khu cảng cạn Vsico Quảng Trị tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa. Dự án do Công ty CP Hàng hải Vsico làm chủ đầu tư, có tổng vốn khoảng 236 tỷ đồng, diện tích 8,6 ha, nằm trong Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo.

Dự án nhằm xây dựng hệ thống kho bãi, thiết bị, hạ tầng kỹ thuật phục vụ bốc dỡ, lưu trữ và thông quan hàng hóa. Sau khi hoàn thành, cảng cạn dự kiến đạt sản lượng thông quan 50.000–100.000 TEU container và 1 triệu tấn hàng rời mỗi năm.

Công ty CP Hàng hải Vsico, cảng cạn Vsico, khởi công Dự án, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá, ông Hà Sỹ Đồng
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án Khu Cảng cạn Vsico Quảng Trị

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và đẩy nhanh đô thị hóa. Ông yêu cầu nhà đầu tư tổ chức thi công quyết liệt, bài bản, bảo đảm chất lượng, an toàn và tiến độ, phấn đấu hoàn thành giai đoạn 1 vào quý I/2026. Các cơ quan liên quan được giao phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo điều kiện thi công và đưa dự án sớm vào hoạt động hiệu quả.

Khởi công 2 dự án hơn 4.000 tỷ đồng tại khu công nghiệp Phong Điền, TP Huế

Ngày 25/3, tại Khu công nghiệp Phong Điền (TP. Huế), hai dự án lớn với tổng vốn hơn 4.000 tỷ đồng đã được khởi công.

Dự án thứ nhất là Nhà máy sản xuất kính hoa siêu trắng Đạt Phương do Công ty CP Kính Đạt Phương đầu tư, quy mô 12,18 ha, vốn 2.000 tỷ đồng, công suất 400 tấn/ngày. Nhà máy sẽ sản xuất kính xây dựng và kính cho tấm pin mặt trời đạt tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ, tạo việc làm cho 400 lao động và đóng góp khoảng 150 tỷ đồng/năm cho ngân sách.

Lễ khởi công Dự án nhà máy sản xuất kính hoa siêu trắng Đạt Phương
Lễ khởi công Dự án nhà máy sản xuất kính hoa siêu trắng Đạt Phương

Dự án thứ hai là Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza do Công ty CP Vật liệu CNC Creanza đầu tư, diện tích 12,72 ha, vốn 2.187 tỷ đồng. Nhà máy có công suất 72.000 tấn cristobalite và 1,6 triệu m² đá thạch anh/năm, dự kiến hoạt động từ quý I/2027, tạo việc làm ổn định cho 300–400 lao động, đóng góp khoảng 96 tỷ đồng/năm.

Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Phương cam kết đồng hành, tạo điều kiện tối đa để các dự án hoàn thành đúng tiến độ và phát triển bền vững.

Hà Nội đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt và đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1078/UBND-ĐT nhằm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về đẩy nhanh tiến độ Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các dự án đường sắt trọng điểm. Thành phố yêu cầu các quận, huyện liên quan khẩn trương hoàn thành giải phóng mặt bằng đúng thời hạn; Sở Tài chính tham mưu chuyển nguồn vốn và thống nhất điều chỉnh dự án thành phần tại tỉnh Hưng Yên.

Phối cảnh một đoạn Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông cần chuẩn bị hồ sơ để kịp khởi công vào ngày 19/5/2025. Đồng thời, các sở ngành và địa phương phải phối hợp triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các dự án đường sắt như tuyến tốc độ cao Bắc - Nam, Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.

Với tuyến đường sắt đô thị số 2.1 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo), thành phố giao Sở Tài chính tham mưu ứng vốn ngân sách trong thời gian chờ đàm phán vay ODA; đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan sớm di dời Tiểu đoàn 10 để triển khai dự án đúng tiến độ.

Hà Nội chốt phương án tuyến đường nối với Sân bay Gia Bình

UBND TP. Hà Nội vừa thống nhất phương án tuyến đường kết nối từ sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) về trung tâm Thủ đô, đoạn đi qua địa phận Hà Nội dài 14 km, trong đó có 7 km xây mới và 7 km trùng tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên/Vành đai 3. Tuyến sẽ kết nối qua ga Trung Mầu và nút giao cầu Tứ Liên, bảo đảm liên kết vùng và giao thông thuận tiện.

Thành phố giữ nguyên vị trí tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, đề xuất điều chỉnh cục bộ để thuận lợi cho thiết kế nút giao. Hà Nội cũng sẽ phối hợp Bắc Ninh lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 hai bên tuyến đường, thúc đẩy phát triển đô thị và các khu TOD (giao thông định hướng).

Về cơ chế đầu tư, Hà Nội đề xuất hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BT, mỗi địa phương chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng và sử dụng quỹ đất đối ứng thuộc địa bàn mình. Hai bên sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng trong tuần cuối tháng 3/2025 để xin chủ trương triển khai dự án.

Hậu Giang chấm dứt hoạt động Nhà máy Điện gió Long Mỹ 1

UBND tỉnh Hậu Giang đã thống nhất chấm dứt hoạt động Dự án Nhà máy Điện gió Long Mỹ 1 do Công ty Envision Energy (Hồng Kông) Limited và Công ty Envision Energy Viet Soc Wind Power Investment Limited làm chủ đầu tư.

Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2020, cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2021, với tổng vốn 3.220 tỷ đồng, công suất thiết kế 100 MW, đặt tại huyện Long Mỹ.

UBND tỉnh giao Sở Tài chính thực hiện thủ tục chấm dứt dự án theo quy định; giao Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp UBND huyện Long Mỹ quản lý, theo dõi việc sử dụng đất sau khi dự án dừng hoạt động. Đồng thời, yêu cầu nhà đầu tư hoàn tất thủ tục thanh lý và nghĩa vụ liên quan theo pháp luật.

Hải Dương dừng 6 dự án đầu tư công, lập quy hoạch 198 đồ án khu dân cư mới

Tỉnh Hải Dương vừa tạm dừng 6 dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách tỉnh với tổng vốn hơn 1.600 tỷ đồng nhằm thực hiện kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Các dự án dừng gồm 1 dự án xây dựng Khu hành chính tập trung, 2 dự án sửa chữa trụ sở Tòa án và Viện Kiểm sát tỉnh, cùng 3 dự án công nghệ thông tin và phát thanh - truyền hình.

Năm 2025, các địa phương đề xuất danh mục 198 quy hoạch chi tiết khu dân cư mới (Ảnh minh họa). Ảnh: Thành Chung
Năm 2025, các địa phương đề xuất danh mục 198 quy hoạch chi tiết khu dân cư mới (Ảnh minh họa). Ảnh: Thành Chung

Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tạm dừng triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng mới, sửa chữa trụ sở, hội trường, nhà văn hóa, công an cấp xã... nếu chưa thi công.

Về quy hoạch, năm 2025, các địa phương trong tỉnh đề xuất lập 198 đồ án quy hoạch chi tiết khu dân cư mới (gồm 73 đồ án chuyển tiếp và 125 đồ án mới). Tỷ lệ phê duyệt các đồ án năm 2024 còn thấp, mới đạt khoảng 17%. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản yêu cầu chỉ đưa vào danh mục quy hoạch các dự án phục vụ tái định cư, phát triển trọng điểm, an ninh quốc phòng và các nhu cầu cấp thiết.

Cầu cảng số 3 Vũng Áng - Hà Tĩnh chính thức được mở cửa

Ngày 25/3/2025, Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam (Bộ Xây dựng) chính thức công bố mở cầu cảng số 3 thuộc bến cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh. Cầu cảng do Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt quản lý, đặt tại Khu kinh tế Vũng Áng (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh), bắt đầu khai thác từ ngày 25/3/2025.

Cầu cảng Vũng Áng số 3 chính thức được khai thác từ 25.03.2025
Cầu cảng Vũng Áng số 3 chính thức được khai thác từ 25/03/2025.

Cầu cảng có kết cấu bến liền bờ, dài 225m, tiếp nhận tàu hàng tổng hợp trọng tải đến 45.000 DWT, lượng giãn nước tối đa 55.052 tấn. Cảng có chức năng tiếp nhận tàu, bốc xếp hàng hóa và cung cấp các dịch vụ hàng hải liên quan.

Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước chuyên ngành tại khu vực này. Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt phải đảm bảo khai thác đúng mục đích, an toàn, tuân thủ pháp luật và các quy định kỹ thuật liên quan.

Khởi công Dự án khu công nghiệp VSIP Thái Bình rộng 333,4 ha

Ngày 26/3/2025, dự án Khu công nghiệp VSIP Thái Bình (rộng 333,4 ha, vốn đầu tư gần 212 triệu USD) chính thức được khởi công tại huyện Thái Thụy, với sự tham dự trực tuyến của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong từ Trụ sở Chính phủ.

Dự án do Công ty CP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đầu tư, hướng đến mô hình khu công nghiệp cac-bon thấp, tích hợp công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường. Đây là biểu tượng cho quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia, nối tiếp thành công của 20 khu VSIP đang hoạt động tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công dự án khu công nghiệp VSIP Thái Bình từ Trụ sở Chính phủ. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng mô hình VSIP thế hệ mới sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và tăng cường hợp tác doanh nghiệp. Thủ tướng Singapore khẳng định niềm tin vào tiềm năng phát triển của Việt Nam và cam kết phát triển các khu VSIP thông minh, xanh và hiệu quả hơn.

Dự án được kỳ vọng trở thành động lực phát triển công nghiệp bền vững cho Thái Bình, kết nối thuận lợi với cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), góp phần thu hút đầu tư công nghệ cao và sản xuất chế tạo. Tại lễ khởi công, VSIP cũng trao biên bản ghi nhớ cho 11 nhà đầu tư thứ cấp và 25 suất học bổng cho học sinh địa phương.

Thông xe kỹ thuật cầu vượt sông Hương 2.280 tỷ đồng

Ngày 26/3/2025, UBND TP. Huế tổ chức lễ thông xe kỹ thuật cầu Nguyễn Hoàng vượt sông Hương, thuộc Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, tổng vốn đầu tư hơn 2.280 tỷ đồng. Công trình hoàn thành sau 814 ngày thi công, vượt tiến độ gần 9 tháng, chào mừng 50 năm Ngày giải phóng TP. Huế.

Các đại biểu làm lễ cắt băng thông xe kỹ thuật cầu vượt Nguyễn Hoàng
Các đại biểu làm lễ cắt băng thông xe kỹ thuật cầu vượt Nguyễn Hoàng.

Cầu có thiết kế độc đáo lấy cảm hứng từ hình tượng Hạc chầu Thiên Mụ, với các trụ chữ “V” tượng trưng đàn hạc, mang đậm bản sắc cố đô. Dự án góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, giảm tải cho Quốc lộ 1A và các tuyến nội đô, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh phía Tây TP. Huế.

Ngoài ra, dự án tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, du lịch dịch vụ, nâng cao đời sống dân sinh và khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên tuyến, góp phần mở rộng đô thị Huế và tăng thu ngân sách địa phương.

Khởi công dự án Trung tâm Logistics Chân Mây 

Chiều 26/3/2025, Công ty CP Tập đoàn LEC (LEC Group) chính thức khởi công Dự án Trung tâm Logistics Chân Mây tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, huyện Phú Lộc, TP. Huế. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, quy mô 33,62 ha, bao gồm hệ thống kho bãi hiện đại, trung tâm điều phối hàng hóa, dịch vụ hải quan và vận chuyển đa phương thức.

Phối cảnh Dự án Trung tâm Logistics Chân Mây
Phối cảnh Dự án Trung tâm Logistics Chân Mây.

Dự án được kỳ vọng nâng cao năng lực logistics của Huế, tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung, và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa quốc gia và quốc tế. LEC Group cam kết triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn và tiêu chuẩn môi trường.

Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Phương đánh giá cao năng lực của nhà đầu tư và khẳng định địa phương sẽ đồng hành, hỗ trợ tối đa để dự án sớm hoàn thành, đáp ứng nhu cầu bến bãi và vận chuyển tại cảng Chân Mây. Trong lễ khởi công, LEC Group cũng ký kết hợp tác với nhiều đối tác chiến lược nhằm thu hút thêm doanh nghiệp, đưa Chân Mây trở thành trung tâm logistics hàng đầu miền Trung.

TP.HCM ban hành kế hoạch đầu tư 355 km metro, tuyến số 2 khởi công cuối năm 2025

Ngày 26/3/2025, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch đầu tư 355 km đường sắt đô thị (metro) đến năm 2035, theo Nghị quyết 188 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TP.HCM và Hà Nội. Kế hoạch gồm 7 nhóm công việc trọng tâm, 74 nhiệm vụ cụ thể với mốc thời gian rõ ràng, giao trách nhiệm chi tiết cho từng sở, ngành.

Hiện nay, TP.HCM mới xây dựng được một tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên - Ảnh: Lê Toàn

Tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) sẽ là dự án khởi công sớm nhất, dự kiến vào tháng 12/2025. Trước đó, Thành phố sẽ hoàn tất thủ tục chuyển đổi nguồn vốn từ ODA sang đầu tư công và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu.

Đối với 6 tuyến còn lại, TP.HCM sẽ tập trung hoàn thiện thủ tục, giải phóng mặt bằng giai đoạn 2025–2027, dự kiến khởi công năm 2027 và hoàn thành vào năm 2035. Tổng vốn đầu tư toàn bộ hệ thống metro trong 10 năm tới ước tính 40,2 tỷ USD, huy động từ nhiều nguồn như ngân sách địa phương, phát hành trái phiếu, và vốn ODA.

UBND TP.HCM yêu cầu Ban Quản lý đường sắt đô thị tổ chức lại mô hình quản lý đầu tư trong năm 2025 để đáp ứng yêu cầu triển khai nhanh, hiệu quả hệ thống metro theo cơ chế đặc thù.

Kiến nghị bổ sung quy hoạch tuyến metro TP.HCM - Cần Giờ trị giá 4,09 tỷ USD

Sở Giao thông công chánh TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung tuyến metro TP.HCM – Cần Giờ vào danh mục các dự án ưu tiên theo Nghị quyết 188/2025/QH15 và điều chỉnh vào quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060.

Tuyến metro số 12 dự kiến dài 48,7 km, đi trên cao, đường đôi khổ 1.435 mm, thiết kế tốc độ 250 km/h, tải trọng trục 17 tấn. Tuyến bắt đầu từ quận 7, đi qua Nguyễn Lương Bằng – Rừng Sác và kết thúc tại khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Hai depot sẽ đặt tại quận 7 và xã Long Hòa (Cần Giờ).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tập đoàn Vingroup đề xuất đầu tư dự án theo phương thức PPP, hợp đồng BOO, với tổng vốn ước tính 4,09 tỷ USD (khoảng 102.370 tỷ đồng). Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 8.665 tỷ đồng, xây lắp hơn 37.500 tỷ đồng, còn lại là chi phí thiết bị, thuế, dự phòng và quản lý.

Tuyến metro này được kỳ vọng sẽ nâng cao khả năng kết nối, thúc đẩy phát triển Cần Giờ thành cực tăng trưởng mới của TP.HCM.

Thông xe kỹ thuật cầu Quảng Đà, kết nối Đà Nẵng và Quảng Nam

Sáng 27/3/2025, TP. Đà Nẵng tổ chức lễ thông xe kỹ thuật cầu Quảng Đà, công trình kết nối Đà Nẵng và Quảng Nam, nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng thành phố. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp Đà Nẵng làm chủ đầu tư, với tổng vốn hơn 274 tỷ đồng.

Cầu Quảng Đà dài 1.408m, bắc qua sông Yên, nối huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) với thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường kết nối vùng.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhấn mạnh, công trình không chỉ có ý nghĩa giao thông mà còn mang giá trị lịch sử và biểu tượng cho tình đoàn kết giữa hai địa phương. Ông yêu cầu tiếp tục hoàn thiện các hạng mục phụ trợ, duy trì công tác bảo trì để công trình phát huy hiệu quả, phục vụ nhân dân đi lại an toàn, thuận tiện và bền vững.

Quảng Ninh: Khởi công 5 cụm công nghiệp trong năm 2025, tổng vốn hơn 2.100 tỷ đồng

Năm 2025, Quảng Ninh sẽ khởi công 5 cụm công nghiệp (CCN) với tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch số 69/KH-UBND. Đây là một phần trong quy hoạch phát triển 45 CCN toàn tỉnh đến năm 2050, với 36 CCN triển khai trong giai đoạn 2021–2030.

Hệ thống giao thông thuận lợi là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư đến Quảng Ninh.

CCN Đông Mai (TX. Quảng Yên), có diện tích 16,2 ha, là dự án khởi công sớm nhất (tháng 1/2025), hiện đã hoàn thành 50% hạ tầng và dự kiến đón nhà đầu tư vào quý IV/2025. Các CCN khác như Đầm Hà B, Tràng An, Vân Đồn và Yên Than cũng đang triển khai thủ tục hoặc dự kiến khởi công trong năm nay.

Địa phương cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thông qua cải cách hành chính, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bàn giao đất đúng tiến độ.

Ngoài ra, Quảng Ninh đang thúc đẩy thành lập thêm 6 CCN, trong đó có CCN hỗ trợ tại phường Hà Khẩu (TP. Hạ Long), do Công ty CP Phát triển KCN Việt Hưng làm chủ đầu tư với quy mô 68,22 ha, ngành nghề chính là sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô. Dự án này sẽ hoàn thành hạ tầng và đi vào vận hành từ quý III/2027.

Tuyến đường nối Hải Dương với TP. Hải Phòng dự kiến khởi công tháng 7/2025

Dự án tuyến đường kết nối Quốc lộ 17B (thị xã Kinh Môn, Hải Dương) với đường tỉnh 352 (TP. Hải Phòng) dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 7/2025. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 786 tỷ đồng, chiều dài tuyến khoảng 7,22 km, thực hiện từ năm 2024 đến 2026.

Phương án hướng tuyến của tuyến đường kết nối quốc lộ 17B (tỉnh Hải Dương) với đường 352 (TP Hải Phòng)
Phương án hướng tuyến của tuyến đường kết nối quốc lộ 17B (tỉnh Hải Dương) với đường 352 (TP Hải Phòng).

Tuyến đường có điểm đầu tại phường Long Xuyên và điểm cuối tại xã Minh Hòa (Kinh Môn), kết nối với khu vực dự kiến xây cầu vượt sông Kinh Thầy. Giai đoạn 1 đầu tư nền đường rộng 12m, mặt đường 11m cùng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Dự án nhằm tăng cường kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển đô thị Kinh Môn và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh Hải Dương.

Song song, Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 390 (dài hơn 5 km, vốn đầu tư hơn 412 tỷ đồng) cũng đang gấp rút hoàn thiện những hạng mục cuối cùng và dự kiến hoàn thành trước ngày 10/4. Khi hoàn thành, cùng với cầu Quang Thanh và hệ thống giao thông liên quan, các dự án sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển khu vực Hải Dương – Hải Phòng.

Giao cơ quan chủ quản đầu tư cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu vốn 5.876 tỷ đồng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đồng ý giao UBND tỉnh Hòa Bình làm cơ quan chủ quản đầu tư tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, đoạn Km0 – Km19, theo hình thức đầu tư công. Dự án có quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h, tổng mức đầu tư dự kiến 5.876 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương là 1.598 tỷ đồng và ngân sách trung ương hỗ trợ 4.278 tỷ đồng.

Trước đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã đề xuất tách đoạn 7 km trùng với quy hoạch tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu để đầu tư riêng, đồng thời điều chỉnh từ phương thức PPP sang đầu tư công do phương án tài chính không khả thi.

Tuyến này sẽ kết nối các dự án trọng điểm như cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình, cầu Hòa Bình 5 và đoạn cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu Km19 – Km53, tạo thành trục giao thông liên vùng quan trọng. Cầu Hòa Bình 5 dự kiến khởi công giai đoạn 2026–2030, còn đoạn Km19 – Km53 đã được khởi công từ tháng 9/2024 và dự kiến hoàn thành năm 2028.

UBND tỉnh Hòa Bình được yêu cầu khẩn trương hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án đúng quy định, đảm bảo hiệu quả và tránh lãng phí.

Hưng Yên xúc tiến đầu tư tại Trung Quốc

Từ ngày 23–28/3/2025, đoàn công tác tỉnh Hưng Yên do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa dẫn đầu đã thăm, làm việc và xúc tiến đầu tư tại Trung Quốc. Tại thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây), đoàn tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với gần 100 doanh nghiệp, giới thiệu tiềm năng phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ hiện đại và cam kết hỗ trợ tối đa nhà đầu tư.

Hội đồng xúc tiến đầu tư tỉnh Hưng Yên tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc với sự tham dự của gần 100 doanh nghiệp.

Tại hội nghị, Hưng Yên ký biên bản ghi nhớ với liên danh nhà đầu tư gồm Xi’an GSR Energy Storage Technology (Trung Quốc), Quỹ Makara (Singapore) và Công ty CP Newtechco Group (Việt Nam) để nghiên cứu đầu tư các dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, thiết bị trạm sạc nhanh và pin lưu trữ với tổng diện tích 100 ha. Ngoài ra, hai bên sẽ khảo sát phát triển nhà máy sản xuất hydro xanh (3 triệu tấn/năm) và công nghệ điện SMR.

Trước đó, đoàn đã làm việc tại Bắc Kinh, hội kiến với lãnh đạo Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Thành ủy Bắc Kinh. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và công nghiệp công nghệ cao. Hưng Yên khẳng định sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư lâu dài, hiệu quả tại địa phương.

TP.HCM kiến nghị sửa quy định giải ngân vốn để gỡ vướng dự án Cảng quốc tế Cần Giờ

UBND TP.HCM vừa kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi quy định tại Nghị quyết 98/2023/QH15 nhằm gỡ vướng cho Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có tổng vốn đầu tư lên tới 113.531 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD), thời gian triển khai kéo dài 22 năm.

Hiện quy định yêu cầu nhà đầu tư chiến lược phải giải ngân toàn bộ vốn trong 5 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong khi Dự án được phân kỳ đầu tư làm 7 giai đoạn từ 2027–2045, với giai đoạn đầu chỉ giải ngân khoảng 18.837 tỷ đồng.

Phối cảnh Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ 

TP.HCM cho rằng quy định hiện hành không phù hợp với các dự án hạ tầng lớn, có thời gian thực hiện dài, ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính và khả năng hấp thụ của thị trường, đồng thời có nguy cơ phá vỡ quy hoạch cảng biển quốc gia.

Thành phố kiến nghị sửa đổi theo hướng cho phép nhà đầu tư chiến lược giải ngân tối thiểu 50.000 tỷ đồng trong 10 năm kể từ ngày bàn giao đất, đồng thời vẫn giữ nguyên điều kiện không được chuyển nhượng dự án trong thời gian này.

Ninh Thuận đề nghị được là cơ quan có thẩm quyền để đẩy tiến độ dự án điện hạt nhân

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa đề nghị Chính phủ giao tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án thành phần di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

Theo UBND tỉnh, nếu Thủ tướng là cơ quan có thẩm quyền như quy định hiện hành, sẽ phải thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước và thực hiện đầy đủ quy trình thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, dẫn đến kéo dài thời gian, khó đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng trong năm 2025 như chỉ đạo của Chính phủ.

Một khu vực thuộc Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1. 

Việc giao UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền sẽ giúp chủ động thực hiện các thủ tục liên quan như quy hoạch, lựa chọn nhà thầu, thiết kế kỹ thuật… với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Tỉnh cũng kiến nghị được phép thực hiện đồng thời công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cùng với điều chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021–2030 để kịp bàn giao mặt bằng trong năm 2025. Đồng thời đề xuất Quốc hội cho phép tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần độc lập, giúp rút ngắn thủ tục và đẩy nhanh tiến độ triển khai hai nhà máy điện hạt nhân.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư