Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Trân quý bác sĩ mang cốt cách người lính
Dương Ngân - 22/06/2021 17:25
 
Trong gần 10 năm theo dõi mảng sức khỏe, tôi có cơ duyên được gặp nhiều bác sĩ tài hoa, song có một người khiến tôi đặc biệt thiện cảm là bác sĩ Lưu Quốc Khải.

Xuất thân từ một người lính cụ Hồ, không những giỏi chuyên môn, anh còn là người sống trọn vẹn hai chữ “nghĩa tình”.

Bác sĩ Lưu Quốc Khải.

“Khái tính”

Nhắc tới bác sĩ Lưu Quốc Khải, nguyên Trưởng khoa Đẻ A2 (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), hiện là Trưởng khoa Sản nhi (Bệnh viện Đa khoa quốc tế Bắc Hà), kiêm bác sĩ chính của Phòng khám Sản khoa Khải Anh, những người đã gặp, đã tiếp xúc đều dành cho anh tình cảm yêu quý.

Lần đầu tiên gặp bác sĩ Lưu Quốc Khải là năm 2015. Khi ấy tôi là một phóng viên mới được phân công theo dõi mảng y tế đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để đưa tin, viết bài về vụ việc 18 bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bị phơi nhiễm HIV sau khi mổ cấp cứu, cứu sống sản phụ nhiễm HIV.

Là người chỉ huy cuộc mổ ấy, bác sĩ Khải bất đắc dĩ trở thành… người nổi tiếng.

Rất nhiều các cơ quan báo chí săn đón để phỏng vấn, đưa tin, viết bài về anh. Ban đầu, anh rất ngại ngần từ chối, nhưng trong tình huống báo chí sục sôi thông tin, anh buộc phải trả lời và anh chỉ nói về công việc, nhiệm vụ chuyên môn, nhấn mạnh tới thành tích của cả ê-kíp, ít nhắc tới bản thân. Bác sĩ Khải luôn tâm niệm mang trên mình sứ mệnh của một bác sĩ, khi khẩn cấp, nhiệm vụ cứu người luôn là ưu tiên trên hết.

“Trước mắt chúng tôi là một mạng người yếu đuối, sự sống nằm trong tay chúng tôi, chỉ cần một phút giây đắn đo, cân nhắc lợi hại cho bản thân, tính mạng của bệnh nhân sẽ nguy nan”, bác sĩ Khải chia sẻ.

Về sau, trong quá trình theo dõi mảng sức khỏe, tôi có nhiều lần phỏng vấn anh với tư cách là chuyên gia trong một số vấn đề “nóng”, như tai biến y khoa hay tư vấn kiến thức dành cho các sản phụ, lần nào anh cũng rất nhiệt tình trả lời với quan niệm, biết tới đâu, nói tới đó, không nói những điều mình chưa hiểu sâu, chưa hiểu rõ.

Đặc biệt, anh luôn thận trọng trong các phát ngôn về đồng nghiệp. Trong câu chuyện, anh hay nói về sản phụ A, sản phụ B, anh kể họ đã vất vả ra sao để có thai. Khi nói chuyện về sản phụ, em bé, anh có thể kể cả ngày không hết.

Xuất thân là một người lính cụ Hồ, anh luôn có suy nghĩ phải làm mọi việc đúng chất lính, coi trọng tình nghĩa, tình người hơn các lợi ích vật chất.

Nói về nghề, bác sĩ Khải cho hay, người làm nghề y quan trọng nhất là tâm phải sáng, đặt đạo đức lên trên hết, nghiêm túc với nghề nghiệp. Ở bất kỳ cương vị nào, anh không rao giảng các bài học đạo đức với ai, nhưng anh hành động để chứng minh triết lý “vị nhân sinh” mà bản thân đeo đuổi. Và trong mắt nhiều nhân viên đã, đang làm việc với anh, thì bác sĩ Khải là người rất “khái tính”.

Một sự việc mà tôi đã được nghe kể lại từ nhân viên của anh khiến tôi nhớ mãi và thấy rằng, trong số nhiều người trục lợi từ chức vụ, quan hệ, thì anh có vẻ “lạc loài”.

Chuyện là, khi bố anh qua đời, anh chỉ nhắn tin cho lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, xin nghỉ phép rồi tắt điện thoại, một mình về quê chịu tang, mà không thông báo cho bất kỳ ai. Hay khi vợ anh mới sinh em bé thứ 2 tại bệnh viện, anh chỉ cho vợ ở lại bệnh viện chăm sóc sau sinh đúng nửa tiếng rồi cho về nhà, không muốn mọi người tới thăm. Rồi lần bị ngã gãy chân, đồng nghiệp, bạn bè muốn thăm hỏi, anh đều nói rằng, anh đang ở quê hay đang ở một nơi nào đó rất xa.

Trình cao và “mát tay”

Tài năng có lẽ là điều nổi bật của bác sĩ Khải khi anh luôn được đồng nghiệp đánh giá cao. Các sản phụ cũng rất tín nhiệm anh vì không những trình độ chuyên môn cao, tận tâm, chân thành đối với sản phụ, anh còn rất “mát tay”. Những ca đẻ anh tham gia hầu hết đều thuận lợi, mẹ con bình an.

Với hơn 20 năm trong nghề, bác sĩ Khải không nhớ mình đã đỡ đẻ bao nhiêu ca, đem lại tia sáng đầu đời cho biết bao đứa trẻ, tạo suối nguồn yêu thương cho bao nhiêu gia đình. Tuy nhiên, mỗi ca “vượt cạn” đều để lại trong anh những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Tiếng lành đồn xa, nhiều năm qua trên các diễn đàn, các sản phụ khen anh hết lời. Vậy nên một phòng khám nhỏ khiêm tốn có tên Khải Anh tại chùa Láng mà anh đang làm ngoài giờ hành chính luôn có nhiều sản phụ xếp hàng chờ đến lượt.

Bản thân phóng viên cũng từng vào phòng mổ để chứng kiến ca mổ của anh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Điều rất kinh ngạc là, nếu với những sản phụ không có bệnh lý đặc biệt, sức khỏe bình thường, thời gian mổ của vị bác sĩ đặc biệt này chỉ mất khoảng 2 phút, trong khi với những bác sĩ khác, thời gian thường lâu hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của bác sĩ Khải, anh không lấy đó làm thành tích, mà đơn giản, anh đã làm chủ mọi kỹ thuật, các thao tác tự nhiên, thành thục đến độ thành phản xạ, do vậy anh muốn rút ngắn thời gian phẫu thuật để giảm thiểu rủi ro có thể phát sinh cho sản phụ. Bản thân người bác sĩ cũng tự đặt ra cho mình những quy tắc nghề nghiệp nhất định về sự cẩn trọng, không một phút lơ là.

Theo chia sẻ của bác sĩ Khải, dù cuộc sống có thay đổi ra sao, biến động thế nào, nhưng với anh, trái tim, tâm hồn người lính cụ Hồ luôn chiếu rạng, soi tỏ mỗi bước đi, giúp anh luôn có được trái tim ấm nóng, cái đầu tỉnh táo khi đối diện với những khó khăn trong nghề.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ áp lực với y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch
Kiểm tra công tác bầu cử, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ đã chia sẻ khó khăn, vất vả với các y bác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư