Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kỷ niệm 29 năm ngày thành lập Báo Đầu tư, 27.9.1991 - 27.9.2020
Khi nhà báo kinh tế trong “trạng thái bình thường mới”
Hà Nguyễn - 27/09/2020 07:59
 
Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả, khiến ngay cả các phóng viên kinh tế cũng phải “hóng” tin y tế, bởi Covid-19 còn, thì nền kinh tế không thể sớm hồi phục.

Mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa duy trì tăng trưởng” của Chính phủ cũng đã đặt các nhà báo kinh tế vào một… “trạng thái bình thường mới”.

Tác nghiệp của phóng viên trong “kỷ nguyên Covid-19” và loạt bài trên Báo Đầu tư nhằm chung tay chống suy giảm kinh tế, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.
Tác nghiệp của phóng viên trong “kỷ nguyên Covid-19”.

“Trạng thái bình thường mới”

Có lẽ, đã rất lâu rồi, các phóng viên kinh tế vĩ mô mới có một năm bận rộn như vậy. Nói đúng hơn là có rất nhiều đề tài hay để viết, để đeo đuổi, giống y như thời điểm hơn 10 năm trước, giai đoạn 2008-2009, khi kinh tế toàn cầu khủng hoảng, tác động tới kinh tế Việt Nam.

Vào thời điểm đó, khi Chính phủ lo lắng vì “đầu năm chống lạm phát, cuối năm chống suy giảm”, thì các phóng viên kinh tế vĩ mô cũng vô cùng bận rộn, bởi còn phải “chạy” theo sự trồi sụt của từng chỉ số kinh tế vĩ mô, từ lạm phát, nhập siêu, tăng trưởng, đến sự suy giảm của sức mua, rồi những dự báo kiểu như nền kinh tế sẽ phục hồi theo chữ L, chữ V, hay chữ W…

Năm nay cũng thế. Thậm chí, tình hình còn “căng” hơn. Bởi các nguyên nhân dẫn đến sự trồi sụt của các chỉ số kinh tế vĩ mô trong năm nay lại đến từ yếu tố phi kinh tế - đại dịch Covid-19. Mà đã phi kinh tế thì chẳng có quy luật nào cả, càng khó dự đoán. Trong khi đó, đại dịch lại diễn biến khôn lường.

Chắc chắn, vào thời điểm đầu năm 2020, khi Covid-19 bắt đầu nổ ra ở Vũ Hán (Trung Quốc), không một ai có thể tưởng tượng, có một ngày, sẽ có 1 triệu người mắc bệnh, chứ không phải là đến tận… hơn 30 triệu người mắc bệnh như hiện nay.

Ngay như ở Việt Nam cũng thế, sau làn sóng Covid-19 thứ nhất, cũng lại có làn sóng Covid-19 thứ hai vào thời điểm cuối tháng 7/2020, khiến các chỉ số kinh tế vĩ mô thay đổi đến mức chóng mặt, còn các kịch bản kinh tế được xây dựng liên tục trở nên lạc hậu. Đến mức, có những thời điểm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan tham mưu chiến lược cho Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô, còn không thể, nói đúng hơn là không dám xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế, bởi tình hình quá khó dự đoán.

Tình thế xoay chuyển còn nhanh cả hơn lật bàn tay. Thế nên, lúc trà dư tửu hậu, cánh phóng viên kinh tế vĩ mô vẫn tiếc nuối nói với nhau: đang khí thế bừng bừng bởi những thành tựu tuyệt vời của hai năm 2018-2019, ai dè, Covid-19 ập đến, cuốn phăng tất cả…

Nhưng cũng “nhờ” thế, phóng viên kinh tế vĩ mô có… nhiều việc hơn. Nói vậy không có nghĩa, bình thường là ít việc. Chỉ là, khi kinh tế vĩ mô ổn định, các đề tài đôi khi trở nên cũ mèm, thiếu đi sức hấp dẫn. Còn khi có những biến động khôn lường, mọi vấn đề đều trở nên nóng hổi.

Phóng viên bận rộn hơn là vì thế. Mối quan tâm cũng khác đi. Không phải chỉ là hàng tháng, hàng quý, chờ đợi các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội nữa, mà còn chuyển sang “hóng” thông tin hàng ngày về các ca mắc Covid-19 mà các cơ quan y tế công bố, giống như các phóng viên theo dõi mảng y tế.

Tất nhiên, cũng có lý do là tò mò, cũng có lý do là lo lắng cho sức khỏe của người thân và bạn bè. Nhưng còn một nỗi lo khác, đó là lo cho nền kinh tế, “đối tượng” mà hàng ngày, hàng giờ mình phải quan tâm, phản ánh. Bởi Covid-19 còn, kinh tế chưa thể sớm hồi phục. Bởi kéo theo mỗi ca Covid-19 bị phát hiện dương tính, có thể thành phố này, địa bàn kia phải thực hiện cách ly, hay giãn cách xã hội. Là những chuyến bay, những chuyến xe bị hủy. Là sức mua sẽ suy giảm. Là không thể cung cấp các dịch vụ như du lịch, vui chơi, giải trí. Là nền kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề. Là các kịch bản kinh tế vì thế sẽ thay đổi. Là ngay cả thu nhập của chính mình cũng bị ảnh hưởng… Lại thêm rất nhiều đề tài để viết, để phỏng vấn, để phản ánh… Nếu không kịp thời, sẽ thua báo bạn, thua những phóng viên nhanh nhạy và thông minh đến bất ngờ.

Thế nên, chẳng phải mỗi nền kinh tế mới cần thiết lập trạng thái “bình thường mới”, ngay cả các phóng viên kinh tế cũng bị đặt vào một… trạng thái bình thường mới. Chấp nhận chẳng có họp báo trực tiếp gì hết, thay vào đó là họp trực tuyến. Đến cả hẹn phỏng vấn, các chuyên gia hay doanh nghiệp cũng ngại ngần gặp gỡ. Họp báo thường kỳ Chính phủ có lúc còn hạn chế người tham dự, ngồi cách xa nhau và đeo khẩu trang kín mít, nói gì đến các hội nghị, hội thảo khác.

Bởi thế, phóng viên, dù… già, dù kém công nghệ đến mấy, cũng phải làm quen với các công cụ như Zoom, như Webex Meet, Skype… Muốn viết nhanh, viết hay, hoàn toàn phụ thuộc vào quan hệ cá nhân, có thân với chuyên gia đến độ chỉ nhấc điện thoại gọi là có câu trả lời hay không. Và có “len lỏi” được vào các bộ, ngành, những cơ quan hoạch định chính sách về phục hồi kinh tế thời kỳ hậu Covid-19 để “xin xỏ”, để trích “quote”, lấy nguồn hay không…

Chung sức thực hiện nhiệm vụ kép

Ngay từ khi Covid-19 tràn đến và ngay cả sau này, khi làn sóng Covid-19 thứ hai quay trở lại, Chính phủ Việt Nam vẫn luôn kiên định thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Và cũng lại giống như hơn 10 năm trước, vai trò của truyền thông trong tạo sự đồng thuận trong xã hội một lần nữa được nhấn mạnh và coi trọng.

Một cách rất rõ ràng, với sự góp sức của truyền thông trong truyền đi các thông điệp về những nỗ lực của Chính phủ trong phòng chống, ngăn chặn Covid-19, cả nước đã chung tay không chỉ trong hỗ trợ nguồn lực chống dịch, mà còn sẵn sàng “ở nhà khi Tổ quốc cần”, thực hiện giãn cách xã hội khi cần thiết, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, như đeo khẩu trang, cách ly y tế… Nhờ thế, Việt Nam mới trở thành hình mẫu thành công trong ngăn chặn Covid-19.

Chống dịch thành công, như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói, là cơ hội để Việt Nam vượt lên, chuẩn bị đón đầu những cơ hội được tạo ra do dịch chuyển chuỗi cung ứng, do sự tái cấu trúc của kinh tế toàn cầu thời kỳ hậu Covid-19.

Mà không, nếu như trước đây, thế giới và cả Việt Nam thường nhắc tới thời kỳ “hậu Covid-19”, thì nay cụm từ đó đã không còn được nhắc đến. Họ đã dùng từ “kỷ nguyên Covid-19”. Bởi với tình hình dịch bệnh thế này, khi vaccine chưa có, chẳng biết bao giờ Covid-19 mới qua đi, để đánh dấu đâu là thời kỳ “hậu dịch”. Xác định “kỷ nguyên Covid-19” cũng có nghĩa đã xác định sẽ “sống chung với Covid-19”. Bởi thế, Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển (VRDF), được tổ chức vào đầu tuần sau, cũng đã lấy chủ đề là “Việt Nam: Hành động để phục hồi tăng trưởng theo hướng bền vững và bao trùm trong kỷ nguyên Covid-19”.

Chẳng phải mỗi nền kinh tế mới cần thiết lập trạng thái “bình thường mới”, ngay cả các phóng viên kinh tế cũng bị đặt vào một… trạng thái bình thường mới.

“Trạng thái bình thường mới” của nền kinh tế là như vậy, xác định sống chung và xây dựng các chính sách phục hồi sản xuất, phục hồi tăng trưởng trong điều kiện vẫn còn Covid-19. Trách nhiệm của các phóng viên vì thế càng nặng nề hơn, làm sao để dân hiểu và đồng thuận với chính sách của Chính phủ, làm sao để các chính sách của Chính phủ đi vào cuộc sống.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rất nhiều lần khẳng định, nền kinh tế có hồi phục được hay không, là phụ thuộc vào cỗ xe tam mã: xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và đầu tư công. Trong đó, giải ngân đầu tư công là biện pháp quan trọng nhất.

Làm sao để cổ vũ tinh thần doanh nghiệp và người dân tiếp tục dốc sức sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng? Làm sao để truyền đạt quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong thúc đẩy giải ngân đầu tư công? Rằng đầu tư công giải ngân chậm trễ có nguyên nhân rất lớn từ sự thiếu nỗ lực của không ít chính quyền địa phương. Rằng trong câu chuyện đó, trách nhiệm của người đứng đầu là rất lớn.

Chính phủ dù có họp thường xuyên, Thủ tướng cũng liên tục chỉ đạo, nhưng nếu những thông tin đó không thường xuyên xuất hiện trên mặt báo, “sức ép” với những người đứng đầu cũng không lớn đến vậy. Để họ nỗ lực hơn, quyết tâm chính trị cao hơn, chỉ đạo quyết liệt từ trên xuống trong thực hiện các giải pháp để phục hồi kinh tế.

Báo chí đã chung tay để chống suy giảm kinh tế, chung tay để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ bằng cách đó.

Trong hành trình đó, thật may mắn và tự hào cho những phóng viên của Báo Đầu tư. Bởi Báo Đầu tư chính là “báo nhà” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô. Vì thế, phóng viên Báo Đầu tư sẽ dễ dàng hơn trong tiếp cận không chỉ các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, mà còn có cơ hội “cầm nắm” sớm các dự thảo về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, hay thậm chí là các định hướng chiến lược để phục hồi kinh tế.

Càng may mắn hơn nếu được tham gia các chuyến công tác cùng Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tới từng dự án, vào từng doanh nghiệp, xuống từng địa phương để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, chống suy giảm kinh tế. Bởi sau mỗi chuyến công tác, điều mà phóng viên thu nhận được không chỉ là thông tin, mà còn là sự thấu hiểu sâu sắc hơn các vấn đề của nền kinh tế, của từng địa phương, để tự tin tiếp tục hành trình chung sức thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.

Quan hệ nhà báo - doanh nghiệp: Chọn lọc cảm xúc có lợi cho niềm tin
Niềm tin rất khó đo lường và không mang lại lợi tức đầu tư tuyệt đối, nhưng nó có thể làm thay đổi mọi thứ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư