Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Quan hệ nhà báo - doanh nghiệp: Chọn lọc cảm xúc có lợi cho niềm tin
Anh Hoa - 21/06/2020 09:52
 
Niềm tin rất khó đo lường và không mang lại lợi tức đầu tư tuyệt đối, nhưng nó có thể làm thay đổi mọi thứ.
.
Phỏng vấn TS. Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPGM Việt Nam tại Diễn đàn M&A Việt Nam do Báo Đầu tư tổ chức. Ảnh: Lê Toàn

1. “Em lên tivi hỏi nhé!” là trả lời ngắn gọn của TS. Đoàn Minh Phú, Tổng giám đốc Hệ thống ẩm thực Miresto (sở hữu chuỗi nhà hàng Thế giới hải sản, Đặc sản dê ré Song Dương, nhà hàng Nhật Hatoyama, Meat Plus BBQ), cho câu hỏi của tôi về việc các chính sách của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có ngành thực phẩm và đồ uống (F&B), đã giúp doanh nghiệp phần nào đứng dậy sau cú sốc Covid -19 chưa.

Với câu hỏi tương tự, bà Phạm Bích Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ quản lý Phúc Hưng Thịnh (sở hữu hàng loạt chuỗi nhà hàng dịch vụ ăn uống ở Hà Nội và TP.HCM) cũng buông: “Truyền thông nói nhiều, các ngân hàng cũng lên tiếng, nhưng khi tiếp cận lại không có gì. Doanh nghiệp tự bắt tay nhau cứu mình là chính”.

Rồi đến một nữ doanh nhân cũng rất gai góc đáp trả tôi khi đề cập niềm tin báo chí: “Em kỳ vọng gì từ câu trả lời của chị, hay từ bài báo của em? Liệu nó có đủ nền tảng để đạt được mục đích gì đó không? Có thay đổi được chính sách hay làm doanh nghiệp tốt lên? Nếu đủ thì khó mấy cũng làm, không ngại đụng chạm, nhưng chỉ là nói ra khơi khơi, thì cả người được hỏi và người viết bài cũng không nên có thông tin nói khéo léo để làm người khác vui. Quan trọng là mình sẽ làm được gì, vì con đường của sự tử tế, trách nhiệm chung với cộng đồng sau khi bài báo ra lò”...

Thật tẽn tò, vì pha trò mà chẳng ai cười. Những quan điểm thẳng thắn đến tận đáy lòng đó khiến tôi nhận ra rằng, hóa ra, lâu nay mình viết bài mà không ai đọc, hoặc đọc rồi để đó vì nghĩ chả giải quyết được việc gì.

Quả thật, trước khi viết vấn đề gì đó động đến quyền lợi của doanh nghiệp mà cần họ có tiếng nói, báo chí bao giờ cũng nghĩ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiếm có cơ hội đề xuất và họ cần báo chí hơn bao giờ hết.

Quan hệ giữa nhà báo và chủ doanh nghiệp nói riêng hay doanh nghiệp nói chung về cơ bản là tốt và đủ lòng tin nhau để chia sẻ hay dành thời gian để chát chít. Các doanh nhân từ chưa có kinh nghiệm hay thừa lọc lõi khi tiếp xúc với phóng viên, nhà báo đều hiểu nội dung đó sẽ lên báo và sẽ có nhiều người đọc. Hầu hết các doanh nghiệp tôi từng tiếp xúc đều thừa nhận, việc nêu khó khăn trên mặt báo không giúp gì nhiều cho họ, mà sẽ làm vấn đề khó khăn thêm do đối tác và khách hàng e dè, còn đối thủ hả hê, trong khi ít quan chức đọc báo để nắm bắt vấn đề...

“Ngại nhất là người Việt Nam nói chung hay có tâm lý hả hê trước khó khăn của giới doanh nghiệp”, một doanh nhân chia sẻ. Mặc dù vậy, đa số doanh nghiệp sẽ lựa chọn chủ đề khó khăn để đưa lên báo. Những khó khăn kiểu cả ngành cùng gặp và không làm doanh nghiệp chết đến nơi xuất hiện dày đặc trên mặt báo. Còn khó khăn của cá nhân doanh nghiệp nào đó thì giấu kín, hoặc chỉ nêu một phần rất nhỏ, bởi họ biết, đưa thông tin như vậy không giải quyết được gì, lại dễ gặp rắc rối.

“Doanh nhân gặp nhà báo chỉ muốn nói tin tốt, số đẹp, còn muốn kêu than khó khăn chính sách này nọ thì phải là những doanh nghiệp rất lớn, đứng trong tốp đầu ngành. Doanh nghiệp nhỏ kêu không tới, mà cũng không ai đăng lời kêu ca của một ông chủ doanh nghiệp nhỏ”, Đỗ Tuấn Anh, sáng lập Công ty Appota nói.

Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nhân luôn có mâu thuẫn khó giải quyết. Lý do là, nhà báo muốn đăng tin hấp dẫn. Đó có thể là những con số đẹp, từ những tuyên ngôn hoành tráng đến việc kinh doanh bi đát, hoặc đôi khi là “bóc phốt” doanh nhân, mô hình kinh doanh không hiệu quả.

Cảm xúc lo lắng cho tài sản của cá nhân mình hay doanh nghiệp nói chung không ai có thể có nhiều hơn chính doanh nhân đó. Trải qua vô số thăng trầm trong hoạt động kinh doanh, ngoài việc khiến các doanh nhân trở nên mạnh mẽ, bền bỉ, hiểu biết..., họ còn có kỹ năng đặc biệt quan trọng là chọn lọc cảm xúc hợp lý có lợi cho niềm tin, giá trị doanh nghiệp và thương hiệu để trao đổi, chia sẻ với giới truyền thông.

Qua báo chí, công chúng được biết đến các doanh nhân, cộng đồng khởi nghiệp như những người sở hữu nhiều tài sản giá trị, như tiền mặt, cổ phần, cổ phiếu, có nhiều nhà lầu, xe sang, vợ đẹp, con cái học trường tốt..., nhưng họ không hiểu thấu những khó khăn, vất vả vì không được trải nghiệm cùng. Cái biết cũng phần nào hạn chế vì chuyển tải qua phóng viên chỉ được phần nào. Đó là chưa kể tâm lý chung của người Việt là không thích người giàu hơn mình.

Vậy nên, đa số doanh nhân chỉ đồng ý gặp gỡ, trả lời báo chí khi họ có vài ý tưởng hay để chia sẻ với cộng đồng và nhà báo được họ coi như người bạn. Mà đã là bạn, là đồng hành, thì nên chia sẻ, tôn trọng, giúp đỡ nhau.

2. Việc chủ động quan hệ thường xuyên giữa giới truyền thông và doanh nghiệp dĩ nhiên sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc doanh nghiệp đứng im không làm truyền thông, còn nhà báo thì luôn phải săn thông tin thật bên cạnh những lời đồn.

Tuy nhiên, quan trọng nhất là hai bên phải có câu chuyện để người đọc thấy bài báo, nguồn tin đó rất tự nhiên, không phải dạng PR gượng ép, mà cũng không phải chuyện kể đi kể lại theo các góc cạnh khác nhau tí xíu.

Việc chủ động quan hệ thường xuyên giữa truyền thông và doanh nghiệp sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc doanh nghiệp không làm truyền thông, còn nhà báo thì luôn phải săn thông tin.

Điểm danh các đầu báo kinh tế hiện nay, phần lớn giới doanh nghiệp cho rằng, về cơ bản, nội dung báo ngày càng hấp dẫn và đầy đủ hơn so với trước. Song họ thấy thiếu những bài đi sâu vào một lĩnh vực nào đó để viết đủ các góc cạnh như kiểu nhà báo đã và đang tham gia đầu tư lĩnh vực đó, chẳng hạn thị trường gọi xe công nghệ, thị trường thương mại điện tử…, với phân tích như một chuyên gia trong ngành, rất sâu về từng người chơi trên thị trường, có số liệu minh họa.

Một bài báo ra lò với đủ tiêu chuẩn đương nhiên sẽ rất thu hút độc giả và có lượng độc giả lớn. Cụ thể, bài báo đó đủ ý, đủ các vấn đề muốn nói, đủ thông tin và được các bên chính thống xác thực. Nội dung phải bổ ích, có tính chất so sánh, chiêm nghiệm, hay kiến thức mới, hoặc góc nhìn mới. Kết bài phải mở ra hướng vận dụng, ứng dụng, giải pháp, hoặc ý nghĩa về mặt nào đó.

Ở chiều ngược lại, điểm yếu của giới làm báo khiến niềm tin ngày càng khó gây dựng với giới doanh nghiệp nằm ở vài yếu tố. Đầu tiên là trình độ của phóng viên hầu hết không nghiên cứu sâu về ngành nghề, nên viết hời hợt. Kế đến là phóng viên, cơ quan báo chí đó chưa rành mạch giữa hai nhiệm vụ kinh doanh của báo chí và nhiệm vụ dẫn dắt dư luận một cách khách quan, khoa học. Đặc biệt, những gương tốt, điển hình ít nêu, nếu có thì cũng chỉ nêu thông tin chung chung, chưa mạnh về phân tích, tổng hợp. Trong khi đó, những hiện tượng tiêu cực chưa phân tích sâu, đưa ra cảnh báo cho cộng đồng. Một số trường hợp còn lợi dụng ngôn luận để trục lợi cá nhân, hoặc ép doanh nghiệp phải mua quảng cáo trên báo để làm kinh tế.

“Có nhiều trường hợp, nhà báo chưa làm cho doanh nghiệp thấy được lợi ích khi quan hệ với giới báo chí. Đặc biệt, có nhiều phóng viên chưa đủ khiêm tốn và tôn trọng doanh nghiệp. Để làm rõ điều này cũng khó, vì đây là một nghề đòi hỏi trình độ cao, nhưng đãi ngộ thì vừa phải”, ông Phú nói.

Không tạo được niềm tin, hãy tin rằng, bạn sẽ thất bại. Doanh nhân từ lúc khởi sự kinh doanh phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong việc hình thành đó không thiếu sự đồng hành, sẻ chia, nhưng cũng không hiếm tai bay vạ gió do truyền thông đưa đến. Thành công đạt được chẳng bao giờ dễ dàng.

Niềm tin rất khó đo lường và không mang lại lợi tức đầu tư tuyệt đối, nhưng có nó sẽ thay đổi mọi thứ. Trong một nền văn hóa có độ tin cậy cao, công việc sẽ dễ dàng được hoàn thành hơn, nên đôi bên cần truyền cảm hứng niềm tin. Trong bất kỳ trường hợp nào, những người làm báo phải có trách nhiệm truyền đạt lại các câu chuyện một cách chính xác và đúng sự thực. Chọn nghề báo là đã chọn cho mình một sứ mạng làm cho xã hội tốt đẹp hơn và luôn hành động vì lợi ích cộng đồng. Làm báo là nghề có các tiêu chuẩn cao về tính chính xác, độc lập, công bằng, bí mật, nhân văn, trách nhiệm, minh bạch. Ngược lại, doanh nghiệp, doanh nhân cũng nên tin rằng, báo chí sẽ luôn ủng hộ, tiếp sức chu đáo để mình yên tâm chiến đấu trên thương trường khốc liệt.

[Longform] Nhà báo lão thành Hà Đăng: Ngày nào còn viết là ngày đó còn phải học
Đã ngoài tuổi 90, nhưng nhà báo lão thành Hà Đăng vẫn một cảm xúc sôi nổi, nhiệt huyết khi nói về nghề báo.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư