Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Khi Tổ quốc gọi tên
Dương Ngân - 03/09/2021 09:30
 
Trải qua 4 làn sóng Covid-19, khó có thể nói hết những vất vả, hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu. Tinh thần tận hiến của họ thực sự khiến chúng ta cảm phục.
Những cán bộ y tế nơi tuyến đầu không quản nhọc nhằn, hy sinh, mất mát, để viết nên những kỳ tích trong cuộc chiến với dịch bệnh

Lấy sức người chống chọi với cuồng phong bạo bệnh

Với hơn chục ngàn ca mắc mới mỗi ngày, TP.HCM đang đối diện với cuộc chiến lớn nhất trong lịch sử. Bệnh viện dã chiến, trung tâm cấp cứu điều trị Covid-19 liên tục được thành lập mới bên cạnh những cơ sở y tế vốn có đang vật lộn vì quá tải. Nhân lực y tế thiếu trầm trọng, các y, bác sĩ đang trải qua những ngày tháng quay cuồng. Thấu hiểu điều ấy, nên từng chuyến xe chở nặng yêu thương mang theo hào khí chống dịch của hàng ngàn y, bác sĩ từ khắp mọi miền Tổ quốc đã hướng về miền Nam ruột thịt.

Bên trong các khu điều trị, các bệnh viện dã chiến, cùng với tiếng máy móc khô khan đang hoạt động hết công suất, là những “chiến sĩ” blouse trắng ngày đêm miệt mài, cần mẫn bên những bệnh nhân nguy kịch để viết nên những kỳ tích trong cuộc chiến với dịch bệnh.

Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Phụ trách phòng Quản lý chất lượng bệnh viện (Bệnh viện K), mỗi ngày ở Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 TP.HCM trong một tháng qua với anh thực sự là một cuộc chiến - cuộc chiến không gươm, không súng, song lại rất khốc liệt, vì điều các anh cần bảo vệ là tính mạng, sức khỏe của người dân trước kẻ địch vô hình quái ác.

Chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19 ở tầng 3 - tầng cao nhất dành cho các bệnh nhân nặng, áp lực mà bác sĩ Tĩnh và đồng nghiệp phải đối diện rất lớn. Chỉ cần vô tình bắt gặp hình ảnh một bà mẹ là bệnh nhân Covid-19 gọi điện cho gia đình thông báo vừa quay về từ quỷ môn quan cũng có thể khiến anh hân hoan, hạnh phúc như chính mình sống lại vậy.

“Chứng kiến hình ảnh ấy, mọi vất vả, áp lực với tôi dường như không còn đáng kể”, bác sĩ Tĩnh trải lòng.

Đại dịch đang khiến TP.HCM chìm trong lo lắng, bác sĩ Tĩnh và đồng nghiệp cũng không tránh khỏi những khoảng lặng xót xa. Đó là lúc các anh phải chứng kiến bệnh nhân của mình ra đi, khi mọi nỗ lực của các nhân viên y tế không có kết quả.

.
Trải qua 4 làn sóng Covid-19, khó có thể nói hết những vất vả, hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu. Tinh thần tận hiến của họ thực sự khiến chúng ta cảm phục.

Tạm xa gia đình, Nam tiến để chăm sóc bệnh nhân Covid-19, điều dưỡng Hoàng Thị Diễm, Khoa Tai - Mũi - Họng (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) chia sẻ, cũng như những đồng nghiệp khác, chị lên đường với tâm thế sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Lúc này, điều quan tâm duy nhất của chị là bệnh nhân, làm sao để họ phục hồi tốt.

Không giống các bệnh nhân khác, bệnh nhân Covid-19 phải một mình chiến đấu với bệnh tật, nên họ thường có tâm lý mặc cảm, cô đơn. Do vậy, các điều dưỡng như chị Diễm không chỉ chăm sóc, mà cần phải thấu hiểu tâm lý, tình cảm của bệnh nhân, nhất là với các cô, bác lớn tuổi. Họ rất lo sợ, bất an khi mắc bệnh, nên điều họ cần ở điều dưỡng là sự điềm tĩnh, kiên trì.

Với bệnh nhân là con trẻ thì điều dưỡng phải như người mẹ, ân cần, tận tâm và cưng nựng. Kể lại việc chăm sóc cho bệnh nhân mới 3 tuổi đã mắc Covid-19, chị Diễm cho hay, mỗi khi bé nôn trớ, là trái tim người điều dưỡng, cũng là một người mẹ, bị bóp nghẹn.

Ở nơi không có khái niệm ngày và đêm

Biến chủng Delta đang càn quét TP.HCM và nhiều tỉnh Tây Nam bộ có tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng tăng cao. Bởi vậy, làm việc trong môi trường có hàng trăm bệnh nhân Covid-19 nặng, đòi hỏi công tác bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế phải được đặt lên hàng đầu.

Khi mọi người ào ra, chúng tôi tiến vào; khi mọi người ngủ, chúng tôi thức; khi mọi người ở nhà, quây quần bên gia đình, chúng tôi nén niềm riêng, rời xa mái ấm để lên đường...

- Bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Phụ trách phòng Quản lý chất lượng bệnh viện (Bệnh viện K)

Thống kê của ngành y tế cho thấy, đã có gần 3.000 cán bộ y tế lây nhiễm Covid-19 khi đang thực hiện nhiệm vụ, trong đó, mất mát về người đã xảy ra, khi có 3 cán bộ y tế tử vong. Tấm gương một điều dưỡng ở Bình Dương dù đang mang thai vẫn tình nguyện tham gia chống dịch để rồi mãi mãi không trở về, bỏ lại gia đình, khiến hàng triệu người đau xót, tiếc thương.

Nói về những gì mà đội ngũ blouse trắng tuyến đầu đang trải qua, nếu chỉ nhắc đến sự khó khăn, vất vả, thì chưa đủ. Thứ họ đối diện là hiểm nguy, là sự mất mát, hy sinh, là sức khỏe, tính mạng bị đe dọa…

Kể về những ngày tháng đặc biệt mà bản thân đang trải qua tại Bệnh viện dã chiến số 2 TP.HCM, điều dưỡng Phạm Nguyễn Phương Linh (Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương) chia sẻ, làm việc trong môi trường phơi nhiễm cao, khi nghe tin đồng nghiệp trở thành F0, ai nấy đều đau lòng và cũng có chút bất an, lo lắng, liệu một ngày nào đó tới lượt mình. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, chị Linh và đồng nghiệp luôn tự nhắc nhau phải cẩn trọng, nỗ lực hơn nữa, song các chị cũng rất cần sự thấu hiểu, chia sẻ và ý thức chống dịch của cộng đồng, trước hết là để bảo vệ bản thân, sau đó là góp sức giúp đất nước chống dịch, nhằm giảm số ca mắc. Có như vậy, mới không gây quá tải, tạo áp lực cho ngành y tế...

Tại Bệnh viện dã chiến số 2 TP.HCM, cứ 3 đến 5 ngày, cán bộ, nhân viên y tế lại được xét nghiệm Covid-19 định kỳ một lần nhằm bảo đảm an toàn. Điều dưỡng Phương Linh kể, những lúc đợi kết quả, ai cũng lo lắng, bồn chồn, bởi nếu chỉ một người trong số các nhân viên y tế không may mắc bệnh, thì sẽ ảnh hưởng tới quá trình điều trị cho hàng trăm bệnh nhân khác.

“Chỉ khi có kết quả âm tính, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm và lại bắt đầu trong guồng quay công việc với khát khao một ngày gần nhất, dịch sẽ yên và những người xa quê như tôi được trở về”, Phương Linh xúc động nói.

Để giảm nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế, theo TS. Đỗ Ngọc Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) -người đang trực chiến tại Trung tâm Hồi sức cấp cứu Covid-19 tại TP.HCM cho hay, Trung tâm đã thực hiện số hóa, tất cả đều dùng máy tính bảng để truyền tín hiệu ra ngoài, tránh dùng giấy tờ có thể gây lây nhiễm, tiết kiệm tối đa thời gian, công sức của nhân viên y tế. Đặc biệt, hệ thống monitor theo dõi bệnh nhân tại các phòng bệnh cũng được thiết lập để tận dụng “mắt thần” quan sát, giải quyết bài toán khi nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ kín bưng trong môi trường lây nhiễm.

TS. Đỗ Ngọc Sơn là người đã chinh chiến qua hầu hết “điểm nóng” Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát tại Việt Nam, từ Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang và giờ là TP.HCM. Khi được hỏi về nỗi lo lây nhiễm Covid-19 trong quá trình chống dịch tại một trong những điểm nóng nhất của TP.HCM, TS. Đỗ Ngọc Sơn cho hay, ông không nghĩ nhiều đến bản thân ở thời điểm hiện tại, bởi phải giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ. Mục tiêu duy nhất của ông lúc này là nỗ lực hết sức để cứu sống càng nhiều bệnh nhân càng tốt.

Cùng với Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế giao trọng trách gấp rút thiết lập Trung tâm Hồi sức cấp cứu Covid-19 tại TP.HCM trước bối cảnh hệ thống y tế nơi đây quá tải bệnh nhân Covid-19.

Khó khăn, thách thức mà các y, bác sĩ phải đối mặt là thần tốc chuyển đổi công năng bệnh viện dã chiến để thiết lập trung tâm hồi sức với các hạ tầng thiết yếu như máy móc, thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, đồ bảo hộ, hệ thống oxy khí nén trung tâm, thông khí, camera… Đặc biệt, trong một thời gian ngắn, phải xây dựng phân khu hồi sức tích cực, khu nghỉ cho nhân viên y tế, kết nối hệ thống theo dõi trung tâm. Với một núi công việc để đảm bảo cho một trung tâm hồi sức 500 giường hoạt động trơn tru, các cán bộ y tế phải làm ngày, làm đêm với nỗ lực cao nhất.

Khi chúng tôi hỏi về lịch một ngày làm việc, TS. Đỗ Ngọc Sơn cho hay, ở nơi mà sự sống của bệnh nhân luôn bị tử thần giành giật, thì cán bộ y tế không có ngày và đêm. Tất cả hệ thống đều trực chiến 24/7 và tranh thủ luân phiên nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe. Bởi vì, ngoài công tác điều trị cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Trung tâm Hồi sức cấp cứu Covid-19, các nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai còn tham gia nhiều hoạt động khác đến từ đường dây nóng.

Đường dây nóng tại đây tiếp nhận các cuộc gọi liên tục từ sáng đến đêm của các cơ sở y tế trong khu vực cũng như từ người dân, cộng đồng. Nội dung chủ yếu là hỗ trợ chuyên môn cho cơ sở y tế khi bệnh nhân chuyển nặng. Bên cạnh đó, cán bộ của Trung tâm cũng hướng dẫn người dân cách điều chỉnh oxy y tế khi đang điều trị tại nhà; kết nối cơ sở y tế gần nhất để hỗ trợ người bệnh tại cộng đồng. Ngoài ra, các nhân viên còn trợ giúp bệnh nhân đến viện điều trị, chuyển tuyến khi đã ổn định, cập nhật thông tin, tình hình của bệnh nhân đến với người nhà bệnh nhân, giúp họ ổn định tâm lý.

Viết về câu chuyện của những cán bộ y tế nơi tuyến đầu chống dịch với bao nhọc nhằn và cả sự hy sinh, mất mát, sẵn sàng có mặt ở bất kỳ nơi đâu khi Tổ quốc cần, bất giác, tôi nghe văng vẳng những ca từ hào hùng thể hiện tình yêu nước, tinh thần tận hiến của mỗi người dân Việt trong bài hát Tổ quốc gọi tên mình: “Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả… Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau… Biết bao triệu người lấy thân mình che chở… Tổ quốc linh thiêng, Tổ quốc linh thiêng. Tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình...”.

Những “Chiến sĩ áo trắng” quả cảm, kiên cường
Đằng sau thành quả, sự cảm phục của bè bạn quốc tế đối với Việt Nam trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 là sự hy sinh thầm lặng của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư