
-
Công an Bắc Ninh ra quân thực hiện cao điểm xử lý vi phạm về giao thông
-
Tập đoàn Thuận An đấu thầu bằng... thỏa thuận ăn chia
-
Thủ tướng chỉ đạo không để bùng phát dịch tả lợn Châu Phi
-
Tiếp tục chi trả đợt 2 tiền Trương Mỹ Lan bồi hoàn cho hơn 41.000 trái chủ -
Cựu cán bộ Cục Đường bộ “chia thầu” cho doanh nghiệp
Bài 2: Quan tham tiếp tay cho lừa đảo
Hơn 43.000 người dân trở thành bị hại trong đại án trái phiếu Vạn Thịnh Phát - SCB, thiệt hại lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng không chỉ do bàn tay lừa đảo của Trương Mỹ Lan, mà còn vì sự tiếp tay của hàng loạt cán bộ thanh tra, giám sát - những người được giao nhiệm vụ bảo vệ hệ thống, nhưng lại bị đồng tiền “mua đứt”.
Ký gửi cả đời vào niềm tin sai chỗ
Thú thực, tuy không hài lòng, nhưng tôi thương nhiều hơn giận, sau khi nghe tiếng khóc của những trái chủ không nộp hồ sơ để được nhận tiền đợt 1 vừa qua.
Khác với dân đầu tư chuyên nghiệp, những trái chủ tôi gặp đa phần là người già, cô giáo về hưu, cựu chiến binh, thậm chí cả ông cụ bán vé số… Tuổi xế chiều nên họ chọn ngân hàng để gửi gắm đồng tiền mồ hôi xương máu tích cóp cả đời. Bởi họ tin, ngân hàng là nơi tích trữ tài sản an toàn và đáng tin cậy do hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo an toàn hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền.
Trương Mỹ Lan (mặc áo trắng) và cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II, thuộc NHNN) Đỗ Thị Nhàn tại tòa. |
Vì tin Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) uy tín, tin nhân viên SCB vốn lâu nay xưng “con, cháu” với mình, nên họ dốc hết từng đồng xu tích cóp đang gửi tiết kiệm tại đây chuyển sang mua trái phiếu của các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Nhưng người dân đâu biết được rằng, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, lũng đoạn SCB, biến nơi này thành chỗ phục vụ cho những mục đích đen tối.
Khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II, trên mạng xuất hiện nhiều nick ảo xưng là luật sư, đề nghị “khổ chủ” ký hợp đồng dịch vụ để nhanh được lấy lại tiền trái phiếu. Không chỉ vậy, nhóm lừa đảo còn bí mật tiếp cận trái chủ, phát tờ rơi nhận làm dịch vụ. Thậm chí, bọn chúng còn giả mạo là cán bộ thi hành án TP.HCM, tới tận nhà trái chủ gạ rằng, nếu muốn lấy lại tiền sớm thì ký hợp đồng dịch vụ, theo đó 30 ngày sau khi tòa xử xong, sẽ nhận lại được 30% tiền trái phiếu; 60 ngày sau sẽ nhận tiếp 30%; phần còn lại (40%), thì nhóm dịch vụ này sẽ “ngoại giao” để đòi tiếp.
Tất cả khiến trái chủ hoang mang không biết đâu là thật, đâu là giả. “Tới mức khi tài khoản ‘ting ting’ tiền Trương Mỹ Lan bồi hoàn, em cũng hoảng, sợ dính trò lừa đảo chuyển nhầm tiền”, trái chủ P.T.P. Uyên kể với phóng viên.
Đâu biết rằng, Trương Mỹ Lan chi phối công ty chứng khoán, bắt tay công ty kiểm toán, lập 1.470 công ty trong và ngoài nước với hơn 1.800 cá nhân đứng tên, hình thành một “dây chuyền” lừa đảo khép kín, kê khống tài sản thế chấp, phát hành trái phiếu khống, nhưng ẵm tiền thật của người dân, doanh nghiệp khắp cả nước.
Đâu biết rằng, các sai phạm của SCB và Trương Mỹ Lan dù đã lộ ngay từ đầu, nhưng đã bị quan tham bịt đi, thậm chí tạo điều kiện, tiếp sức để tội phạm hoàn tất việc lừa đảo, cho tới khi vụ việc vỡ lở, tới khi cơ quan công an khởi tố Trương Mỹ Lan (tháng 10/2022).
Lúc đó, bởi “đồng tiền liền khúc ruột”, khi tiền tích cóp cả đời, của anh em họ hàng gửi gắm, thậm chí bán cả gia sản đang rơi vào nguy cơ bốc hơi theo trái phiếu, hàng ngàn trái chủ đã kéo đi khắp nơi kêu cứu, tạo thành nhiều điểm nóng an ninh trật tự cả nước. Tất cả tạo nên “cơn uất nghẹn lịch sử” trên thị trường trái phiếu Việt Nam.
Vụn vỡ bởi quan tham
Trương Mỹ Lan và SCB sẽ không thể làm ra những chuyện tày đình, gây hậu quả bàng hoàng dư luận, nếu các “cửa ải” giám sát công thực thi đúng pháp luật.
“Cửa ải” đầu tiên chính là thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chi nhánh TP.HCM và Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM (Cục II). Đây là “hàng rào” trực tiếp tại địa phương, có nhiệm vụ phát hiện sai phạm nhanh nhất để báo cáo cơ quan cấp cao hơn xử lý.
Ngay từ đầu, tổ giám sát do các đơn vị trên lập ra đã phát hiện và gửi tới 70 lượt văn bản báo cáo, đề xuất lãnh đạo các cấp về việc kiểm tra/thanh tra, đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, kiểm soát đặc biệt. Nhưng tất cả không được chấp nhận.
Bởi từ Cục trưởng, Phó cục trưởng Cục II, Phó chánh thanh tra NHNN Chi nhánh TP.HCM, thậm chí tới cả Tổ trưởng giám sát đều có “quà”, người nhận được 470 triệu đồng, người thì nhận hơn 15.000 USD của Trương Mỹ Lan.
“Cửa ải” công giám sát cuối cùng có quyền lực quyết định số phận SCB - Trương Mỹ Lan chính là Đoàn thanh tra liên ngành do Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thành lập. “Cửa ải” tối cao này cũng phát hiện sai phạm, nhưng Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn đã nhận hối lộ tới 5,2 triệu USD - số tiền một người nhận hối lộ lớn nhất từ trước tới nay. Các thành viên trong đoàn cũng đều được “biếu” tiền theo cấp bậc, nhiệm vụ.
Thế là, thay vì xử lý, thanh tra lại “vẽ đường cho hươu chạy”, cố tình che giấu, thậm chí còn đề xuất tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu.
Rõ ràng, các tầng giám sát thanh tra trên đều có nghiệp vụ, khả năng và quyền lực để phát hiện, ngăn chặn sai phạm từ đầu. Nhưng cũng rõ ràng, đồng tiền đã “xuyên thấu” tất cả, để rồi tạo nên hậu quả vô cùng lớn.
Đó là, ở giai đoạn I đại án, Trương Mỹ Lan gây thiệt hại hơn 677.000 tỷ đồng, gấp gần 1,5 lần thu ngân sách năm 2023 của TP.HCM cũ (446.000 tỷ đồng) và gấp gần 1,7 lần thu ngân sách năm 2023 của Hà Nội (400.000 tỷ đồng); chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng, lớn nhất từ trước đến nay, tương đương tổng tài sản của 5 người giàu nhất Việt Nam cộng lại.
Ở giai đoạn II đại án, Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng trái phiếu, biến hơn 43.000 người dân thành bị hại - lớn nhất trong lịch sử tố tụng; “rửa” số tiền hơn 415.000 tỷ đồng, lớn gần bằng thu ngân sách năm 2023 của TP.HCM (cũ), gấp 4,5 lần của Hải Phòng (cũ)…
Vụ Trương Mỹ Lan thành đại án có nhiều cái nhất: đứng đầu về số tội danh, bị can, người có liên quan trong một vụ án; nhiều nhất về số tiền tham ô, số tiền đưa và nhận hối lộ, số tiền gây thiệt hại, thất thoát; nhiều nhất về số tài sản có liên quan, số vật chứng đã bị phát hiện, kê biên, phong tỏa, tạm giữ, số doanh nghiệp sân sau và số bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong và ngoài nước.
Lại thêm thế lực thù địch trên cõi mạng
Những giọt nước mắt ân hận kèm theo sự phẫn uất của những trái chủ không nhận được tiền đợt 1 vì không đi nộp hồ sơ cũng bởi tác động từ các thế lực thù địch trên cõi mạng. Ngay sau khi cơ quan công an khởi tố Trương Mỹ Lan (tháng 10/2022), trên cõi mạng, hàng trăm tin, bài, video của các nick ảo khuyên người dân phải nhanh chóng đi rút tiền, không tin các cơ quan nhà nước, không tin báo chí vì đó chỉ là những tin để trấn an, thực chất không quan tâm đến quyền lợi của dân.
Người dân đã kéo tới SCB làm thủ tục rút tiền trước hạn, gây ra tình trạng tê liệt cục bộ. Lúc đó, Bộ Công an phải khuyến cáo tất cả tổ chức, cá nhân không đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật. Công an nhiều tỉnh, thành phố cũng điều tra, xử lý các cá nhân sai phạm.
Rồi khi bắt đầu phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan và đồng phạm (tháng 3/2024), đại diện Tòa án Nhân dân TP.HCM đã công bố, vụ án sẽ có 2 giai đoạn. Giai đoạn I tập trung xét xử các bị cáo liên quan đến các hành vi tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, đưa - nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ... để tập trung thu hồi tài sản, làm tiền đề giải quyết cho giai đoạn II của vụ án là xử lý các sai phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Do vậy, quyền lợi của người dân khi mua trái phiếu sẽ được giải quyết trong giai đoạn II.
Nhưng dù đã có bản án sơ thẩm giai đoạn I, trên Facebook, TikTok…, các thế lực thù địch liên tiếp tung tin với nội dung tòa án tuyên án tử hình đối với Trương Mỹ Lan, thì những người đã mua trái phiếu sẽ không được đền bù thiệt hại.
Thậm chí, kể cả khi đã có bản án phúc thẩm giai đoạn II, buộc Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn hơn 30.000 tỷ đồng cho hơn 43.000 bị hại, các nick “ảo” vẫn ra rả khuyên trái chủ đừng tin. Tới tận lúc Thi hành án dân sự TP.HCM “khản tiếng” kêu gọi hơn 43.000 bị hại nhanh chóng cung cấp thông tin để nhận lại tiền Trương Mỹ Lan bồi hoàn, nick ảo cõi mạng vẫn ra rả rằng, trong các mẫu đơn kê khai do cơ quan chức năng cung cấp có gài bẫy nên đừng ký, không nộp.
Cho tới lúc hơn 40.000 khổ chủ nghe tiếng “ting ting”, đã thấy tiền trong tài khoản với dòng chữ “Trương Mỹ Lan bồi hoàn”, nick ảo cõi mạng lại trở giọng rằng, sẽ khó nhận tiếp lần 2, lần 3 nếu không tiếp tục “xuống đường” vì tiền của Trương Mỹ Lan có nguy cơ bị “nuốt”.
Tất cả những thông tin xuyên tạc này khiến không ít khổ chủ hoang mang. Mảnh vỡ niềm tin thêm lực đập mà tan tác!
(Còn tiếp)
-
Khi công lý được thực thi, niềm tin… vỡ òa - Bài 2: Quan tham tiếp tay cho lừa đảo -
Cựu cán bộ Cục Đường bộ “chia thầu” cho doanh nghiệp -
Khi công lý được thực thi, niềm tin… vỡ òa - Bài 1: Tiếng “ting ting” và những giọt nước mắt -
Chi trả tiền Trương Mỹ Lan bồi hoàn cho người thừa kế của trái chủ đã chết -
Lừa hàng ngàn nhà đầu tư góp hơn 409 tỷ đồng, trả lãi 50 - 70%/năm -
Mức “ăn chia” của liên danh Thuận An tại dự án cầu Vĩnh Tuy 2 -
Bộ Công an cảnh báo lừa đảo giả mạo công ty du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng
-
ABAC III Hải Phòng: Kết nối trí tuệ, chia sẻ tầm nhìn, khơi thông ý tưởng
-
Hướng đi mới của bất động sản Cửa Lò: Bắt nhịp phát triển đô thị biển
-
Công ty Biotion Hàn Quốc ký Biên bản Ghi nhớ với Viện nuôi trồng Thủy sản - Đại học Nha Trang về hợp tác kết nối đào tạo
-
Dòng vốn FDI dịch chuyển, bất động sản gần khu công nghiệp hưởng lợi
-
Acecook Việt Nam được vinh danh Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2025
-
BSH khẳng định vị thế với hai trung tâm giám định bồi thường xe cơ giới Bắc - Nam